Trời nắng nóng, uống nước sao cho đúng cách?

Bằng Lăng (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mùa hè nắng nóng cần bổ sung nước đúng cách không chỉ góp phần giải nhiệt hiệu quả, làm mát mà còn tăng sức đề kháng, giúp cơ thể khỏe mạnh.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị Ban ngày Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh - cơ sở 3 cho biết, trong những ngày nắng nóng, nhiệt độ môi trường tăng cao, cơ thể sẽ bị mất nước do ra nhiều mồ hôi, một số chức năng cơ thể sẽ bị rối loạn. Nắng nóng làm tăng nhu cầu về nước do cơ thể bị mất nước qua da như tăng tiết mồ hôi và qua phổi - tăng nhịp thở.

"Mất nước là tình trạng mà lượng nước nạp vào cơ thể ít hơn lượng nước thải ra, làm cho lượng nước trong cơ thể mất cân bằng theo chiều hướng đi xuống. Mất cân bằng nước sẽ phá vỡ sự cân bằng của các nồng độ muối, khoáng chất và lượng đường trong máu, dẫn đến việc cản trở các hoạt động bình thường và gây nhiều thiệt hại cho cơ thể", bác sĩ Vũ chia sẻ.

Nên uống chậm, nhiều ngụm nhỏ

Trời nắng nóng, uống nước sao cho đúng cách? - Ảnh 1

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Nên uống chậm và uống thành từng ngụm nhỏ để cơ thể kịp đáp ứng và dần dần đưa nước đều đến các cơ quan, giúp cho quá trình hấp thu của cơ thể được thuận lợi. Thói quen chỉ uống nước khi khát và khi khát thì uống liên tục là không tốt vì khi cảm thấy khát là lúc cơ thể đã thiếu nước.

Vì vậy, việc uống nước đầy đủ, thường xuyên ngay cả khi không khát sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.

Không nên uống nước quá lạnh

Không nên uống nước quá lạnh, nước lạnh không chỉ gây ra các bệnh về đường tiêu hóa (do nước đá được làm từ nguồn nước không đảm bảo vệ sinh) mà còn gây ra các bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm phổi... Cần hạn chế nước uống quá lạnh vào mùa nóng vì nước lạnh sẽ làm hạ nhiệt trong cơ thể và làm chậm lại quá trình trao đổi chất, mặt khác uống lạnh nhiều cũng dễ gây viêm họng.

Không nên uống quá nhiều nước một lúc, lúc cơ thể có cảm giác rất khát, mọi người thường uống nhanh một cốc nước thật đầy, đây lại là cách uống nước gây nguy hiểm cho cơ thể bởi uống nhiều nước trong một thời gian ngắn làm cho máu bị loãng, tăng gánh nặng cho tim. Điều này sẽ rất nguy hiểm với những người vừa chạy về hoặc làm việc nặng... Đồng thời, uống nhiều nước một lúc sẽ khiến mồ hôi đổ ra liên tục, dẫn đến cơ thể thiếu các chất điện giải như kali, natri...; từ đó cảm giác khát lại càng tăng, chưa kể sẽ khiến bụng bị chướng, có thể bị nấc cụt. Do vậy giải pháp tốt nhất là nên uống từ từ từng ngụm nhỏ.

Không nên uống cà phê, trà, bia rượu

Đồ uống chứa caffeine sẽ gây ra tình trạng mất nước do có tác dụng lợi tiểu. Nên hạn chế các loại nước có cồn trong thời tiết nắng nóng vì các loại đồ uống này càng làm gia tăng tình trạng mất nước.

Người có bệnh tiểu đường hạn chế dùng đồ uống có đường, người rối loạn điện giải cần dùng nước theo chỉ định của thầy thuốc

Những loại nước tốt cho sức khỏe trong mùa hè

Nước uống trong mùa nắng nóng có thể là nước máy đun sôi để nguội, nước lọc, nước khoáng, nước tinh khiết đóng chai, sữa, nước ép trái cây, nước ép rau củ, nước rau luộc... đều có thể dùng được hàng ngày.

Để đảm bảo sức khoẻ, người dân nên tự đun sôi nước sạch để nguội uống hàng ngày, nếu uống nước đóng chai thì phải chọn các hãng có uy tín trên thị trường. Ngoài ra, một số thức uống khác tốt trong mùa hè như nước chè xanh, nước ép trái cây tươi (nước cam, quýt, bưởi, dưa chuột, táo, dưa hấu, bí đao…); nước ép rau má; sữa đậu nành không đường; nước rau luộc...

Đặc biệt, trong những ngày nắng nóng, những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol, nước dừa, nước lọc...

Người nhà già, trẻ nhỏ cần được nhắc nhở uống nước để phòng nguy cơ mất nước. Người dân nên hạn chế các loại nước có cồn trong thời tiết nắng nóng vì các loại đồ uống này càng làm gia tăng tình trạng mất nước.

Bên cạnh đó, khi ra ngoài đường, người dân cần có phương tiện bảo hộ chống nắng, hạn chế ra đường vào thời gian nắng nóng đỉnh điểm trong ngày sẽ giúp ngăn chặn nguy cơ say nắng, mất nước dễ dẫn đến suy kiệt nước, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.