Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trung Đông lại có "địa chấn" mới, Nga can thiệp

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quân đội Nga hôm 29/11 khẳng định, lực lượng không quân nước này đã ném bom vào phiến quân chống chính phủ ở Syria để đẩy lùi "những kẻ cực đoan" trước đó đã phát động một cuộc tấn công lớn vào thành phố Aleppo. 

Lực lượng đối lập Syria đã kiểm soát phần lớn Aleppo - thành phố lớn thứ hai của nước này sau một cuộc tấn công chớp nhoáng khiến hàng chục binh lính chính phủ thiệt mạng. Đây được coi là thách thức lớn đối với Tổng thống Bashar al-Assad.

Đây được coi là thách thức lớn đối với Tổng thống Bashar al-Assad. Ảnh: Foxnews
Đây được coi là thách thức lớn đối với Tổng thống Bashar al-Assad. Ảnh: Foxnews

Nhóm chống chính phủ này bao gồm phe phái Hồi giáo, Hayat Tahrir al-Sham (HTS) - một nhóm bị cấm ở Nga, cũng như các lực lượng đối lập có vũ trang như Quân đội Syria Tự do (FSA) do Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ hậu thuẫn.

Nga can thiệp

Liên minh phiến quân đã phát động cuộc tấn công bất ngờ kể từ sáng 27/11, càn quét phía Đông qua các ngôi làng bên ngoài thành phố và thổi bùng lại một cuộc xung đột vốn âm ỉ trong nhiều năm. Đây là lần đầu tiên các lực lượng đối lập tiếp cận được Aleppo kể từ khi lực lượng chính phủ giành lại quyền kiểm soát trong cuộc nội chiến năm 2016.

Phiến quân cũng tuyên bố chiếm được sân bay của thành phố Aleppo. Duy nhất phần Đông Bắc của thành phố là vẫn nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng chính phủ và các đồng minh dân quân Iran.

Lực lượng phiến quân đã tuyên bố lệnh giới nghiêm 24 giờ bắt đầu từ 5 giờ chiều giờ địa phương vào hôm 30/11, để đảm bảo "sự an toàn của cư dân thành phố và bảo vệ tài sản công và tư khỏi bị phá hoại hoặc gây hại".

Bộ quốc phòng Syria cho biết hàng chục binh sĩ đã thiệt mạng trong cuộc tấn công Aleppo. Theo đó, dù thừa nhận lực lượng phiến quân đã tiến vào thành phố nhưng tuyên bố rằng họ "không thể thiết lập các vị trí vững chắc" và quân tiếp viện đang đến để chuẩn bị cho một cuộc phản công.

Để đáp trả cuộc tiến công của quân nổi dậy, lực lượng không quân Nga đã tiến hành một cuộc tấn công vào lực lượng đối lập vũ trang Syria tại các tỉnh Aleppo và Idlib vào hôm 29/11, theo truyền thông quốc gia Nga. 

Quân đội Nga hôm 29/11 khẳng định, lực lượng không quân nước này đã ném bom vào lực lượng chống chính phủ ở Syria để đẩy lùi "những kẻ cực đoan" đã phát động một cuộc tấn công lớn vào thành phố Aleppo. 

Đây được coi một trong những cuộc giao tranh đẫm máu nhất trong nhiều năm qua tại Syria.

Các hãng thông tấn đưa tin một phát ngôn viên của Trung tâm Hòa giải Syria thuộc Bộ Quốc phòng cho biết "Không quân Nga đang tiến hành các cuộc tấn công bằng bom tên lửa vào thiết bị và nhân lực của các nhóm vũ trang bất hợp pháp, các điểm kiểm soát, nhà kho và vị trí pháo binh của những kẻ khủng bố".

Mục tiêu của phiến quân

Phiến quân là một phần của liên minh mới thành lập có tên là "Bộ chỉ huy tác chiến quân sự", bao gồm nhiều chiến binh đối lập, bao gồm các phe phái Hồi giáo và các nhóm ôn hòa từng được Mỹ hậu thuẫn.

Liên minh này được công bố hôm 27/11 trước cuộc tấn công vào Aleppo và cho biết họ đang đáp trả các cuộc tấn công leo thang từ chính phủ Syria và lực lượng dân quân Iran. Thời điểm hiện tại cũng mang tính quan trọng, với Nga, quốc gia hậu thuẫn chính của Syria, tập trung vào Ukraine và đồng minh lớn khác của nước này là Iran, đang bị Israel tấn công và mạng lưới ủy nhiệm của nước này.

Cuộc tấn công này là cuộc xung đột lớn đầu tiên sau nhiều năm giữa phe đối lập Syria và chế độ của Tổng thống Assad, vốn dẫn dắt đất nước kể từ năm 2000.

Nội chiến ở Syria bắt đầu trong Mùa xuân Ả Rập năm 2011 khi chế độ này đàn áp một cuộc nổi dậy ủng hộ dân chủ chống lại ông Assad. Một cuộc nội chiến toàn diện đã diễn ra khi một lực lượng phiến quân được thành lập, được gọi là Quân đội Syria Tự do, để chống lại quân đội chính phủ.

Kể từ thỏa thuận ngừng bắn năm 2020, cuộc xung đột vẫn chủ yếu được kiềm chế, chỉ có một số cuộc đụng độ cấp thấp giữa phiến quân và chính quyền tổng thống Assad.

Theo Liên Hợp quốc, hơn 300.000 thường dân đã thiệt mạng trong hơn một thập kỷ xung đột và hàng triệu người đã phải di tản trên khắp đất nước.