Triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TW: Tiền đề tạo bước chuyển đột phá cho Hà Nội

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Để Nghị quyết số 15-NQ/TW thấm sâu đến từng cán bộ, đảng viên, hiện các đơn vị, tổ chức trên địa bàn TP và một số tỉnh, TP đang triển khai việc phổ biến, quán triệt Nghị quyết, nhất là vị trí, vai trò, các chủ trương, định hướng của Bộ Chính trị đối với Thủ đô Hà Nội.

Ngay sau khi được ban hành, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đang được gấp rút triển khai. Với nhiều cơ chế đặc thù cùng sự vào cuộc tích cực từ TP đến cơ sở và chung tay của các bộ, ngành, địa phương, đây sẽ là tiền đề quan trọng để Hà Nội tạo bước chuyển có tính đột phá trong giai đoạn tới.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng và các lãnh đạo TP kiểm tra tiến độ dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Ảnh: Thanh Hải
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng và các lãnh đạo TP kiểm tra tiến độ dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Ảnh: Thanh Hải

Xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ của cả nước

Để Nghị quyết số 15-NQ/TW thấm sâu đến từng cán bộ, đảng viên, hiện các đơn vị, tổ chức trên địa bàn TP và một số tỉnh, TP đang triển khai việc phổ biến, quán triệt Nghị quyết, nhất là vị trí, vai trò, các chủ trương, định hướng của Bộ Chính trị đối với Thủ đô Hà Nội. Cùng với đó, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tổ chức Hội thi tìm hiểu Nghị quyết 15-NQ/TW sâu rộng tới cán bộ, đảng viên, Nhân dân nhằm phát huy ý thức trách nhiệm, quyết tâm chính trị, tinh thần tự giác, gương mẫu học tập, nghiên cứu Nghị quyết. Sau gần một tháng triển khai đã có trên 512.000 lượt thí sinh tham gia.

Đặc biệt, để Nghị quyết được triển khai thực hiện hiệu quả, ngày 26/8, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Đảng bộ TP thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, xác định 4 mục đích, yêu cầu, các nhóm chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025 và 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Qua đó nhằm tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của toàn Đảng bộ, hệ thống chính trị và Nhân dân Thủ đô Hà Nội, quyết tâm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống, tạo bước phát triển toàn diện, bứt phá của Thủ đô Hà Nội.

Như lãnh đạo TP đã nhận định, Chương trình hành động của Thành ủy Hà Nội có ý nghĩa đặc biệt, bởi thế, đã rất chú trọng phần nội dung về tổ chức thực hiện. Chương trình có kết cấu gồm 4 phần kèm theo 4 phụ lục, nội dung bám sát các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được đề ra tại Nghị quyết của Bộ Chính trị và được cụ thể hóa bằng trên 130 nhiệm vụ, đề án được xác định cụ thể để ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Từng nhiệm vụ được phân công thực hiện gắn với “địa chỉ” trách nhiệm rõ ràng và thời hạn hoàn thành cụ thể.

Trong đó, để phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, Chương trình hành động của Thành ủy chỉ rõ 6 nội dung cụ thể. Điển hình như đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt; tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch văn hóa… Phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến...

Đặc biệt, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô thông qua nghiên cứu, xây dựng và thực hiện chương trình “Hội tụ tinh hoa và cộng hưởng sức mạnh văn hóa quốc gia” với nhiều nội dung, cách thức thể hiện phong phú.

Đồng thời, TP sẽ tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai; tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới; từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD)…

Thành ủy cũng chỉ rõ, phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thủ đô với cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, cụ thể định hướng nghiên cứu, đề xuất theo 3 nhánh gồm: Thể chế; cơ chế, chính sách và cơ chế phân cấp, phân quyền.

Sản xuất thiết bị điện tử xuất khẩu tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Sản xuất thiết bị điện tử xuất khẩu tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Không phải việc riêng của Hà Nội

Như các ý kiến đã khẳng định, thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW không phải là nhiệm vụ riêng của Hà Nội, mà còn là trách nhiệm đồng hành, phối hợp của các bộ, ngành và địa phương trong cả nước. Tại hội nghị triển khai Nghị quyết, đề xuất một số giải pháp để Nghị quyết sớm phát huy hiệu quả trong đời sống, Thứ trưởng Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định, Bộ sẽ tiếp tục đồng hành cùng với UBND TP Hà Nội để phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, đóng góp vào thành công của công tác xây dựng và phát triển đô thị trên cả nước.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, để cụ thể hóa Nghị quyết, Hà Nội cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch, sớm hoàn thành Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở triển khai tổ chức quản lý điều hành trong công tác đầu tư, kêu gọi đầu tư, huy động vốn.

Mới đây, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 832-KH/ĐĐQH15 về triển khai thực hiện nhiệm vụ của Đảng đoàn Quốc hội được xác định tại Nghị quyết số 15-NQ/TW: “Lãnh đạo sửa đổi Luật Thủ đô và một số luật có liên quan theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho Hà Nội, trong đó lưu ý đến việc chủ động nguồn thu, nhiệm vụ chi nhằm ưu tiên hơn nữa nguồn lực đầu tư cho phát triển, bảo đảm kinh phí thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn Thủ đô Hà Nội”.

Để thực hiện nhiệm vụ được giao bảo đảm tiến độ, chất lượng, Đảng đoàn Quốc hội phân công trách nhiệm triển khai thực hiện các công việc cụ thể. Trong đó, xác định 2 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Một là, thực hiện sơ kết, tổng kết các Nghị quyết thí điểm của Quốc hội; Hai là, nghiên cứu, rà soát, tổng kết Luật Thủ đô và các luật liên quan. Cùng với đó, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch của Đảng đoàn Quốc hội.

Đồng thời, gắn việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của Đảng đoàn Quốc hội được xác định trong Nghị quyết số 15-NQ/TW với thời hạn xác định tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV của Đảng đoàn Quốc hội.

 

Nghị quyết số 15-NQ/TW đề ra mục tiêu, đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là TP "Văn hiến -Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026 - 2030 tăng 8 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 - 13.000 USD.

Đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là TP kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP bình quân đầu người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.