Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trong bão Covid-19: “Sếu đầu đàn” cần được nâng cánh

An Thanh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làn sóng Covid-19 lần thứ tư khi đánh thắng vào 2 cơ sở của nền kinh tế mà Chính phủ cố giữ vững thời gian qua, đó là hệ thống cơ sở y tế và các khu công nghiệp. Hơn lúc nào hết, vai trò “sếu đầu đàn” của các tập đoàn kinh tế lớn trong việc thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ lại một lần nữa được đặt lên bàn nghị sự.

Hiểu rõ vai trò của các tập đoàn kinh tế lớn để Chính phủ có những biện pháp giúp họ vượt qua đại dịch. Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ.
Kiên trì với định hướng

Việc gây dựng “sếu đầu đàn” (các tập đoàn kinh tế lớn) được xem là định hướng quan trọng hướng đến mục tiêu phát triển lực lượng DN Việt Nam ngày càng vững mạnh, trở thành nòng cốt của nền kinh tế đất nước. Theo ông, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra, quan điểm này có còn phù hợp?

- Đây không phải là vấn đề mới, từ Đại hội IX, Đảng ta đã có chủ trương xây dựng một số tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh trên cơ sở các tổng công ty nhà nước, có sự tham gia của các thành phần kinh tế. Xác định vai trò ngày càng quan trọng và khuyến khích sự phát triển của kinh tế tư nhân, coi đây là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Mới đây, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh khuyến khích hình thành, phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân cùng với củng cố, phát triển tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có năng lực cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.
 Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ.
Lịch sử dân tộc cho thấy khi quốc gia gặp thiên tại, địch họa thì hơn lúc nào hết, các doanh nhân Việt Nam phải thể hiện lòng ái quốc bằng các hành động cụ thể, thể hiện vai trò “sếu đầu đàn” của mình. Thực tiễn lịch sử đã cho phép chúng ta đặt niềm tin vào doanh nhân Việt.

Chúng ta sẽ cùng nhau chia sẻ sâu hơn dưới góc độ kinh tế, ông đánh giá về tầm quan trọng của “sếu đầu đàn” như thế nào?

- Trước hết phải nói, khi đại dịch Covid-19 kéo dài gần 2 năm, “sức khỏe” của các DN đều đang có vấn đề. Theo khảo sát mới nhất có Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại 10.197 DN, trong đó có 8.633 DN tư nhân và 1.564 DN thuộc khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thì có đến 87,2% DN cho biết chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Các DN tư nhân quy mô nhỏ, siêu nhỏ là nhóm có tỷ lệ phải thực hiện biện pháp cho lao động nghỉ việc ở cao nhất, lần lượt ở mức 36% và 35%. Gánh nặng của phục hồi kinh tế sẽ dồn vào vai các tập đoàn kinh tế lớn, đơn giản là họ vẫn còn “năng lượng” tích lũy để vượt qua khó khăn trước mắt.

Việc Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tặng Bộ Y tế 4 triệu liều vaccine Covid-19; Viettel công bố đóng 450 tỷ đồng vào Quỹ vaccine phòng Covid-19; Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam mỗi đơn vị góp 400 tỷ đồng… cho thấy tiềm lực kinh tế của các “sếu đầu đàn” còn rất tốt.

Việc kinh doanh của các tập đoàn lớn lại nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu, khi các đối tác nước ngoài của họ tăng tốc, họ cũng có điều kiện bứt lên, phục hồi nhanh hơn các DN vừa và nhỏ. Chưa kể, về mặt quản trị các CEO của các tập đoàn, tổng công ty cũng được trang bị kỹ năng “vượt qua khúc cua hiểm nghèo” một cách bài bản hơn.

Ưu tiên hỗ trợ “sếu đầu đàn”

Nếu như vậy khi thiết kế chính sách hỗ trợ DN Chính phủ nên ưu tiên hỗ trợ một cách hiệu quả cho các DN quy mô lớn, để rồi chính họ sẽ là “đầu kéo” cho cả nền kinh tế?

- Chính xác, phải có sự điều chỉnh nhất định. Nếu như năm 2020, các giải pháp của Chính phủ tập trung vào việc thực hiện các chính sách như hoãn và giãn đóng thuế thu nhập, thuế đất, chính sách tài khóa, hay hệ thống ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi suất, thì bước sang năm 2021, chính xác hơn trước khi Việt Nam chúng ta hoàn thành tiêm chủng vaccine để thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, các DN đang trông chờ một chính sách căn cơ hơn để phục hồi và phát triển.

Chúng ta phải phân ra các giải pháp khác nhau theo quy mô của từng loại hình DN khác nhau. Nhóm DN lớn chiếm 80% nguồn thu ngân sách thì lại cần Chính phủ hỗ trợ mở cửa thị trường, bay đi nước ngoài đàm phán hợp đồng hay hỗ trợ họ đón các đoàn chuyên gia nước ngoài trong bối cảnh dịch hay các điều kiện để mở rộng sản xuất.

Nếu như các bạn để ý thì Vingroup không bị động chống chọi với khó khăn thời Covid-19. Họ vừa thành lập công ty Vinbiocare vốn 200 tỷ đồng, sẵn sàng cho việc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine chống Covid-19. Vingroup đang đẩy nhanh vấn đề hợp tác với các đối tác nước ngoài về tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng Covid-19…

Nhân đây, tôi cũng nói luôn kinh nghiệm của Mỹ cho thấy chính sách vaccine cũng phải tính đến vai trò của các đại gia. Hãy phá thế độc quyền vaccine để cho các “sếu đầu đàn” đóng góp tự giải cứu mình, chưa kể bằng quan hệ làm ăn, họ còn có thể làm tốt hơn thế nữa.

Nếu bây giờ là CEO của một tập đoàn kinh tế lớn, ông sẽ kiến nghị, đề xuất với Chính phủ những vấn đề gì?

- Một câu hỏi khó. Trước tình hình dịch, mỗi quốc gia đều có những cách hỗ trợ DN khác nhau, tùy vào đặc điểm riêng của đất nước mình. Mới đây, chính quyền Tổng thống Biden đã đề xuất ba gói hỗ trợ lớn, trong đó một gói trị giá 1.900 tỷ USD đã được Quốc hội thông qua, còn hai gói lớn khác đang xem xét.

Tôi đã nghiên cứu khá kỹ “Kế hoạch giải cứu nước Mỹ (American Rescue Plan - ARP)” bao gồm năm khoản mục chính, trong đó gần 800 tỷ USD trợ cấp trực tiếp tới các hộ gia đình, với 1.400 USD bổ sung cho khoản trợ cấp 600 USD trước đó và khoản 400 USD trợ cấp thất nghiệp bổ sung; 415 tỷ USD cho việc kiểm soát dịch bệnh, sản xuất và tiêm vaccine. Gói này cũng bao gồm 150 tỷ USD hỗ trợ cho các DN nhỏ; 176 tỷ USD hỗ trợ giáo dục để mở lại các cơ sở trường học cộng đồng và 360 tỷ USD tài trợ chính quyền các tiểu bang. Rất nhiều chính sách của Mỹ khiến chúng ta phải suy nghĩ!

Trở lại câu hỏi của anh, bất luận là DN lớn hay DN nhỏ và vừa đều gặp khó khăn trong cả bốn lĩnh vực: Tiếp cận khách hàng, dòng tiền, lao động, và chuỗi cung ứng. Tất nhiên tỷ lệ chịu sự tác động đối với các loại hình DN, quy mô DN khác nhau sẽ khác nhau nên phải cân nhắc kỹ khi thiết kế chính sách.

Các gói cứu trợ phải tính đến “tốc độ giải ngân”, phải được thiết kế với nhiều kịch bản khác nhau, để khi dịch có xu hướng giảm là có thể tiến hành ngay. Kinh nghiệm Mỹ và nhiều quốc gia khác họ đã giả định tình huống trước tại các bang, thành phố và xây dựng những kịch bản chi tiết cụ thể tùy theo cấp độ tình hình dịch.

Khi thiết kế kịch bản cần phải ưu tiên các DN lâu nay đóng đủ thuế, đủ BHXH. Hỗ trợ các DN phát sinh thêm chi phí phòng ngừa dịch Covid-19 để sớm khôi phục sản xuất. Ghi nhận, hỗ trợ các DN đóng đủ thuế, đang cố gắng tiếp tục duy trì, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh tránh việc chỉ quan tâm đến các DN phá sản, ngừng kinh doanh... Thậm chí DN phá sản rồi vẫn được đưa vào mục tiêu hỗ trợ mà đáng ra nó phải xuất hiện ở gói an sinh xã hội.

Chúng ta sẽ nói thêm một chút về chủ đề biến “nguy” thành “cơ” (hội)?

- Tôi cho rằng bên cạnh các biện pháp hỗ trợ thì các chính sách về thể chế của Chính phủ cũng rất quan trọng. Đây là thời điểm Chính phủ cần tập trung cải cách các thủ tục hành chính theo hướng giảm thời gian, chi phí cho DN. Nhất là các thủ tục đầu tư, thủ tục xuất nhập khẩu… và các giải pháp tiếp tục hỗ trợ DN tiếp cận thị trường.

Về dòng vốn FDI, trong bối cảnh làn sóng chuyển dịch vào Việt Nam đang diễn ra ngày một nhiều, cần có giải pháp đẩy mạnh kết nối DN trong nước và FDI. Về phát triển thị trường nội địa, cần đẩy mạnh các cuộc vận động "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam", "Hàng Việt chinh phục người Việt" để tiếp sức, hồi sức cho DN trong nước.

Nhân đây, tôi xin nói thêm bản thân các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty Việt Nam phải nhanh chóng triển khai chuyển đổi số, xem đây là một giải pháp căn cơ để giảm giá thành trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Xin cảm ơn ông về buổi nói chuyện rất bổ ích và có chiều sâu về các vấn đề lớn của đất nước!

"Nhóm 500 DN đứng đầu cả nước mà gần đây báo chí các anh đang gọi bằng các tên mỹ miều “sếu đầu đàn” nếu nhận thêm được chính sách hỗ trợ hiệu quả của Chính phủ sẽ dẫn dắt ván cờ phục hồi kinh tế. Chắc chắn điều này sẽ tác động lớn đến những DN vệ tinh, bởi lâu nay các DN vừa và nhỏ của Việt Nam thường đóng vai trò sản xuất phụ trợ cho các công ty, tập đoàn lớn. Đầu tàu chuyển động ắt các toa xe sẽ có cơ hội lăn bánh theo ngay, đó là quy luật thị trường." - Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Lương