Quản chặt việc bán thuốc theo đơn
UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch triển khai “Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn” trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020. Nhiều quận, huyện, thị xã đã tích cực vào cuộc. Điển hình như UBND quận Thanh Xuân đã có tiến độ thực hiện rõ ràng, từ tháng 1 - 11/2019, triển khai ở 5 phường để đánh giá giai đoạn 1; từ đầu năm 2020 tiếp tục triển khai giai đoạn 2 với 6 phường còn lại.
Tính đến thời điểm này, quận đã có 280/280 nhà thuốc được Chi nhánh Viettel Thanh Xuân hướng dẫn sử dụng phần mềm liên thông các cơ sở cung ứng thuốc, đạt tỷ lệ 100%, đảm bảo đúng tiến độ của UBND TP Hà Nội giao.
Không chỉ quận Thanh Xuân, ở huyện xa trung tâm như Mê Linh, 100% các nhà thuốc, quầy thuốc đã sử dụng phần mềm nhập dữ liệu mua bán, trao đổi thuốc. Ông Nguyễn Thành Khang - Trưởng phòng Y tế huyện cho biết: Toàn bộ dữ liệu này được đưa lên hệ thống quản lý nhà thuốc và cơ sở dữ liệu dược quốc gia. Hiện, trình độ tin học của các quầy thuốc chưa đồng đều, huyện đã tách từng nhóm nhỏ để tập huấn riêng. Từng chủ quầy thuốc được hướng dẫn, có vướng mắc ở đâu sẽ được điều chỉnh luôn.
Sẽ thu giấy phép nếu không thực hiện
Việc sử dụng phần mềm quản lý thuốc giúp cho việc quản lý kinh doanh, buôn bán dược phẩm một cách tiện lợi, minh bạch. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, phần mềm ở các cửa hàng kinh doanh dược phẩm lại nảy sinh bất cập. Chị Lý Thị Hoa - chủ một hiệu thuốc tại quận Tây Hồ cho biết: “Phần mềm quản lý thuốc khi khởi động còn chậm, đặc biệt khi nhập tên thuốc, nhiều loại không có trong danh mục sẵn, khiến việc cập nhật các loại thuốc không thể thực hiện được”.
Ngoài ra, vẫn còn một số địa bàn chưa triển khai thực hiện. Thậm chí nhiều chủ nhà thuốc, hiệu thuốc còn chưa biết đến chủ trương này. Theo quan sát của phóng viên tại đường Trần Phú, giáp UBND huyện Thường Tín có 3 cửa hiệu thuốc, gồm nhà thuốc Nụ Hoa số 58 Trần Phú; nhà thuốc Minh Huệ số 66 Trần Phú; nhà thuốc Chính Phương số 94 Trần Phú… thì cả 3 nhà thuốc này đều không sử dụng phần mềm quản lý thuốc. Chỉ duy nhất nhà thuốc Chính Phương có trang bị máy tính nhưng thiết bị này để “đắp chiếu”, không dùng đến.
Tương tự, tại đường Ỷ La, phường Dương Nội, quận Hà Đông, 13 cửa hàng thuốc trên trục đường này thì chỉ có 3 cửa hàng được trang bị máy tính, còn phần lớn các cửa hàng đều không có máy tính. Một số nhân viên bán hàng cho biết, không thấy chủ cửa hàng triển khai nên họ không nắm được. Cũng ở phường Dương Nội, một số chủ cửa hàng không biết đến chủ trương này.
Việc các cửa hàng, quầy thuốc được một cá nhân nào đó mở ra, thậm chí đã có cả chuỗi các quầy nhưng giao toàn bộ việc mua bán cho nhân viên, khiến công tác ứng dụng phần mềm kết nối liên thông và kiểm soát kê đơn thuốc, bán thuốc kê đơn càng gặp nhiều khó khăn.
Bà Lê Thị Thanh Bình - Trưởng phòng Y tế quận Hà Đông cho biết, địa bàn quận có hơn 300 quầy, hiệu thuốc. Quận đã đôn đốc các cơ sở thực hiện và cũng đã tập huấn nhiều lần. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn gặp khó khăn, do điều kiện ở một số nơi chưa sẵn sàng trang bị máy tính, cũng như kết nối internet.
Trao đổi về nội dung này, ông Nguyễn Văn Khải - Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược (Sở Y tế Hà Nội) cho biết, nhiều nhà thuốc lớn đã chủ động thực hiện, còn nhà thuốc ở các bệnh viện thực hiện phầm mềm quản lý riêng. Trong tháng 10 này, Sở Y tế sẽ tiếp tục đi kiểm tra các địa bàn, nếu cơ sở nào không thực hiện, sẽ bị thu hồi giấy phép.