Giá “vàng đen” thế giới đi xuống trong phiên giao dịch cuối tuần, song vẫn duy trì ở ngưỡng hơn 50 USD - mức cao nhất trong 9 tháng thiết lập trong phiên trước đó.
Cụ thể, giá dầu Brent mất 19 xu Mỹ, tương đương 0,4% về còn 50,06 USD/ thùng. Giá mặt hàng dầu này đã nhảy vọt lên hơn 51 USD/thùng khi đóng cửa phiên ngày 10/12 – chạm đỉnh kể từ đầu tháng 3/2020.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ hạ 11 xu Mỹ, tương đương 0,2%, xuống 46,67 USD/thùng, sau khi leo dốc gần 3% ở phiên ngày 10/12.
Giá dầu thế giới ngày 10/12 lần đầu tiên vượt ngưỡng 50 USD/thùng kể từ đầu tháng 3, khi kỳ vọng về hồi phục nhu cầu nhờ vaccine Covid-19 mang lại cho thị trường sự lạc quan, bất chấp dự báo dư thừa nguồn cung do lượng tồn kho dầu của Mỹ tăng cao.
Nhờ đà tăng mạnh ở phiên giữa tuần, thị trường dầu sắp ghi nhận tuần tăng thứ 6 liên tiếp trong bối cảnh tiến triển hứa hẹn của các chương trình tiêm phòng vaccine Covid-19 đã đẩy lùi tâm lý lo ngại về sự gia tăng kỷ lục số ca nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tuần này, Anh đã bắt đầu tiêm phòng trên diện rộng vaccine phòng Covid-19. Một chiến dịch tương tự cũng có thể được khởi động ở Mỹ vào cuối tuần. Trong khi đó, Canada hôm 9/12 đã phê chuẩn một vaccine Covid-19 và sẽ lên kế hoạch tiêm chủng vào tuần tới.
Nhà phân tích Paola Rodriguez-Masiu của Rystad Energy cho biết thị trường nhiên liệu trong tuần này nhận được lực đẩy quan trọng từ thông tin lạc quan liên quan đến vaccine, đặc biệt là việc các nước sớm phê duyệt và tiến hành tiêm phòng vaccine ngừ Covid-19 sớm hơn dự báo.
Nhà môi giới Stephen Brennock của PVM cho biết đà đi lên của giá dầu thô tiếp tục được hỗ trợ nhờ dự đoán về khả năng Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận vaccine của Pfizer.
Trong khi đó, sự phục hồi kinh tế của châu Á đang khiến nhu cầu dầu của các nhà máy lọc dầu Trung Quốc và Ấn Độ tăng cao hơn.
Nhà máy lọc dầu lớn nhất của Ấn Độ cho biết họ đã phục hồi hoạt động 100% công suất của tất cả 9 tổ máy lần đầu tiên kể từ đầu năm nay.
Tuy vậy, sự tăng vọt lượng dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước vẫn như một lời nhắc nhở rằng nguồn cung dầu toàn cầu vẫn còn dồi dào.
Hồi tháng 4 năm nay, giá dầu thế giới đã chạm đáy lịch sử do nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sụt giảm chóng mặt vì Covid-19.
Sau đó, giá dầu đã hồi phục nhờ thỏa thuận cắt giảm sản lượng kỷ lục của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và các nước đồng minh, được gọi là nhóm OPEC+. Theo thỏa thuận này, sản lượng dầu của OPEC+ được cắt giảm 7,7 triệu thùng/ngày.
Từ tháng 1/2021, OPEC+ sẽ nâng sản lượng thêm 500.000 thùng dầu mỗi ngày từ mức hiện nay, nhưng mức tăng này ít hơn nhiều so với dự kiến trước đó của nhóm. Bởi vậy, những nỗ lực hạn chế sản lượng của OPEC+ vẫn đang tiếp tục nâng đỡ giá năng lượng./.