Tuần lễ Giao lưu Văn hóa golf - Hà Nội 2022:

Trò chuyện với CEO sân golf Đầm Vạc

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khuôn khổ “Tuần lễ Giao lưu Văn hóa golf - Hà Nội 2022” do báo Kinh tế & Đô thị và Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Duy Thành - Tổng Thư ký (TTK) Hiệp Hội Du lịch golf Việt Nam, Giám đốc sân golf Đầm Vạc.

Ông Vũ Duy Thành- TTK Hiệp Hội Du lịch Golf Việt Nam-Giám đốc sân golf Đầm Vạc. Ảnh Duy Khánh
Ông Vũ Duy Thành- TTK Hiệp Hội Du lịch Golf Việt Nam-Giám đốc sân golf Đầm Vạc. Ảnh Duy Khánh

Được, biết ông Thành cũng là một trong những nhân sự quan trọng trong hệ sinh thái My Way Group (một tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng và bất động sản tại Quảng Ninh, Hà Nội và Huế).

Phóng viên:  Ông có thể tự giới thiệu về mình?

CEO Vũ Duy Thành: Tôi là Vũ Duy Thành, 57 tuổi, làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật Công ty CP Khu nghỉ dưỡng và sân golf Đầm Vạc được thành lập từ tháng 12/2011. Tôi đã có 23 năm kinh nghiệm làm quản lý.

Phóng viên: Tình hình kinh doanh của sân golf Đầm Vạc hiện nay như thế nào, thưa ông?

CEO Vũ Duy Thành: Sân golf Đầm Vạc có diện tích 90ha, 18 hố golf nằm trong khu sinh thái Đầm Vạc. Trong nhiều năm qua, sân golf Đầm Vạc là một trong những sân golf 5 sao tại Việt Nam được đánh giá có nhiều kinh nghiệm tổ chức giải quốc tế, trong đó không thể không kể đến sự thành công của giải Vô địch nghiệp dư đồng đội Đông Nam Á (2019), SEA Game 31 (2022).

Do làm tốt công tác phòng chống dịch, chuẩn bị tốt cho việc phục hồi kinh doanh sau dịch Covid-19, chính điều này khiến cho đến nay cơ bản lượng khách đến sân golf Đầm Vạc xấp xỉ bằng trước khi dịch. Đấy anh xem như hôm nay khoảng 120 golfer Nam Phi, Singapore đang có mặt thi đấu tại đây. Nhưng vẫn có những nút thắt khiến chúng ta chưa thể phát triển du lịch-golf như các nước khu vực, đặc biệt là Thái Lan.

Đoàn khách doanh nhân Singapore “rất vui khi thấy đoàn truyền hình này đã bám theo chúng tôi 2 ngày liền”. Ảnh: Duy Khánh.
Đoàn khách doanh nhân Singapore “rất vui khi thấy đoàn truyền hình này đã bám theo chúng tôi 2 ngày liền”. Ảnh: Duy Khánh.

Phóng viên: Trước dịch Covid-19 Việt Nam thu hút khoảng 40.000 tay golf từ nước ngoài đến chơi mỗi năm. Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch Thái Lan, xứ Chùa Vàng mỗi năm đón khoảng 700.000 golfer. Đây là những con số mà các nhà quản lý thể thao, các chủ sân golf, các hãng du lịch và các hiệp hội phải quan tâm. Điều gì làm nên khác biệt này?

CEO Vũ Duy Thành: Người Thái xem golf và du lịch golf là môn thể thao để thu hút khách nước ngoài đến xứ Chùa Vàng tiêu tiền. Tính ra mỗi golfer Nhật Bản sẽ tiêu 3000-4000 USD để tham gia tour du lịch golf ở Thái Lan, khách Hàn Quốc thì thấp hơn một chút, như thế hàng không, khách sạn, nhà hàng, vận tải, kinh doanh hàng lưu niệm sẽ có cơ hội phát triển. Giá chơi sân golf 18 lỗ của họ chỉ dao động 40-50 USD, rất hấp dẫn. Việt Nam đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 20%, thuế VAT 10% nên giá chơi sân golf 18 lỗ của ta lên đến 80-100 USD, vì thế khó cạnh tranh.

 

Muốn xem du lịch golf là ngành tạo đầu vào cho các ngành kinh tế khác thì chúng ta phải ngồi lại, thiết kế một sản phẩm hấp dẫn cho các golfer quốc tế. Thông qua suất thuế, Chính phủ cần điều phối để cho các ngành kinh doanh trong chuỗi sản phẩm du lịch - golf đều có cơ hội phát triển nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia.

Tất nhiên, cũng có một phần trách nhiệm của những người kinh doanh golf và du lịch golf, tôi có đọc bài phỏng vấn golfer người Singapore Anthony Lim (63 tuổi) trên báo của các anh, truyền thông du lịch golf chưa tốt và khả năng ngoại ngữ của nhân viên phục vụ có giới hạn, đó là một nhận xét khách quan. Chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật để khắc phục, cần sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước.

Phóng viên: Ông là TTK Hiệp Hội Du lịch golf Việt Nam, vậy ông nhận xét gì về sự phối hợp giữa Hiệp hội và Báo Kinh tế & Đô thị để tổ chức “Tuần lễ Giao lưu Văn hóa golf - Hà Nội 2022”?

CEO Vũ Duy Thành: Hãy còn quá sớm để nói đến mức độ thành công của sự phối hợp. Nhưng trước mắt, về mặt hình ảnh “Tuần lễ Giao lưu Văn hóa golf - Hà Nội 2022” sẽ có điều kiện lan tỏa cộng đồng nhanh chóng. Hình ảnh ê-kíp truyền hình, nhiếp ảnh có mặt tại sân golf lớn của Hà Nội mấy ngày qua khiến nhiều người tò mò.

Việt Nam đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 20%, thuế VAT 10% nên giá chơi sân golf 18 lỗ của ta lên đến 80-100 USD. Ảnh: Duy Khánh.
Việt Nam đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 20%, thuế VAT 10% nên giá chơi sân golf 18 lỗ của ta lên đến 80-100 USD. Ảnh: Duy Khánh.

Phóng viên: Điều cuối cùng mà ông muốn nói trong buổi trao đổi này?

CEO Vũ Duy Thành: Cám ơn báo chí nói chung và báo Kinh tế & Đô thị nói riêng đã đứng cạnh các sân golf, các công ty du lịch golf trong thời điểm cạnh tranh. Các anh hãy giúp chúng tôi chia sẻ đến cộng đồng những điều thú vị của bộ môn này, sắp tới chúng ta cần có thêm những buổi tọa đàm về cơ chế chính sách để du lịch golf Việt Nam phát triển.

Phóng viên: Xin cám ơn ông về buổi trò chuyện này!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần