Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Triển khai dịch vụ hành chính công của Bảo hiểm xã hội qua bưu điện công ích: Lợi ích kép

Trâm Anh - Thu Nhung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sau 5 năm thực hiện tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích trả kết quả thủ tục hành chính ngành bảo hiểm xã hội qua dịch vụ bưu chính công ích, đã mang lại nhiều tiện ích như giảm chi phí đi lại, chờ đợi của người dân và doanh nghiệp; phòng ngừa, hạn chế các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực; giảm hồ sơ tồn đọng tại cơ quan Bảo hiểm xã hội; thuận tiện trong theo dõi hồ sơ…

Gần 90 triệu lượt hồ sơ đã được tiếp nhận, chuyển phát
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, từ năm 2014 đến tháng 9/2019, toàn quốc có gần 26,5 triệu hồ sơ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được tiếp nhận qua dịch vụ bưu chính công ích và 61,5 triệu kết quả giải quyết thủ tục hành chính được trả qua dịch vụ bưu chính công ích.
Số lượng tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính tăng nhanh qua các năm. Nếu như năm 2014, toàn quốc mới có 356.156 hồ sơ được tiếp nhận qua hệ thống Bưu điện, thì đến năm 2015 con số này là gần 2 triệu hồ sơ; năm 2016 hơn 6,5 triệu hồ sơ, năm 2017 gần 7 triệu hồ sơ và năm 2018 hơn 6,7 triệu hồ sơ, 9 tháng năm 2019 trên 3,8 triệu hồ sơ.
 
Về trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính, năm 2014 là 356.561 hồ sơ, năm 2015 hơn 7,5 triệu hồ sơ, năm 2016 hơn 8,5 triệu hồ sơ, năm 2017 hơn 12,6 triệu hồ sơ và năm 2018 là 18,4 triệu hồ sơ, 9 tháng đầu năm 2019 trên 13,6 triệu hồ sơ.
Đánh giá về dịch vụ trên, đại diện Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố cho rằng, công tác tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích của ngành đã dần đi vào ổn định, triển khai rộng khắp tại 63 tỉnh, thành phố, bước đầu đã đáp ứng các mục tiêu như: Tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, chờ đợi của người dân và doanh nghiệp; phòng ngừa, hạn chế các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực; giảm hồ sơ tồn đọng tại cơ quan Bảo hiểm xã hội; thuận tiện trong theo dõi hồ sơ…
Bên cạnh những kết quả đạt được, đại diện Bảo hiểm xã hội một số tỉnh cũng nhận định: Hiện nay, tiến độ tiếp nhận, chuyển phát thủ tục hành chính qua Bưu điện có lúc, có nơi còn chậm, chưa đúng thời gian theo hợp đồng cung cấp dịch vụ; vẫn còn để xảy ra tình trạng chưa đảm bảo an toàn trong chuyển phát, gây mất, thất lạc hồ sơ. Nhân lực ngành bưu điện thường xuyên biến động, không ổn định, do vậy, công tác đào tạo, tập huấn, cập nhật các văn bản hướng dẫn liên quan đến thủ tục, hồ sơ không đáp ứng kịp nên khi thực hiện còn lúng túng…
Nâng cấp phần mềm tiếp nhận và theo dõi hồ sơ
Thông tin về vấn đề này, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam Chu Quang Hào cho biết, từ đầu tháng 10/2019, Tổng Công ty đã thành lập Tổ chuyên trách thực hiện các nhiệm vụ phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng công việc; trong đó có công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính ngành Bảo hiểm xã hội. Thời gian tới, Bưu điện Việt Nam sẽ tăng cường chỉ đạo, thực hiện các giải pháp để sớm khắc phục tình trạng chuyển phát chậm hồ sơ, hạn chế tối đa việc thất lạc, mất, hư hỏng hồ sơ; bố trí nguồn nhân lực ổn định, đủ điều kiện thực hiện công việc; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành Phần mềm tiếp nhận và theo dõi hồ sơ, kết nối liên thông với ngành Bảo hiểm xã hội…
Nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh đề nghị, thời gian tới, 2 ngành cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, trao đổi thông tin trong thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường giám sát chất lượng cung cấp dịch vụ; phòng ngừa, hạn chế các sai sót, thất lạc hồ sơ. Đơn vị phụ trách công nghệ thông tin của 2 ngành cần tích cực nghiên cứu, hoàn thiện, nâng cấp Phần mềm Tiếp nhận và quản lý hồ sơ, tiến tới liên thông cơ sở dữ liệu, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng gợi mở, 2 ngành nghiên cứu để xây dựng những tiện ích trên điện thoại di động, giúp các cá nhân, đơn vị có thể chủ động hơn trong việc đặt yêu cầu, nhận hồ sơ và theo dõi quá trình giải quyết công việc của mình. Đồng thời, 2 ngành sẽ triển khai đánh giá mức độ hài lòng đối với chất lượng công tác tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích để có những biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ ngày càng tốt hơn.
Việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính được duy trì thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả theo 3 hình thức: Qua bộ phận “một cửa” tại trụ sở cơ quan BHXH; qua giao dịch điện tử (DN có thể nộp hồ sơ 24 giờ/ngày, 07 ngày/tuần); qua dịch vụ bưu chính công ích (DN không phải trả phí). Thông qua hình thức này đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN, người lao động khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH. Cơ quan BHXH đã đưa vào vận hành Hệ thống Một cửa điện tử tập trung để quản lý, theo dõi trực tuyến toàn bộ quy trình nghiệp vụ, từ việc tiếp nhận hồ sơ đến thụ lý giải quyết, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, cảnh báo tình trạng hồ sơ sắp đến hạn, chậm muộn...