Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Triển khai dự án xây Trạm biến áp 110kV Phú Xuyên: Cấp thiết, không thể trì hoãn

Bài, ảnh: Công Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù UBND huyện Phú Xuyên cùng các sở, ngành liên quan đã tổ chức tuyên truyền, đối thoại để người dân hiểu rõ lợi ích của dự án (DA) xây Trạm biến áp (TBA) 110kV và theo đề xuất của người dân, gần đây, UBND TP đã chấp thuận dịch chuyển vị trí TBA ra xa hơn, tuy nhiên một số trường hợp vẫn không đồng ý.

Trước những đòi hỏi vô lý, thiếu căn cứ khoa học của một số hộ dân ở tiểu khu Mỹ Lâm, thị trấn Phú Xuyên, phóng viên tiếp tục ghi nhận thông tin, ý kiến của một số người dân và cán bộ đã thẳng thắn nói ra quan điểm, chính kiến của mình. Theo đó, quan điểm của các cá nhân đều khẳng định việc xây TBA 110kV Phú Xuyên là rất cấp thiết và cần phải sớm triển khai. Bởi, đây là một trong những DA trọng điểm của TP, của huyện để thúc đẩy phát triền kinh tế cho huyện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực TP giai đoạn 2011 - 2015, xét đến năm 2020 và đúng với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
 Vị trí dự án TBA 110kV Phú Xuyên đã được dịch chuyển cách xa khu dân cư gần 200m so với ban đầu. 
Ông Bùi Xuân Tề, tiểu khu Thao Chính, thị trấn Phú Xuyên bộc bạch, chính quyền các cấp từ huyện đến thị trấn đã rất tích cực tuyên truyền, vận động từ trực tiếp đến gián tiếp bằng nhiều kênh, phương tiện để một số người dân hiểu rõ vấn đề. Thậm chí, UBND huyện đã tổ chức nhiều buổi đối thoại, giải thích, trả lời từng thắc mắc, kiến nghị của người dân. Và đa số người dân hiểu rõ lợi ích của DA và rất đồng thuận ủng hộ việc xây trạm biến áp. Tuy nhiên, có một số người đã đưa từ đòi hỏi này đến đòi hỏi khác, vượt quá giới hạn cho phép khiến chính những người dân cũng thấy bất bình. “Để sớm ổn định tình hình và cũng là để DA được triển khai kịp tiến độ, UBND huyện cùng các cơ quan liên quan cần tiếp tục tuyên truyền hơn nữa để một số người dân còn lại hiểu rõ lợi ích của DA trọng điểm này sẽ đem lại quyền lợi gì cho bản thân họ cũng như thế hệ con, cháu của mình” - ông Tề mong muốn.
Là một trong những địa phương có tới 7/7 thôn đã được công nhận làng nghề truyền thống trong số hàng trăm làng nghề của huyện, Chủ tịch UBND xã Chuyên Mỹ Đinh Ngọc Dư chia sẻ: “Xã hiện có 2.895 hộ, trong đó có khoảng 97% hộ tham gia làm nghề sơn mài, mộc truyền thống. Không chỉ có vậy, hiện nay 24 DN trên địa bàn và các hộ làm nghề sản xuất đồ mộc, sơn mài còn giải quyết việc làm cho 1.000 lao động ngoài địa phương, tạo nguồn thu thuế không nhỏ cho Nhà nước. Do là xã nghề nổi tiếng trong và ngoài nước nên nhu cầu sản xuất, sử dụng máy móc chuyên dụng để tạo ra những sản phẩm chất lượng rất cần đến nguồn điện đảm bảo, ổn định. Nhưng thời gian qua, việc cung cấp điện còn gặp nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất. Vì vậy, việc xây dựng TBA 110kV Phú Xuyên là rất cấp thiết để đảm bảo cung cấp nguồn điện ổn định không chỉ cho làng nghề xã Chuyên Mỹ mà còn cho các làng nghề khác trong huyện...”.
 Chủ tịch UBND xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín Đào Hồng Thái khẳng định: “TBA 110kV Tía xây dựng trước năm 1990 nằm cách khu dân cư thôn Tử Dương khoảng 100m hoạt động cung cấp điện bình thường. Nhiều năm qua, độ an toàn trong công tác phòng, chống cháy nổ và lĩnh vực môi trường không hề gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở liền kề. Từ ngày xây rồi đưa TBA 110kV Tía đi vào hoạt động đến nay, người dân địa phương không hề có ý kiến thắc mắc về sự tồn tại của TBA này. Tuy nhiên, cứ vào những ngày nắng nóng, đặc biệt là thời gian vừa qua, do nhu cầu sử dụng điện lớn, TBA 110kV vận hành quá tải dẫn đến gây khó khăn cho việc cấp điện của nhiều xã cũng như trong toàn huyện Phú Xuyên. Trước sự việc này, các cấp, ngành cần cương quyết để xử lý các trường hợp cố tình gây khó khăn không cho thực hiện xây TBA 110kV Phú Xuyên khiến TBA 110 Tía phải chịu quá tải, không thể để một số trường hợp “được đằng chân, lân đằng đầu” mãi được”.
 Thẳng thắn nói về những khó khăn trong việc cung cấp điện trên toàn địa bàn huyện, Giám đốc Công ty Điện lực Phú Xuyên Nguyễn Tuấn Anh cho biết, hiện nay trên toàn TP chỉ có huyện Phú Xuyên chưa có TBA 110kV nên phải phụ thuộc vào TBA 110kV Tía, đang trong tình trạng đầy tải. Bên cạnh đó, thực tế hiện nay, 7 lộ đường dây trung thế truyền tải điện từ TBA 110kV Tía về Phú Xuyên có bán kính cấp điện từ 20 - 30km, đặc biệt có lộ đường dây dài gần 40km. Do chiều dài bán kính đường dây lớn khiến chất lượng điện áp không ổn định, công tác xử lý sự cố thường bị kéo dài gây ảnh hưởng cho việc cung cấp điện cũng như độ tin cậy lưới điện. Vì thế, việc triển khai DA là rất cấp thiết, không thể trì hoãn hơn được nữa. “DA này hoàn thành, không chỉ đảm bảo cung cấp điện chất lượng, an toàn cho người dân, làng nghề, phục vụ cho sản xuất trong Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội có sức chứa hơn 3.000 DN mà còn tạo việc làm cho khoảng 500.000 lao động trực tiếp cũng như gián tiếp. Đây là cơ sở có tính khoa học nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động” - ông Anh nhấn mạnh.