Liên tiếp phá án các đường dây lô đề
Ngày 26/6 vừa qua, Công an huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 17 bị can, triệt xóa 3 đường dây đánh bạc bằng hình thức mua bán số lô, số đề trên địa bàn huyện Hương Sơn, huyện Thạch Hà và TP Hà Tĩnh. Qua điều tra bước đầu, với phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi, mọi giao dịch mua bán số lô, số đề chủ yếu thực hiện qua các ứng dụng mạng xã hội Facebook, Zalo, điện thoại...
Sau mỗi lần thực hiện, các đối tượng thường xuyên xóa tin nhắn, che giấu hoạt động phạm tội của mình. Bước đầu xác định, tổng số tiền các đối tượng sử dụng đánh bạc trong ngày 14/6 là hơn 1,2 tỷ đồng.
Vụ việc tương tự, ngày 23/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết, đã thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ hình sự 15 đối tượng trong đường dây đánh bạc bằng hình thức số lô, số đề với tổng giá trị giao dịch hơn 30 tỷ đồng.
Theo đó, sau thời gian trinh sát, điều tra, Công an TP Đồng Hới đã triệt phá 3 đường dây đánh bạc bằng hình thức số lô, số đề với tổng 40 đối tượng liên quan, có số tiền giao dịch trong ngày khoảng 1,5 tỷ đồng. Đường dây thứ nhất do đối tượng Trần Quang Minh Hiếu (sinh năm 1992, trú tại TP Đồng Hới) cầm đầu liên quan đến 22 “thư ký” đề với tổng số tiền giao dịch trong ngày khoảng 1 tỷ đồng.
Đường dây thứ 2 do Trần Thị Việt Hà (sinh năm 1979) cầm đầu liên quan đến 12 “thư ký” đề, với tổng số tiền giao dịch trong ngày khoảng 460 triệu đồng. Và đường dây thứ 3 bị triệt phá do Hoàng Thị Lý (sinh năm 1994) cầm đầu với 6 đối tượng “thư ký” đề, có tổng số tiền giao dịch khoảng 22 triệu đồng. Cả ba đường dây hoạt động khoảng hơn 1 tháng với tổng số tiền giao dịch hơn 30 tỷ đồng.
Tại Hà Giang, cũng trong tháng 6/2022, cơ quan công an đã triệt phá đường dây lô đề “khủng”, giao dịch trên 700 triệu đồng mỗi ngày. Theo đó, các đối tượng mua bán số lô, số đề tại địa bàn các xã, thị trấn thuộc huyện Vị Xuyên. Cơ quan công an đã bắt giữ 8 đối tượng về hành vi đánh bạc, sơ bộ xác định số tiền giao dịch trên 700 triệu đồng/ngày.
Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, việc đánh bạc bằng hình thức lô đề từ lâu đã trở nên hết sức phổ biến, phổ biến đến mức có ở mọi nơi và người ta dần cho đó là điều bình thường.
Lô đề có thể là “chất gây nghiện” với nhiều người, chơi một lần thì có thể dẫn đến lần thứ hai và dần dần khiến cho tài sản của cả gia đình không cánh mà bay. Lô đề không những là nguồn gốc của nhiều tệ nạn khác, nhiều hành vi vi phạm pháp luật như trộm cắp tài sản, cướp tài sản, mà còn tạo điều kiện cho tín dụng đen, cho vay nặng lãi nở rộ.
Về quy định pháp luật, người đánh bạc bằng hình thức mua số lô số đề có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy mức độ. Về xử phạt hành chính, căn cứ Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; PCCC; cứu nạn cứu hộ; phòng chống bạo lực gia đình, người có hành vi đánh bạc bằng hình thức mua số lô số đề bị phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng. Còn đối với người bán số lô số đề thì bị phạt từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng.
Trường hợp đánh bạc với số tiền từ 5 triệu đồng trở lên hoặc dưới 5 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc mà chưa được xóa án tích thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Đánh bạc” theo Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015. Người phạm tội này có thể bị phạt tù cao nhất là 7 năm.
“Đấu tranh với tệ nạn đánh bạc cần có sự chung tay của toàn thể cộng đồng, mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật để dần dần hạn chế tệ nạn đánh bạc, chơi lô đề trong đời sống xã hội” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nêu quan điểm.