Là nước chủ tịch nhóm các nền kinh tế lớn (G20) từ tháng 12/2023, Brazil đã đề ra phương châm "Xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh bền vững".
Điều này phù hợp với cam kết của nước này với Trung Quốc trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và đóng góp vào các nỗ lực toàn cầu hướng tới chuyển đổi carbon thấp.
"Cơ hội xanh" cho các cộng đồng địa phương
Tại tiểu bang Rio Grande do Norte phía đông bắc Brazil, trang trại gió Gameleiras, vận hành từ 2021, đang cung cấp năng lượng tái tạo cần thiết cho Joao Camara - một thành phố phải chịu tình trạng khô hạn.
Đáng chú ý, đây là dự án điện gió đầu tiên tại Brazil do công ty con của Tổng công ty Lưới điện Nhà nước Trung Quốc xây dựng. Trang trại này mỗi năm tạo sản lượng điện lên tới 360 triệu kwh, giúp giảm 358.900 tấn khí thải CO2 và tạo ra hơn 2.000 việc làm tại địa phương.
Một sự hợp tác quan trọng khác là dự án điện gió 180 mw tại thành phố Tanque Novo phía đông bắc Brazil, do CGN Brazil Energy, một công ty con của Tổng công ty Điện hạt nhân Trung Quốc, phát triển. Dự án được đưa vào hoạt động từ năm 2023, gồm 40 turbine được sản xuất tại Trung Quốc, với tổng công suất sau khi lắp lắp đặt là 180 mw. Điều này mang lại 720 triệu kwh lượng điện hàng năm cho 430.000 hộ gia đình, đồng thời giảm 650.000 tấn khí thải CO2 mỗi năm.
Andre Martini, giám đốc phát triển tại CGN Brazil Energy, đã nêu bật những lợi ích của quan hệ đối tác này, khi các dự án điện không chỉ tận dụng được nguồn tài nguyên gió ở Brazil, mà còn tạo thêm công ăn việc làm và doanh thu thuế. Sự hợp tác trên cũng góp phần đưa các công nghệ tiên tiến và các sản phẩm cạnh tranh của Trung Quốc vào thị trường Brazil, thúc đẩy lợi ích chung giữa hai nước.
Luis Antonio Paulino, giáo sư tại Đại học bang Sao Paulo, cho biết với báo CGTN rằng sự hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo giúp Brazil tạo ra một mạng lưới cung cấp điện cân bằng hơn, có ý nghĩa toàn cầu đối với phát triển bền vững.
Bảo vệ môi trường từ ngoài không gian
Ngoài năng lượng, Trung Quốc và Brazil cũng duy trì quan hệ đối tác chặt chẽ trong lĩnh vực không gian suốt 36 năm qua, bắt đầu với chương trình Vệ tinh Tài nguyên Trái đất Trung Quốc-Brazil (CBERS) từ năm 1988.
Theo ông Clezio Marcos de Nardin - giám đốc Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia (INPE) của Brazil, 6 vệ tinh đã được phát triển từ chương trình trên, trong đó 2 vệ tinh CBERS-4 và CBERS-4A đóng vai trò chính trong quản lý nước, quy hoạch đô thị và giám sát thảm họa. Trong trận mưa lớn và lũ lụt nghiêm trọng ở bang Rio Grande Do Sul hồi tháng 4, các vệ tinh này đã cung cấp dữ liệu quan trọng giúp Chính phủ Brazil đánh giá thiệt hại và hướng dẫn các nỗ lực phục hồi.
Sự hợp tác này cũng hỗ trợ việc giám sát nạn phá rừng Amazon, một mối quan tâm chính về môi trường đối với cả Brazil và cộng đồng toàn cầu. "Quan hệ đối tác với Trung Quốc giúp chính phủ Brazil đưa ra quyết định sáng suốt và do đó, sự hợp tác giữa hai quốc gia trong lĩnh vực vệ tinh đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ hành tinh mà tất cả chúng ta cùng chia sẻ", ông Nardin nói.
Tháng 4/2023, hai nước đã thúc đẩy hợp tác không gian với hai văn bản được ký kết: một giao thức bổ sung về hợp tác phát triển vệ tinh CBERS-6 và kế hoạch hợp tác không gian giai đoạn 2023–2032 giữa Cơ quan Quản lý Không gian Quốc gia Trung Quốc và Cơ quan Không gian Brazil. Các thỏa thuận này được thiết kế để đẩy nhanh quá trình phát triển vệ tinh CBERS-6 và các nghiên cứu từ vệ tinh CBERS-5, đồng thời mở rộng hợp tác trong lĩnh vực thám hiểm Mặt Trăng và không gian sâu.
Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Brazil Luciana Santos tin rằng radar khẩu độ tổng hợp mới của vệ tinh CBERS-6 sẽ tăng cường khả năng giám sát, cung cấp cảnh báo và dữ liệu chính xác hơn trong mọi điều kiện thời tiết. Theo bà, vệ tinh này sẽ theo dõi cháy rừng, tài nguyên nước, thiên tai, mở rộng đô thị và sử dụng đất, tập trung vào việc bảo vệ các hệ sinh thái của Brazil, đặc biệt là rừng Amazon.
"Hợp tác khoa học và công nghệ Trung Quốc-Brazil không chỉ mang lại lợi ích cho sự phát triển của cả hai nước mà còn mang lại lợi ích toàn cầu", Bộ trưởng Santos khẳng định.
Hướng tới nền nông nghiệp bền vững
Trung Quốc và Brazil cũng đang tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững. Một trong những ví dụ là việc thúc đẩy hình thức trồng đậu nành không qua phá rừng và chuyển đổi đất (DCF).
COFCO - công ty kinh doanh thực phẩm hàng đầu Trung Quốc, đã đi đầu trong nỗ lực này. Từ năm 2019, COFCO đã tiến hành giám sát đất đai tại một số trang trại ở Brazil, lập bản đồ rủi ro và thiết lập "hệ thống truy xuất nguồn gốc đậu nành" dựa trên thông tin từ các nhà cung cấp. Công ty cũng trực tiếp đào tạo nông dân địa phương để đảm bảo quy trình sản xuất đậu nành không dẫn đến nạn phá rừng.
Jack Hurd, Giám đốc điều hành của Liên minh Rừng nhiệt đới thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nhận định thị trường Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong thương mại nông nghiệp toàn cầu và có thể thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi xanh của chuỗi giá trị nông nghiệp trên thế giới.
Ông Hurd cũng lưu ý rằng, tiêu dùng bền vững đi liền với phát triển chất lượng của ngành thực phẩm và nông nghiệp là xu hướng tất yếu. Vị giám đốc bày tỏ hy vọng sẽ có thêm nhiều công ty tham gia vào các sáng kiến tương tự.