Trong khiên cưỡng, ngoài bất đắc dĩ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc đương kim Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được bầu lại làm Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền là điều không nằm ngoài các dự đoán.

Nhiệm kỳ Chủ tịch đảng LDP kéo dài 3 năm và Chủ tịch đảng cầm quyền đảm nhận cương vị Thủ tướng Chính phủ. Vậy là ông Abe có thể yên ổn tại vị cho tới cuối tháng 9/2018. Vị Thủ tướng này chính thức nhậm chức hồi tháng 12/2012 và chỉ tính đến thời điểm hiện tại đã thuộc diện rất ít Thủ tướng cầm quyền lâu ở Nhật Bản. Nếu tiếp tục cầm quyền cả sau thời điểm cuối tháng 9/2018 thì ông Abe sẽ lập kỷ lục về thời gian cầm quyền ở Nhật Bản.
Trong khiên cưỡng, ngoài bất đắc dĩ - Ảnh 1
Sự tái đắc cử và cảm giác về vị thế quyền lực vững vàng của ông Abe che đậy một thực tế cả trong đảng LDP lẫn trong dân chúng ở Nhật Bản không phải tất cả mọi chuyện đều thuận lợi đối với ông Abe. Trong dân chúng ở xứ này, ông Abe bị suy giảm uy tín cá nhân chứ không phải ngược lại. Đa số người Nhật Bản hiện không hài lòng với chủ ý sửa đổi hiến pháp hiện hành của ông Abe để gây dựng vai trò chính trị, quân sự và an ninh to lớn hơn ở khu vực và trên thế giới cho Nhật Bản thông qua mở rộng phạm vi hoạt động cho quân đội nước này. Việc thực hiện đường lối phát triển kinh tế và cải cách xã hội theo chủ thuyết Abenomics cũng chưa làm xoay chuyển được tình hình ở Nhật Bản.

Đảng LDP không phải không nhận ra được tâm trạng đó của dân chúng. Nhưng trong nội bộ đảng cầm quyền hiện không có ai có đủ khả năng tranh giành quyền lãnh đạo đảng và cương vị Thủ tướng Chính phủ với ông Abe. Sự ủng hộ trong nội bộ đảng LDP dành cho ông Abe vì thế mang tính khiên cưỡng, bắt buộc hơn là thực sự tâm phục, khẩu phục. Cử tri Nhật Bản tuy hậm hực nhưng vẫn phải chấp nhận ông Abe cầm quyền vì thật ra hiện không có sự lựa chọn nhân sự nào khác khả dĩ hơn. Thắng lợi của ông Abe bởi vậy trong chừng mực nhất định còn là bi kịch của cả đảng LDP lẫn người dân Nhật Bản.