Thành phố Hà Nội:

Triển khai Đề án 06 của Chính phủ đảm bảo đúng tiến độ, an toàn

Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Xác định rõ vai trò, trách nhiệm khi được Chính phủ chọn làm điểm thực hiện Đề án 06 trên cả nước, lãnh đạo TP Hà Nội khẳng định sự quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành và người dân, đảm bảo Đề án triển khai hiệu quả.

Ban Chỉ đạo Đề án 06 TP Hà Nội tổ chức hội nghị tập huấn cho hơn 33.000 đại biểu là thành viên Ban Chỉ đạo 06 các cấp trên toàn địa bàn TP, ngày 16/6.
Ban Chỉ đạo Đề án 06 TP Hà Nội tổ chức hội nghị tập huấn cho hơn 33.000 đại biểu là thành viên Ban Chỉ đạo 06 các cấp trên toàn địa bàn TP, ngày 16/6.

Sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt

Theo báo cáo sơ kết 6 tháng triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn TP Hà Nội, tính đến ngày 7/7, TP đã ban hành trên 30 văn bản chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ; thường xuyên có các văn bản gửi các Bộ, ngành kiến nghị các nội dung, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho TP Hà Nội trong quá trình triển khai. Ban Chỉ đạo 06 TP tổ chức họp định kỳ hàng tháng để đánh giá kiểm điểm tình hình, tiến độ triển khai, báo cáo Tổ công tác 06 Chính phủ.

Đến nay, 100% UBND cấp huyện, cấp xã và thôn, tổ dân phố trên địa bàn TP đã thành lập Ban Chỉ đạo 06 và Tổ công tác 06 (gồm 30 Ban Chỉ đạo 06 cấp huyện, 579 Ban Chỉ đạo 06 cấp xã và 5.247 Tổ công tác 06 tại thôn, tổ dân phố trên địa bàn TP) để chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ cụ thể tại cấp cơ sở.

Lực lượng Công an với vai trò nòng cốt, thường trực tham mưu triển khai Đề án 06 trên địa bàn TP đã thành lập 100% Tổ công tác 06 tại Công an các cấp để trực tiếp tham mưu Ban Chỉ đạo UBND các cấp triển khai các nhiệm vụ của Đề án.

Về chất lượng nguồn nhân lực, nhìn chung, các đơn vị trên địa bàn TP đảm bảo về nhân lực thực hiện dịch vụ công, đảm bảo các quy định về vị trí việc làm và tiêu chuẩn đáp ứng của đội ngũ cán bộ công chức cơ sở. Riêng đối với đội ngũ cán bộ công chức làm công tác một cửa, 100% cán bộ công chức làm nhiệm vụ tại bộ phận một cửa đều được đào tạo bồi dưỡng về nghiệp vụ và thường xuyên tập huấn, cấp chứng chỉ về tin học; các đơn vị đều có đội ngũ cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin.

Theo kết quả triển khai thử nghiệm Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của TP (tính đến tháng 3/2022), Hệ thống cơ bản hỗ trợ cán bộ xử lý, luân chuyển được hồ sơ trên môi trường điện tử, đáp ứng được nghiệp vụ chuyên ngành của từng đơn vị và đang tiếp tục hoàn thiện quy trình nghiệp vụ. Từ ngày 4/10/2021 đến 14/3/2022, Hệ thống thông tin Một cửa điện tử thử nghiệm đã tiếp nhận 466.772 hồ sơ, trong đó đã xử lý 448.672 (đạt 96,1%), hồ sơ tiếp nhận cao nhất trong 1 ngày đạt 7.000 hồ sơ.

Tính đến 14/3/2022, trên Cổng dịch vụ công TP đã khai báo 1.851 thủ tục hành chính trong đó có 491 dịch vụ công mức độ 2; 1.154 dịch vụ công mức độ 3 và 206 dịch vụ công mức độ 3. Tích hợp 254 dịch vụ công mức độ 3,4 với Cổng dịch vụ công Quốc gia. Dự kiến đến hết năm 2022 tích hợp 928 thủ tục hành chính dịch vụ công mức độ 3,4, đạt 70% chỉ tiêu đề ra.

Nhiều cách làm sáng tạo

Về triển khai tuyên truyền về 25 dịch vụ công thiết yếu, Công an TP đã xây dựng 2 mô hình để hỗ trợ người dân tiếp cận, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Đó là mô hình Trụ sở tiếp dân kiểu mẫu tại các đơn vị có chức năng giải quyết thủ tục hành chính và Mô hình hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ công tại các địa bàn Khu đô thị, khu chung cư cao tầng; khu, cụm công nghiệp và các khu dân cư không có điều kiện hoặc ít tiếp cận với các thông tin truyền thông.

Một số đơn vị đã có những biện pháp, cách thức sáng tạo như UBND phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) đã thành lập 2 Tổ cơ động dịch vụ công trực tuyến tại nhà đầu tiên trên địa bàn TP.

Cán bộ thuộc đội cơ động của UBND phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) trực tiếp hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại nhà. Ảnh VG
Cán bộ thuộc đội cơ động của UBND phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) trực tiếp hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại nhà. Ảnh VG

Theo Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch Nguyễn Dân Huy, địa phương có hơn 7.000 người thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau và thường xuyên phát sinh rất nhiều nhu cầu về sử dụng dịch vụ công. Tuy nhiên không phải ai cũng có khả năng tiếp cận với công nghệ thông tin. “Chính vì thế, trong quá trình triển khai, cán bộ UBND phường trực tiếp đưa máy tính tới tận nhà để cầm tay, hướng dẫn từng người dân một để làm quen với các bước thực hiện dịch vụ công trên nền tảng điện tử. Qua thời gian thí điểm, tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn phường đã tăng lên” - ông Huy cho biết.

Nhìn chung, thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, Tổ cơ động của UBND phường Trúc Bạch đã giúp giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, theo Ban Chỉ đạo Đề án 06 TP chỉ rõ, do đặc thù của TP Hà Nội có sự phân chia khu vực giữa các quận và huyện nên tính chất và đặc điểm dân cư cũng có sự khác biệt, đặc biệt việc sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin của một bộ phân người dân còn có hạn chế nhất định nên việc hướng dẫn và vận động người dân tham gia sử dụng các dịch vụ công còn nhiều bất cập, chưa đồng đều giữa các đơn vị trên địa bàn TP.

Đề xuất đơn giản hóa triển khai các dịch vụ công thiết yếu

Về tiến độ triển khai nhiệm vụ đề ra theo lộ trình trong năm 2022, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND TP Lê Hồng Sơn – Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Đề án 06 của TP Hà Nội cho biết, TP chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện đảm bảo và triển khai thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công TP có kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo đúng lộ trình.

Trong tháng 7/2022, Sở TTTT khẩn trương hoàn thành các quy trình, thủ tục để đưa vào vận hành chính thức Cổng Dịch vụ công TP, Hệ thống thông tin Một cửa điện tử của TP trên cơ sở hợp nhất Cổng dịch vụ công với Hệ thống thông tin Một cửa điện tử dùng thành một Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tập trung duy nhất của TP. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc đề nghị kịp thời báo cáo UBND TP xem xét, tháo gỡ.

Trước tháng 11/2022, các Sở, ban, ngành TP chủ động xây dựng, hoàn thiện các quy trình tái cấu trúc nghiệp vụ đối với các thủ tục hành chính thuộc phạm vi lĩnh vực của đơn vị để nâng cấp, hoàn thiện phần mềm, Hệ thống thông tin Một cửa của TP đáp ứng yêu cầu số hóa.

TP xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với các dịch vụ công được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trước khi đưa vào vận hành chính thức. Tổ chức kiểm tra, khảo sát thực tế việc triển khai Đề án 06 trên địa bàn TP để kịp thời ghi nhận những khó khăn, vướng mắc, báo cáo cấp có thẩm quyền sớm tháo gỡ, giải quyết.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo Đề án 06 của TP nghiên cứu, đề xuất phương án triển khai Giấy chứng sinh điện tử, Giấy báo tử điện tử, Giấy khám sức khỏe điện tử phục vụ việc kết nối, đơn giản hóa trong quá trình triển khai các dịch vụ công thiết yếu có kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bố trí thiết bị, tổ chức phương án số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng hướng dẫn; tiếp tục rà soát, bố trí kinh phí, nguồn lực, cơ sở vật chất đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần