Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Triệt phá nhiều tổ chức đòi nợ sai luật

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời gian qua, cơ quan công an tại nhiều tỉnh, TP đã điều tra triệt phá và khởi tố nhiều tổ chức, ổ nhóm chuyên đòi nợ thuê, đã đe dọa, khủng bố các cá nhân, tổ chức.

Tội phạm còn thành lập cả công ty đòi nợ để thực hiện các hành vi khủng bố tinh thần như đặt bình gas, mang quan tài đến nhà của các bị hại và người thân đe dọa gây mất trật tự xã hội.

Đòi nợ kiểu “xã hội đen”

Vụ việc mới đây, sau 90 ngày trinh sát, hơn 100 chiến sĩ Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội và Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), các lực lượng chức năng đã triệt phá băng nhóm tội phạm có tổ chức núp bóng DN đòi nợ thuê.

Công an thi hành quyết định với bị can là nhân viên của Công ty CP mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng.
Công an thi hành quyết định với bị can là nhân viên của Công ty CP mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng.

Hiện Công an TP Hà Nội đã khởi tố, tạm giam 31 bị can trong đường dây này để điều tra hành vi cưỡng đoạt tài sản. Theo cơ quan công an, để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, các đối tượng trên đã thành lập 7 công ty có trụ sở làm việc tại quận 11, TP Hồ Chí Minh.

Các đối tượng đòi nợ bằng cách liên tục gọi điện, nhắn tin chửi bới, đe dọa người thân, đồng nghiệp của khách, mặc dù họ không liên quan gì đến khoản vay của khách hàng.

Ngày 15/3 vừa qua, Công an TP Hồ Chí Minh đã bắt tạm giam 14 người là quản lý, lãnh đạo, nhân viên Công ty CP mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng và chi nhánh Công ty TNHH Luật Thế hệ trẻ ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Động thái này được đưa ra sau khi Công an TP Hồ Chí Minh tiếp nhận nhiều đơn kêu cứu của người dân, cho biết bị những thanh niên xưng là nhân viên thu hồi nợ liên tục gọi điện đe dọa, gửi hình ảnh có tính chất khủng bố, vu khống, xúc phạm nhân phẩm lên mạng xã hội.

Thậm chí, bạn bè, người thân, nơi làm việc của họ cũng bị những người này đe dọa. Vì lợi nhuận quá lớn nên lãnh đạo các công ty đòi nợ thuê đã chỉ đạo nhân viên ráo riết khủng bố nạn nhân với tần suất và mức độ dày đặc.

Ngày 14/2, hơn 100 cảnh sát thuộc Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), Công an Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh đã ập vào trụ sở Công ty Luật TNHH Pháp Việt (quận Tân Bình) bắt quả tang 133 người đang đòi nợ thuê; thu giữ nhiều vật dụng, tài liệu liên quan đến hoạt động khủng bố, cưỡng đoạt tài sản...

Cơ quan công an xác định có hàng nghìn người ở nhiều tỉnh, TP đã bị đòi nợ kiểu “xã hội đen”.

Có nhiều cơ chế đòi nợ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bên cho vay

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, Bộ luật Dân sự 2015 quy định hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên.

Theo đó, bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Bên cạnh đó, pháp luật cho phép các công ty tài chính là bên cho vay có quyền triển khai các hoạt động đòi nợ, nhằm thúc giục người đi vay trả nợ, theo Điều 7 Thông tư 43/2016/TT-NHNN.

Thông tư 18/2019/TT-NHNN (sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN) quy định về biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ của các công ty tài chính, nêu rõ: Biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật.

Không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, trong đó số lần nhắc nợ tối đa 5 lần/ngày.

Hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 - 21 giờ; không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, pháp luật còn rất nhiều cơ chế đòi nợ khác nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên cho vay.

Theo đó, khi bên vay không trả nợ theo thỏa thuận đồng nghĩa là không thực hiện nghĩa vụ của mình, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên cho vay và hai bên không giải quyết được vụ việc thông qua thỏa thuận, bên cho vay có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc.

Bên cạnh đó, khi nhận thấy người vay tiền có dấu hiệu phạm tội, lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản hoặc từ trước khi vay đã có ý định chiếm đoạt tài sản của người cho vay thì người cho vay có thể tố cáo lên cơ quan công an về hành vi của người vay. 

Tùy từng dấu hiệu phạm tội mà người cho vay tố cáo theo một trong hai tội sau: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 Bộ luật Hình sự), Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175 Bộ luật Hình sự).

Trong khi đó, theo luật sư Đặng Thị Vân Thịnh (Đoàn Luật sư Hà Nội), việc vay tiêu dùng qua công ty tài chính là dễ dàng với thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng.

Tuy nhiên, người vay cũng cần nhận diện công ty tài chính nào được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động, hay là DN “núp bóng” tín dụng đen, xã hội đen để cho vay lãi suất cao, sau đó đòi nợ một cách bất hợp pháp. Đồng thời, khi vướng trường hợp bị đòi nợ bất hợp pháp, người vay có thể trình báo với cơ quan công an để được hỗ trợ giải quyết.