Sau vài thế kỷ bị lấn át bởi các đế chế phương Tây, để theo đuổi "giấc mộng Trung Hoa", chính phủ Trung Quốc đã và đang nỗ lực củng cố sức mạnh chính trị, kinh tế, quân sự bằng hàng loạt tuyên bố, hành động cứng rắn. Kể từ khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền “đường chín đoạn” của Bắc Kinh, Trung Quốc vẫn liên tục gia tăng sự hiện diện trong vùng tranh chấp. Quan chức quân đội Mỹ cho biết, số tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc xuất hiện gần khu vực đã tăng lên đáng kể trong tháng trước.
Cùng lúc, hình ảnh từ vệ tinh cho thấy, Bắc Kinh dường như đang xây dựng một garage máy bay chiến đấu tại một số tiền đồn nước này xây dựng trái phép ở Biển Đông. Cũng theo thông tin từ Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu quốc tế (CSIS), các đảo có khả năng sẽ sớm trở thành “bãi đỗ” cho khoảng 24 chiến đấu cơ, bao gồm cả máy bay ném bom và tàu chở dầu. Một phát ngôn viên của CSIS cho biết, các garage máy bay lớn hơn so với mục đích dân sự và có khả năng củng cố cho một cuộc tấn công. Điều quan trọng mà các nhà bình luận lưu ý là, Bắc Kinh không bao giờ coi các hành động này là sai trái. "Luật lệ là do Trung Quốc áp đặt", nhà bình luận Frank Ching viết trên tờ South China Morning Post, phản ánh rõ sự thống trị ngang ngược của nước này ở Biển Đông. Trong thời gian chuẩn bị chủ trì hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu, Bắc Kinh đã “xích mích” với gần như hầu hết các quốc gia trên thế giới. Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao phương Tây tại Bắc Kinh cho biết, Trung Quốc dường như đang "tức giận" với hầu hết mọi quốc gia như tranh chấp tại Biển Đông, biển Hoa Đông với các quốc gia trong khu vực, kéo theo căng thẳng với Mỹ, Nhật; bất đồng với phương Tây liên quan đến triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại Hàn Quốc. Bên cạnh đó, cường quốc số 2 thế giới cũng đang có căng thẳng âm ỉ với Australia về quyết định từ chối bán mạng lưới điện Ausgrid trị giá 7,7 tỷ USD cho 2 công ty Trung Quốc. Vì vậy, một nhà ngoại giao giấu tên nhận định, trong bối cảnh lãnh đạo các quốc gia muốn đưa vấn đề tranh chấp lãnh hải lên bàn nghị sự tại hội nghị G20, Trung Quốc sẽ kiềm chế hơn trong hoạt động xây dựng phi pháp ở Biển Đông. Bởi nói như Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay, Trung Quốc sẽ là “kẻ thua cuộc” nếu không tuân theo phán quyết của PCA. Sau một thời gian "khuấy đảo" sóng ngầm trong quan hệ với các quốc gia trong khu vực, Trung Quốc đã có nhiều tuyên bố, hành động nhằm xoa dịu những bất đồng này. Tuy nhiên, về trung và dài hạn, Trung Quốc sẽ tăng cường các động thái khiêu khích nhằm thực hiện những yêu sách vô lý về chủ quyền. Trên Thái Bình Dương sóng sau sẽ lớn hơn sóng trước khi Bắc Kinh có thể sẽ quyết liệt đòi lại bãi cạn Scarborough (thuộc chủ quyền Philippines mà Trung Quốc đã đánh chiếm phi pháp hồi năm 2012) và tiến hành những bước đi nhằm hiện thực hóa "giấc mộng Trung Hoa". Nhiệm vụ của lãnh đạo các cường quốc và các nước láng giềng vì thế không chỉ giới hạn bằng các tuyên bố chung tại Hội nghị G20 ở Hàng Châu, Hội nghị cấp cao ASEAN với các đối tác tại Lào... và nhiều hội nghị cấp cao liên quan đến an ninh khác, mà còn phải được thực hiện bằng hành động trên thực tế để kiềm chế những tham vọng vô lý của Trung Quốc.
Hội nghị G20 sẽ diễn ra tại Hàng Châu, Trung Quốc từ 4 - 5/9. |