Triển khai mô hình “3T” xây dựng niềm tin vào hàng Việt, đẩy lùi hàng giả, hàng nhái
Kinhtedothi - “Trong nhiều năm đồng hành cùng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, chúng tôi đã triển khai mô hình “3T” – Truyền thông – Trải nghiệm – Tin tưởng”, được đánh giá rất hiệu quả”- Giám đốc Công ty CP Truyền thông Máy tính Thánh Gióng Lại Hoàng Dương chia sẻ tại buổi Toạ đàm trực tuyến “Nói không với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng” Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức sáng 25/7.


Ông Lại Hoàng Dương - Giám đốc Công ty CP Truyền thông Máy tính Thánh Gióng chia sẻ tại buổi Toạ đàm. Ảnh Thanh Hải
Ông Lại Hoàng Dương cho rằng, nguyên nhân lớn nhất khiến hàng giả, hàng nhái vẫn tồn tại và len lỏi trên môi trường số hiện nay xuất phát từ hai yếu tố, đó là nhu cầu thị trường và lỗ hổng nhận thức của người tiêu dùng; Một bộ phận người tiêu dùng vẫn bị hấp dẫn bởi giá rẻ, thiếu thông tin để phân biệt sản phẩm chính hãng, đồng thời công tác quản lý trên nền tảng số còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp tốc độ phát triển của thương mại điện tử.
“Với vai trò là một doanh nghiệp truyền thông – công nghệ, chúng tôi thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc truyền tải thông tin chính xác, kịp thời và ứng dụng các giải pháp công nghệ hỗ trợ người tiêu dùng”- Giám đốc Công ty CP Máy tính Thánh Gióng bày tỏ.
Trong thời gian qua, Máy tính Thánh Gióng đã phát triển các nền tảng nội dung số với các chuyên mục tuyên truyền nhận diện hàng chính hãng, cảnh báo hàng giả, hàng nhái. Hợp tác với các cơ quan quản lý và nhà sản xuất triển khai mã QR truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, hỗ trợ người tiêu dùng kiểm tra sản phẩm ngay trên điện thoại. “Chúng tôi tin rằng, song song với công tác quản lý, việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng chính là “lá chắn” bền vững để hàng giả không còn đất sống”- ông Dương nói.
Chia sẻ tại Hội thảo, Giám đốc Công ty CP Truyền thông Máy tính Thánh Gióng cho hay, trong nhiều năm đồng hành cùng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, công ty đã triển khai mô hình “3T”, được đánh giá rất hiệu quả. Đó là “Truyền thông – Trải nghiệm – Tin tưởng”.
Truyền thông, là đẩy mạnh các chiến dịch quảng bá hình ảnh, giá trị hàng Việt, thông qua các câu chuyện thương hiệu, nhân vật thật, trải nghiệm thật.
Trải nghiệm, là phối hợp tham gia các hội chợ, gian hàng trực tuyếnnơi người tiêu dùng được trực tiếp so sánh, kiểm tra chất lượng hàng Việt.
Tin tưởng là xây dựng chuyên trang điện tử xác thực thông tin, giúp người tiêu dùng yên tâm lựa chọn.
Để bảo vệ thương hiệu Việt trên thị trường, ông Dương cho rằng, cần có một mối liên kết chặt chẽ, đồng bộ giữa doanh nghiệp – truyền thông – cơ quan quản lý nhà nước.
Theo đó, doanh nghiệp phải cam kết sản phẩm đạt chất lượng, minh bạch nguồn gốc; Truyền thông làm tốt vai trò định hướng, phản ánh trung thực, tích cực lan tỏa gương sáng, kịp thời cảnh báo vi phạm; Nhà nước cần hoàn thiện pháp luật, tăng cường giám sát và xử lý nghiêm minh.
“Khi ba trụ cột này phối hợp đồng bộ, cùng nhau nâng cao nhận thức xã hội, chúng ta sẽ từng bước xây dựng được niềm tin bền vững vào hàng Việt, đẩy lùi hàng giả, hàng nhái khỏi thị trường”- ông Lại Hoàng Dương chia sẻ.

Mua hàng online an toàn, Quản lý thị trường, doanh nghiệp chia sẻ bí quyết
Kinhtedothi – Mỗi quyết định mua sắm của người tiêu dùng không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn tác động đến toàn xã hội. Vì vậy, người tiêu dùng thông thái, trách nhiệm chính là “tuyến phòng vệ” để góp phần đẩy lùi hàng giả, hàng nhái.

Để người Việt tự hào dùng hàng Việt, hàng Việt chinh phục người Việt
Kinhtedothi- Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Hà Nội tiếp tục được đẩy mạnh và chuyển sang một giai đoạn mới “Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam”, “Hàng Việt chinh phục người Việt”.
Triệt tiêu hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp
Kinhtedothi - Sáng 25/7, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp cùng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tổ chức Toạ đàm với chủ đề “Nói không với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng”.