70 năm giải phóng Thủ đô

Triển vọng mới cho nông nghiệp Phú Xuyên

Bài, ảnh: Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về việc hỗ trợ 30.000 hạt giống măng tây xanh cho huyện Phú Xuyên xây dựng thí điểm mô hình sản xuất nông nghiệp sạch đã tạo nguồn động lực mạnh mẽ để Phú Xuyên phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững.

Dễ trồng, giá trị kinh tế cao
Măng tây xanh là loại cây khá dễ tính trong sản xuất. Hạt giống sau khi ươm trong bầu khoảng 3 tháng là có thể mang ra trồng. Sau 6 tháng trồng là có thể thu hoạch với mức trung bình 2 kg/sào/ngày. Với giá bán trung bình 80.000 – 100.000 đồng/kg như hiện nay, cây măng tây xanh đang mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người nông dân. Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, măng tây xanh được xếp vào nhóm rau với công dụng đa chức năng, có thể dùng làm thức ăn, làm dược phẩm, mỹ phẩm... Một năm, măng tây xanh cho thu hoạch suốt 9 tháng và chỉ mất 3 tháng (từ tháng 11 đến hết tháng 1 năm sau) là thời gian cây "nghỉ đông" hồi sức. Ưu điểm lớn nhất của cây măng tây xanh là chỉ một lần trồng có thể cho thu hoạch trong 10 năm và tuyệt đối không cần đến thuốc bảo vệ thực vật. Chị Phạm Thị Điệu, chủ vườn măng tây xanh 1ha ở thôn Duyên Yết, xã Hồng Thái chia sẻ: "Mỗi ngày tôi thu được trung bình từ 60 – 70kg măng, trừ các khoản chi phí sau xuất còn lãi khoảng 3 triệu đồng"

Mô hình trồng măng tây xanh tại xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên cho hiệu quả kinh tế cao.

Hà Nội hiện có hơn 6ha măng tây xanh, được trồng chủ yếu tại 2 huyện Phú Xuyên và Phúc Thọ. Mặc dù măng tây xanh đã được trồng tại Hà Nội từ 4, 5 năm nay nhưng đây vẫn được coi là loại cây trồng mới. Bà Nguyễn Thị Thoa – Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT) cho biết, trên thị trường măng tây hiện được xem là loại rau sạch, có giá trị dinh dưỡng cao nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Một phần cũng vì diện tích măng tây xanh còn hạn chế, sản lượng còn ít nên nông dân bán được giá. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn khuyến cáo nông dân không tùy tiện mở rộng diện tích, nhất là khi chưa được TP định hướng quy hoạch và dự báo thị trường. Mặt khác, người trồng cần phải lưu ý tuân thủ đúng quy trình trồng và chăm sóc măng tây xanh.
Hướng phát triển nông nghiệp bền vững
Ông Nguyễn Hữu Chi – Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên cho biết, huyện xác định măng tây xanh là cây trồng mũi nhọn trong hướng phát triển nông nghiệp bền vững của địa phương. Để trồng măng tây xanh, nông dân gặp không ít khó khăn bởi giá giống cao (15.000 đồng/cây giống), chi phí để trồng một sào măng tây xanh lên đến 30 triệu đồng. Đáng chú ý, hiệu quả kinh tế mà cây măng tây xanh mang lại đã rõ ràng nhưng người dân nơi đây vẫn chưa dám mở rộng diện tích. Nguyên nhân là bởi măng tây xanh vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến, chưa được bày bán rộng rãi trên thị trường.
Khó khăn của người nông dân Phú Xuyên đã được tháo gỡ kịp thời khi UBND TP đã quyết định hỗ trợ Phú Xuyên 30.000 hạt giống măng tây xanh nhập từ Hà Lan. Dự kiến, đầu tháng 3/2017, lô hạt giống măng tây xanh sẽ về tới Hà Nội. Ông Trần Công Thành – Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho hay, ngay khi nhận được chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai dự án. Đồng thời, xây dựng dự kiến kế hoạch hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng đối với đơn vị trực tiếp thực hiện dự án. Huyện cũng giao nhiệm vụ cho Phòng Kinh tế hoàn tất các thủ tục thành lập mới HTX măng tây xanh. Trước mắt, huyện đang khuyến khích, vận động các hộ đã có kinh nghiệm, nắm bắt kỹ thuật tốt trồng măng tây xanh tham gia là thành viên HTX mới.
Hiện tại, trên cơ sở diện tích đã trồng 1,76ha tại xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên đã tổ chức nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng về chất đất, nguồn nước và các điều kiện xây dựng mô hình sản xuất măng tây xanh an toàn. Trước đó, TP cũng giao nhiệm vụ cho đơn vị chức năng về địa phương lấy mẫu đất, mẫu nước gửi sang Hà Lan để kiểm tra. Kết quả, các mẫu đất, mẫu nước đều đạt chỉ số an toàn, phù hợp để trồng măng tây xanh. Về diện tích 2ha đất nông nghiệp xây dựng mô hình điểm là khu vực đất bãi ven sông Hồng thuộc quỹ đất 1 của thôn Phú Thái, xã Hồng Thái, huyện thuê lại của người dân địa phương để triển khai dự án.