Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Triệt tận gốc tín dụng đen

Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một thời gian dài, tín dụng đen là nỗi bức xúc, kinh sợ của người dân khắp các tỉnh, thành trên cả nước.

Trước quan điểm không khoan nhượng, triệt phá tận gốc tín dụng đen của lực lượng an ninh, hàng loạt ổ, nhóm đã bị trừng trị nghiêm khắc bởi pháp luật.
Chặt vòi bạch tuộc

Nối tiếp Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tỉnh Thanh Hóa là địa phương gây khiếp đảm cho giới tội phạm khi triệt phá hàng chục ổ, nhóm tín dụng đen hoạt động theo kiểu “xã hội đen”. Các ổ, nhóm hoạt động chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp hay chỉ đang nhen nhóm hình thành đều đang bị lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa thẳng tay trừng trị theo pháp luật.

Lời cảnh tỉnh được Công an tỉnh Thanh Hóa đưa ra đanh thép khi triệt phá tổ chức tín dụng đen chuyên nghiệp mang vỏ bọc DN: Công ty Tài chính Nam Long. Khoác cho mình bộ áo doanh nhân hào nhoáng, những đối tượng cầm đầu tổ chức “tín dụng đen” này cho thủ hạ huyênh hoang mời chào rộng rãi người dân những mỹ từ, như: “vay tín chấp nhanh, uy tín”, “lãi suất thấp, phù hợp khả năng tài chính”, “hạ tối đa mức lãi khi vay dài hạn”… Nhưng thực tế đây là tổ chức tội phạm hành xử theo kiểu “xã hội đen”.
 Công an tỉnh Thanh Hóa thực hiện biện pháp tố tụng đối với một ổ, nhóm.
Theo đó, những kẻ cầm đầu xử phạt cái gọi là “vi phạm nội quy” với đám tay chân như thời trung cổ. Nạn nhân mà trước đó không lâu từng là thủ hạ thân tín bị đám giang hồ đánh đến chết cũng chỉ vì nợ gần 20 triệu đồng của “tổ chức”. Đối với “khách hàng”, khi vỏ bằng đường bọc ngoài tan ra thì ai cũng mường tượng ra chiếc thòng lọng vô hình đang xiết chặt cổ. Tài liệu cơ quan công an thu giữ thể hiện, nhiều khách hàng bị ràng buộc mức lãi suất gần 30.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Ví dụ, người dân vay 10 triệu đồng thì sau một tháng, tiền lãi phải trả đã lên gần bằng tiền gốc đã vay. Một phép tính giản đơn nhưng làm sởn da gà những người dân khốn khó đã trót vướng vào vòng xoáy tín dụng đen. Tài liệu vụ án thể hiện chính xác bản chất cho vay lãi kiểu “cắt cổ” của tổ chức tội phạm Nam Long. Đó là, từ khoảng 10 tỷ đồng tiền góp vốn, các đối tượng thời điểm bị phát hiện đã có số lãi hàng trăm lần khi vết giao dịch cho vay tại ngân hàng lên đến hơn 500 tỷ đồng…

Chỉ gần một tháng sau, thông điệp “không khoan nhượng với tín dụng đen” được Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đưa ra khi triệt phá cùng lúc 4 ổ, nhóm khác đang hoạt động trên địa bàn. Theo đó (ngày 22/12/2018), Công an tỉnh Thanh Hóa sử dụng tối đa lực lượng, đồng loạt ra quân khám xét hành chính 32 tụ điểm (tại 14 huyện, thị xã, TP) của 4 cơ sở chính hoạt động tín dụng đen. Với những tài liệu thu thập trước và trong thời điểm “đánh án”, Công an tỉnh Thanh Hóa đủ căn cứ pháp luật để khởi tố vụ án, khởi tố 5 bị can về các hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự và tàng trữ trái phép chất ma túy. Đặc biệt, khám xét tại những tụ điểm tín dụng đen này, cơ quan công an thu giữ lựu đạn, nhiều công cụ hỗ trợ và hàng chục dao, lưỡi lê, kiếm các loại. Nhiều khả năng những hung khí nguy hiểm này dùng làm công cụ cho các đối tượng thủ hạ đi siết nợ. Hiện, các vụ án đều trong giai đoạn mở rộng và chắc chắn sẽ còn nhiều đối tượng liên quan khác sẽ bị bắt giữ, chịu hình phạt đích đáng của pháp luật.

Đáng chú ý, ngay sau ngày triệt phá 5 ổ, nhóm tội phạm cộm cán nêu trên thì hầu hết các công ty tài chính khác trên địa bàn Thanh Hóa đã đóng cửa, gỡ bảng hiệu, một số cơ sở đã nộp đơn đề nghị dừng kinh doanh dịch vụ tài chính.

Ngăn tín dụng đen lên phố núi

Không chỉ tại Thanh Hóa, thông điệp "không khoan nhượng với tín dụng đen" được lực lượng công an gửi rộng khắp và đặc biệt chú trọng các tỉnh, thành vùng sâu, vùng xa, nơi các đối tượng phạm tội có xu hướng gia tăng hoạt động.

Tại tỉnh Đắk Lắk, tín dụng đen gần đây diễn biến phức tạp và đang có xu hướng lan rộng đến các xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quyết tâm không để tín dụng đen gây hệ luỵ đến người dân, trong 3 tháng cuối năm 2018, lực lượng Công an tại tỉnh Đắk Lắk đã triệt phá 24 nhóm, 21 cơ sở, bắt giữ 91 đối tượng có liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Gần đây nhất là triệt phá nhóm hoạt động tín dụng đen do đối tượng Doãn Công Tùng (SN 1988, trú tại Hà Nội) cầm đầu. Theo khai nhận, nhóm đối tượng này bắt đầu hoạt động tại TP Buôn Ma Thuột từ tháng 10/2018. Thời điểm bắt giữ (tháng 12/2018), các đối tượng đã kịp cho hơn 100 người dân vay không thế chấp với tổng số tiền khoảng 550 triệu đồng.

Thời điểm hiện tại, Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện 132 trường hợp người dân tộc thiểu số (tại 9/15 huyện, thị xã, TP) tham gia tín dụng đen, không có khả năng chi trả với số tiền trên 70 tỷ đồng và nhiều trường hợp trong số này đã phải bỏ quê hương đi tha phương…

Tương tự, Công an TP Pleiku, tỉnh Gia Lai triệt phá hàng loạt cơ sở cho vay tài chính vi phạm pháp luật và thực hiện nhiều biện pháp hành chính, răn đe các đối tượng nhen nhóm ý định cho vay nặng lãi. Hiện, Công an TP Pleiku đã hoàn thành điều tra cơ bản, xác định có 57 tổ chức, cá nhân gồm tổng cộng 114 người cho vay tiền và cầm đồ có dấu hiệu hoạt động trái phép. Đơn vị đã mở hồ sơ quản lý 18 cơ sở, 8 nhóm đối tượng với 74 người tham gia cho vay không có giấy phép và có dấu hiệu cho vay nặng lãi. Trong số này, Công an TP Pleiku đặc biệt chú trọng các đối tượng từ các tỉnh, TP khác đến lưu trú và hoạt động cho vay với nhiều nguy cơ phát sinh tội phạm.

Cơ bản, hoạt động tín dụng đen tại các tỉnh, thành trên cả nước đã được quản lý, kiểm soát. Tuy nhiên, người dân chính là yếu tố quan trọng nhất giúp lực lượng chức năng đẩy lùi tín dụng đen. Theo đó, người dân nên tỉnh táo, nhìn rõ bản chất tội phạm của hoạt động tín dụng đen và cương quyết không tham gia vay tiền dạng này với bất cứ mức lãi suất nào. Tài liệu thu thập được của cơ quan chức năng từ những vụ án vừa qua cho thấy, tội phạm tín dụng đen có nhiều thủ đoạn gia tăng lừa đảo từng cấp độ và hệ luỵ xấu gây ra cho người dân là rất lớn khi tham gia hình thức vay tiền này.

Nhận diện tội phạm tín dụng đen từ những vụ án nêu trên: Lừa, ép buộc thỏa thuận với người vay viết giấy không ghi lãi suất, chuyển hóa hoạt động cho vay nợ bằng hình thức mua bán, thế chấp tài sản có công chứng hợp pháp hoặc yêu cầu người vay viết giấy nhận tiền để lo công việc nhằm chuyển hướng sang giao dịch dân sự. Áp dụng cho vay dạng trả góp có kỳ hạn (chơi “hụi”; “họ”), cắt trước lãi suất cao.

Khi “khách hàng” không chi trả số tiền vay đúng thời hạn, các đối tượng thay đổi phương thức lãi “cắt cổ” và sau đó gia tăng biện pháp đòi nợ, như: Đe dọa người thân, ném chất bẩn, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật…