Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trung Quốc cấm nhập thực phẩm từ nhiều nơi của Nhật Bản

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hải quan Trung Quốc hôm nay (7/7) thông báo sẽ cấm nhập khẩu thực phẩm từ 10 tỉnh tại Nhật Bản vì lý do an toàn, sau quyết định xả nước thải nhiễm xạ ra biển của Tokyo.

Cá và cua trên thuyền tại cảng cá Tsurishihama ở Shinchimachi, cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi đã ngừng hoạt động khoảng 55km, thuộc tỉnh Fukushima, Nhật Bản, ngày 1/3/2023. Ảnh: REUTERS
Cá và cua trên thuyền tại cảng cá Tsurishihama ở Shinchimachi, cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi đã ngừng hoạt động khoảng 55km, thuộc tỉnh Fukushima, Nhật Bản, ngày 1/3/2023. Ảnh: REUTERS

Hải quan Trung Quốc tuyên bố sẽ liên tục tăng cường phát hiện và giám sát chất phóng xạ để đảm bảo an toàn thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản thông qua việc cấm thực phẩm từ 10 tỉnh của nước này.

Trung Quốc - khách hàng thủy sản lớn nhất của Nhật Bản - cho biết họ cũng sẽ xem xét nghiêm ngặt quy trình thủ tục đối với thực phẩm, đặc biệt là các sản phẩm thủy hải sản, đến từ các vùng khác của Nhật Bản.

"Động thái này nhằm ngăn chặn việc xuất khẩu thực phẩm nhiễm phóng xạ của Nhật Bản sang Trung Quốc và bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng Trung Quốc trước các thực phẩm nhập khẩu" - Hải quan Trung Quốc cho biết.

Trong nhiều tuần qua, Trung Quốc đã công khai lên tiếng phản đối mạnh mẽ động thái của Tokyo cho phép xả nước nhiễm xạ đã qua xử lý từ nhà máy hạt nhân Fukushima ra biển.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) - cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp quốc - tuần này đã bật đèn xanh cho Nhật Bản bắt đầu xả hơn 1 triệu tấn nước được sử dụng để làm mát các thanh nhiên liệu của nhà máy, vốn đã bị hư hại nặng bởi thảm họa sóng thần và động đất hồi năm 2011.

Hải quan Trung Quốc cho rằng báo cáo của IAEA không phản ánh đầy đủ quan điểm của tất cả các chuyên gia tham gia vào quá trình đánh giá và kết luận không được các chuyên gia nhất trí thông qua.

Trả lời phỏng vấn với Reuters ngày 7/7, Giám đốc IAEA Rafael Grossi thừa nhận đã có sự bất đồng trong số các chuyên gia quốc tế đứng sau báo cáo đánh giá nước thải Fukushima của cơ quan này, nhưng khẳng định kết quả là "hoàn hảo về mặt khoa học".

"Chúng tôi không tán thành kế hoạch hay khuyến nghị thực hiện điều này (xả thải). Chúng tôi chỉ nói rằng kế hoạch này phù hợp với các tiêu chuẩn" - ông Grossi nói - "Chúng tôi không đứng về bất cứ phía nào".

Hàn Quốc, trước đây cũng đã bày tỏ lo ngại về việc xả nước thải của Nhật Bản, hôm nay ra tuyên bố cho biết họ "tôn trọng đánh giá của IAEA".

Trước khi được thải ra đại dương, Nhật Bản cho biết nước nhiễm xạ sẽ được lọc để loại bỏ hầu hết các nguyên tố phóng xạ ngoại trừ tritium - một đồng vị của hydro rất khó tách khỏi nước. "Nước được xử lý sau đó sẽ được pha loãng xuống dưới mức được quốc tế chấp nhận" - Nhật Bản cho biết.

Ngoài các chỉ trích quốc tế, kế hoạch xả thải của Chính phủ Nhật Bản cũng vấp phải sự phản đối cả ở trong nước, đặc biệt là cộng đồng ngư dân lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng tới triển vọng xuất khẩu của thủy sản Nhật Bản.