70 năm giải phóng Thủ đô

Trí tuệ nhân tạo - cơ hội và thách thức với mỗi tòa soạn

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - LTS: Hội Báo toàn quốc năm 2023 với chủ đề “Đoàn kết - Chuyên nghiệp - Văn hóa - Sáng tạo” sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ 17 - 19/3), tại Bảo tàng Hà Nội.

Cùng với nhiều sự kiện nghiệp vụ, văn hóa phong phú, có sức lôi cuốn, một trong những nội dung được quan tâm tại Hội Báo toàn quốc là những chia sẻ về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sáng tạo nội dung của tòa soạn. Báo Kinh tế & Đô thị xin trân trọng giới thiệu bài viết của PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam về nội dung này.

Báo chí tiên phong trong chuyển đổi số    

Bản chất của báo chí số là sử dụng công nghệ số vận hành đồng thời sáng tạo nội dung, sản xuất các dòng sản phẩm số, kinh doanh, phát hành trên các nền tảng số, trong một hệ sinh thái số.

Bạn đọc tham quan các gian hàng trước ngày khai mạc Hội báo. Ảnh: Lê Tâm
Bạn đọc tham quan các gian hàng trước ngày khai mạc Hội báo. Ảnh: Lê Tâm

Chuyển đổi số báo chí thực chất là chuyển đổi từ báo chí đơn loại hình sang nền báo chí lấy báo mạng điện tử làm trung tâm, ứng dụng công nghệ số trong toàn bộ hoạt động của tòa soạn hội tụ.

Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - viết tắt là AI) cùng với các công nghệ số mới như bockchain, xR… là công cụ không thể thiếu của ngành công nghiệp nội dung số, cũng là một thách thức lớn trong quản trị nội dung trong tòa soạn, bởi nguy cơ gia tăng tin giả với tốc độ sản xuất cao của báo chí tự động. cũng như các rắc rối pháp lý và đạo đức báo chí truyền thông.
Chat GPT, một chatbot do Công ty OpenAI phát triển là một ví dụ điển hình về AI.

Trong Hội thảo “Chat GPT trong báo chí truyền thông - Cơ hội và thách thức" do Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Tuyên Quang đồng tổ chức tháng 2/2023, hầu hết các ý kiến của các nhà báo, nhà quản lý báo chí, chuyên gia công nghệ và bản quyền số đều cho rằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong báo chí là một công cụ tốt.

Sử dụng tính ưu việt của ChatGPT và ứng dụng AI để phục vụ rất hiệu quả cho các hoạt động nghiệp vụ như: Tóm tắt nội dung văn bản và tài liệu, trả lời theo yêu cầu và chủ đề của người dùng hoặc sáng tạo các nội dung, các tác phẩm theo góc nhìn mới, đặt tiêu đề cho các bài báo, dịch thuật đa ngôn ngữ.

Các ứng dụng này giúp nhà báo tiết kiệm thời gian và công sức lao động nghề nghiệp. AI có thể là trợ lý ảo đắc lực cho nhà báo trong tìm kiếm, xác định thông tin.

Có thể sử dụng các phần mềm ứng dụng công nghệ AI để phát hiện đề tài, thu thập xử lý thông tin để theo dõi sự kiện, trích xuất thông tin và xác định xu hướng.

Các chức năng được AI hỗ trợ phổ biến gồm: Phát hiện tự động các chủ đề đang được quan tâm và thông báo cho nhà báo; tự động quét website và tải dữ liệu về thiết bị cá nhân; khai thác thông tin từ các trang mạng xã hội; tạo dựng kho dữ liệu từ báo giấy đã xuất bản bằng phần mềm chuyển từ hình ảnh sang văn bản (OCR); tìm kiếm, khai thác nội dung sẵn có trong kho dữ liệu; tìm và kiểm tra nội dung, xác định trùng lặp; nhận dạng từ hình ảnh…

Để số hóa dữ liệu trong tòa soạn, có thể sử dụng các phần mềm ứng dụng OCR để nhận dạng các ký tự trên một file ảnh chụp hoặc pdf, sau đó trích xuất các trường thông tin trên hình ảnh và lưu trữ dưới dạng text nhằm số hóa tài liệu, cụ thể là các thông tin, dữ liệu trên ảnh chụp đó thành văn bản.

Sử dụng công cụ này, các tòa soạn có thể lưu trữ các thông tin từ báo giấy một cách nhanh chóng và chính xác trong các cơ sở dữ liệu của mình. Bộ TT&TT khuyến khích nhà báo và cơ quan báo chí sử dụng các phần mềm AI “nội địa" như: Dịch vụ số hóa tài liệu VNPT edig, công cụ Smart RPA của VNPT, Viettel AI open platform, Viettel OCR, IONE - Giải pháp nhận dạng và bóc tách thông tin tự động, VietOCR…

Trợ lý ảo trong sản xuất và phân phối nội dung số

AI xuất hiện giúp các người dùng tăng tốc sản xuất nội dung. Sử dụng các công cụ AI hỗ trợ quá trình viết bài, biên tập, quản trị nội dung để gia tăng tốc độ sản xuất tin bài, các tòa soạn báo.

Ngoài việc dùng phầm mềm ứng dụng AI để làm phiên bản audio cho tất cả các bài đăng có text đang khá phổ biến ở các tòa soạn báo chí có hai phiên bản trở lên; có thể là trợ lý ảo trong tổ chức các thông tin và gợi ý liên kết giữa các chủ đề. Với các phần mềm thực hiện chức năng quản lý và lưu trữ thông tin văn bản/số liệu/ bảng tính (dữ liệu…).

Trong khi đó, một số đài phát thanh - truyền hình và các tòa soạn hội tụ có thể ứng dụng tính năng tự động sản xuất các nội dung có cấu trúc lặp lại cho một số tin tức như tin về thời tiết, thể thao, công nghệ… bằng cách xây dựng phần mềm tạo văn bản tự động (NLG).

Gần đây nhất, nhóm nghiên cứu của Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh đã thử nghiệm thành công trong việc ứng dụng Chat GPT sản xuất phóng sự truyền hình về chính mảng nội dung công nghệ.

Trong phân phối nội dung, công cụ AI có thể thông qua chatbot giúp tòa soạn tiếp cận công chúng, kiểm soát thông tin phản hồi từ công chúng, hỗ trợ và tăng tốc công tác nghiên cứu, phân khúc thị trường và công chúng.

Các công cụ phân tích nội dung số giúp cho tòa soạn có cơ sở để từ đó cá nhân hóa nội dung hoặc xác định loại nội dung phù hợp cho từng nền tảng…

Tuy nhiên hãy nhớ AI chỉ là công cụ số

Các phần mềm ứng dụng AI dù có nhiều tính năng vượt trội, nhưng xét đến cùng, đó cũng chỉ là một công cụ mà nhà báo phải học cách để làm chủ nó, sử dụng nó phục vụ cho hoạt động tác nghiệp của mình.

Chúng có thể là công cụ đắc lực cho công tác biên tập, sản xuất báo chí tự động, nhưng nó không thể thay thế lao động sống của nhà báo tại hiện trường.

Chúng cũng không có nhạy cảm chính trị, không có lý tưởng, không có tính nhân văn, hoàn toàn không có trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí.

Do đó để làm chủ và sử dụng được công cụ số nói chung và các phần mềm ứng dụng AI nói riêng, mỗi nhà báo Việt Nam càng phải trau dồi năng lực và phẩm chất của một nhà báo cách mạng, học hỏi, thảo luận để có thể làm chủ công nghệ, chứ không để công nghệ dẫn dắt và làm chủ chúng ta.

Nguy cơ dùng dữ liệu và tin giả trong tác phẩm báo chí là rất cao, nếu quản trị nội dung trong tòa soạn không theo kịp được sự phát triển của công nghệ số.

Trong bối cảnh hành lang pháp lý cho nền báo chí số của Việt Nam còn chưa theo kịp thực tiễn, những rắc rối pháp lý, sự đe dọa an ninh truyền thông, các vụ việc vi phạm bản quyền và các tranh cãi về đạo đức báo chí, trách nhiệm xã hội của báo chí khi ứng dụng báo chí tự động… là những thách thức lớn hiện nay.

Các phần mềm ứng dụng AI có thể trở thành trợ lý ảo cho các nhà báo và cơ quan báo chí trong sáng tạo nội dung, tổ chức sản xuất nội dung và phân phối nội dung báo chí số.

Sự xuất hiện AI vừa là cơ hội, đồng thời là thách thức lớn với nhà báo và cơ quan báo chí, đặc biệt là với các cơ quan hữu quan quản lý Nhà nước về báo chí truyền thông. Các cơ quan báo chí cần chủ động xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó đẩy mạnh ứng dụng AI trong tòa soạn.

Cần chủ ý là không có kịch bản chung cho việc ứng dụng AI trong quản trị sáng tạo nội dung báo chí. Với các cơ quan báo chí đang ở bước cơ bản trong chuyển đổi số, cần tập trung các ứng dụng AI trong sáng tạo nội dung và tổ chức sản xuất, nghiên cứu và phân khúc công chúng trên phiên bản báo điện tử, chú trọng an toàn và an ninh thông tin.

Với cấp độ cao hơn, các tòa soạn nên triển khai ứng dụng AI trong một, một vài hoặc toàn bộ quy trình của tòa soạn.

Và với các tòa soạn nếu ứng dụng tốt cả quy trình, có thể triển khai ứng dụng AI cho khối tương tác, quản lý; phát triển dịch vụ giá trị gia tăng để phát triển kinh tế báo chí số, xây dựng chương trình tương tác và ứng dụng tin tức có tính năng vượt trội, giải quyết các vấn đề bản quyền và thực thi các mô hình báo chí số với cả 3 khu vực: Nội dung số - công nghệ số - kinh tế số, phát triển hệ sinh thái số cho cơ quan báo chí.