Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trụ cột đầu tư công

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những tháng cuối năm tổng cầu trong nước được đẩy mạnh hơn để bù đắp cho sự suy giảm xuất khẩu. Đầu tư công sẽ giúp tăng tổng cầu, đồng thời tạo hiệu ứng lan tỏa tới nhiều ngành, nghề và DN.

Theo Tổng cục Thống kê, GDP tính theo phương pháp chi tiêu có 3 cấu phần gồm: tiêu dùng trong nước, đầu tư trong nước và tiêu dùng của nước ngoài hay xuất khẩu ròng.

Số liệu được công bố cho thấy tăng trưởng trong 9 tháng năm 2023 chủ yếu là nhờ xuất khẩu ròng (giá trị hàng hóa xuất khẩu cao hơn giá trị hàng hóa nhập khẩu trong một thời gian nhất định). Xuất khẩu ròng 9 tháng đạt gần 15 tỷ USD nhưng riêng quý III đã âm. Giải pháp là khai thác tối đa các dư địa thị trường cho việc xuất khẩu hàng hóa dịch vụ là điều cần chú trọng.

Đối với tiêu dùng trong nước, Tổng cục Thống kê đánh giá, đột biến theo chiều tích cực để người dân hồ hởi chi tiêu trong thời gian còn lại của năm 2023 là không cao. Do vậy, giải pháp khả thi là tăng cường các khoản chi thuộc ngân sách Nhà nước, nhất là các khoản chi tiêu về cải cách tiền lương, để tạo thêm tăng trưởng.

Phần còn lại năm 2023, đầu tư có lẽ sẽ được đẩy mạnh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong 9 tháng năm 2023, đầu tư so với GDP chỉ là 31,1%, thấp hơn đáng kể so với mức bình quân khoảng 34% của những năm gần đây. Trong 3 nhóm, chỉ có đầu tư Nhà nước là tăng vượt trội, trong khi khu vực tư nhân trong nước gần như không tăng và đầu tư nước ngoài tăng còn khiêm tốn.

Xuất khẩu hàng hóa tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Trần Dũng
Xuất khẩu hàng hóa tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Trần Dũng

Giải pháp cho vấn đề này là tăng cường giải ngân đầu tư công, khơi thông dòng vốn tín dụng và giải quyết các thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước đẩy nhanh các kế hoạch đầu tư của họ.

TS Nguyễn Xuân Thành - Đại học Fulbright Việt Nam nhấn mạnh, việc đạt tốc độ tăng trưởng 6 - 6,5% trong năm 2023 vô cùng khó khăn. Với kế hoạch đầu tư công được Quốc hội phê duyệt và Thủ tướng Chính phủ giao năm 2023 là 707.000 tỷ đồng (30,1 tỷ USD), theo ông Thành nếu giải ngân được 95% kế hoạch (tăng 24,6% so với 2022) sẽ cộng thêm vào tốc độ tăng trưởng khoảng 1,2 - 1,3 điểm phần trăm.

“Tỷ lệ này đòi hỏi mức độ chi cho đầu tư rất lớn trong nửa cuối năm 2023. Trên nền tảng đó, tốc độ tăng GDP 5,5% hoặc 5,8%” - ông Thành nhận định. Đồng thời ông Thành kiến nghị, kế hoạch Ngân sách Nhà nước cần hướng mạnh hơn vào đầu tư công trung hạn. Quy mô tuyệt đối của đầu tư công năm 2023 là trên 700 nghìn tỷ đồng (30,1 tỷ USD) và nền kinh tế Việt Nam cần 32 - 35 tỷ USD/năm đầu tư công (7,5 - 8% GDP) trong giai đoạn 2024 - 2026.

“Quan trọng nhất là số vốn đầu tư công điều chỉnh tăng thêm cần được ưu tiên cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng chuyển đổi xanh và phát triển bền vững” - ông Thành nói.

9 tháng đầu năm giải ngân vốn đầu tư công đã đạt 51,3%. Đây là điều chưa năm nào làm được. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, giai đoạn cuối năm luôn là thời điểm các dự án đầu tư công được tăng tốc mạnh mẽ để hoàn thành kế hoạch được giao.

Hiện nay toàn bộ hệ thống phục vụ cho công tác giải ngân và thủ tục hành chính đã sẵn sàng; nếu có hồ sơ giải ngân sẽ chuyển tiền một cách nhanh nhất. Với tiến độ như hiện tại, giải ngân đầu tư công có thể đạt được mục tiêu 95%.