Trí tuệ nhân tạo mở ra hướng mới trong hỗ trợ trẻ tự kỷ tại Trung Quốc
Kinhtedothi - AI đang mở ra hướng đi mới trong việc chẩn đoán và can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ, góp phần giải quyết bài toán thiếu hụt chuyên gia trị liệu.
Tại Trung Quốc, một số ứng dụng tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) đang góp phần tạo ra những chuyển biến đáng kể trong lĩnh vực trị liệu và đánh giá trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ – một lĩnh vực còn tương đối mới mẻ và đầy thách thức. Những tiến bộ này đã mang đến hi vọng mới cho các gia đình có con mắc rối loạn phổ tự kỷ, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực có chuyên môn.
Theo Tân Hoa Xã, đất nước tỷ dân hiện chỉ có khoảng 100.000 chuyên gia trị liệu phục hồi chức năng, trong khi số lượng trẻ em từ 14 tuổi trở xuống được chẩn đoán tự kỷ đã vượt qua mốc 3 triệu, chiếm khoảng 30% tổng số hơn 10 triệu bệnh nhân mắc hội chứng này.
Nhiều trẻ có khiếm khuyết về tương tác xã hội đang bỏ lỡ các biện pháp can thiệp sớm quan trọng và thiếu sự chăm sóc riêng lẻ và lâu dài. Yu Canyang - một nhà trị liệu tâm lý người Trung Quốc cho biết: “Đối với một số trẻ ba tuổi chưa thể nói được, việc thốt ra những từ đầu tiên có thể yêu cầu sự kiên nhẫn trị liệu trong nhiều năm”.
Thêm giải pháp AI hiệu quả
Trước thực trạng đó, vào tháng 11/2024, công ty Dami & Xiaomi đã hợp tác với Amazon Web Services (AWS) để ra mắt ứng dụng trí tuệ nhân tạo mang tên RICE AI, chuyên hỗ trợ đánh giá và điều trị trẻ tự kỷ tại nhà. Ứng dụng này tích hợp các mô hình học máy tiên tiến, dữ liệu lớn và kiến thức chuyên môn về phục hồi chức năng nhằm hỗ trợ ba khía cạnh: đánh giá, can thiệp trị liệu và đào tạo phụ huynh.Nhờ hệ thống dữ liệu hành vi có gắn nhãn lên tới hơn 80 triệu mẫu, được tích lũy từ năm 2014, RICE AI có khả năng rút ngắn quy trình đánh giá tình trạng tâm lý xuống dưới 30 phút – thay vì kéo dài hàng tuần như trước.
AI cũng có thể đề xuất phác đồ can thiệp, đưa ra báo cáo cá nhân hóa, và đặc biệt, tạo ra sách tranh tương tác dành riêng cho từng đứa trẻ nhằm hỗ trợ phục hồi chức năng tại nhà.“Hệ thống giúp giảm đáng kể khối lượng công việc lặp đi lặp lại cho các nhà quan sát và trị liệu viên, từ đó họ có thể dành nhiều thời gian hơn cho tương tác và xây dựng chiến lược trị liệu,” ông Wang Zhanwei – Phó Chủ tịch Dami & Xiaomi – cho biết.

Trí tuệ nhân tạo mở ra hướng mới trong hỗ trợ trẻ tự kỷ tại Trung Quốc. Ảnh: Xinhua
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận hệ thống vẫn chưa hoàn hảo. Trong một số trường hợp, AI có thể tạo ra hình ảnh sai lệch hoặc phi logic trong sách tranh, gây nhầm lẫn cho trẻ – điều đòi hỏi sự giám sát và can thiệp kịp thời từ người lớn.
Mô hình mới - hi vọng mới
Ngoài Dami & Xiaomi, nhiều đơn vị khác tại cũng đang trong quá trình thử nghiệm và xây dựng liệu pháp số nhằm hỗ trợ điều trị chứng tự kỷ ở trẻ em. Chẳng hạn, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đang phát triển một ứng dụng trí tuệ nhân tạo chuyên biệt mang tên Starlight, trong khi Alibaba lại tập trung phát triển nhóm sách tranh trị liệu AI Tongyi.
Phó Chủ tịch Dami & Xiaomi Wang Zhanwei tuyên bố: “Chúng tôi sẽ mở mã nguồn dữ liệu và mở rộng khả năng truy cập nhằm trao quyền cho nhiều trung tâm phục hồi chức năng hơn và hỗ trợ tốt hơn cho các gia đình bị ảnh hưởng”. Nhờ các phương pháp phục hồi được hỗ trợ bởi AI, nhiều gia đình có trẻ tự kỷ đã và đang thu được những thành quả ngoài mong đợi.
Một người mẹ chia sẻ cô đã bật khóc khi nghe con trai gọi mẹ, dù biết con đường hồi phục vẫn còn dài.Trên thực tế, việc chẩn đoán tự kỷ, nhất là chẩn đoán cho trẻ em, là công việc rất khó khăn.
Đọc thêm: Trí tuệ nhân tạo: "phép màu" cứu sống người mắc bệnh nan y
Lý do là việc chẩn đoán và điều trị cho người bệnh buộc phải dựa trên quan sát hành vi trực tiếp thay vì các biện pháp kỹ thuật như xét nghiệm sinh hóa, chụp cắt lớp hay phân tích di truyền. Ngoài ra, biểu hiện của hội chứng này cũng không rõ ràng, khiến nó thường xuyên bị nhầm lẫn với các chứng rối loạn tính cách khác.

Trí tuệ nhân tạo: "phép màu" cứu sống người mắc bệnh nan y
Kinhtedothi - Khi các bác sĩ "bó tay" trước cái chết cận kề, một công nghệ bất ngờ đã thắp sáng hy vọng cho hàng triệu người mắc bệnh hiếm – sức mạnh của trí tuệ nhân tạo.

Trí tuệ nhân tạo AI có thể "cướp" việc của các nghệ sĩ?
Sự phát triển của AI đang ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nghệ thuật, nơi AI không chỉ hỗ trợ mà còn tự sản xuất nội dung. Điều này đã thay đổi cách hoạt động của ngành công nghiệp giải trí.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong rà soát văn bản quy phạm pháp luật
Kinhtedothi - Theo Bộ Tư pháp, cần thiết phải ứng dụng công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI) để từng bước hỗ trợ công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), góp phần nâng cao năng suất làm việc và hiệu quả của công tác này.