Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Trung Quốc đẩy mạnh quốc tế hóa đồng nhân dân tệ trong bối cảnh bất ổn thương mại toàn cầu

Kinhtedothi - Trong bối cảnh thương mại toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức, Trung Quốc đang chủ động thúc đẩy việc mở rộng sử dụng đồng nhân dân tệ trên thị trường quốc tế.

Trong bối cảnh các mối quan hệ thương mại quốc tế đang chịu nhiều áp lực từ chính sách thuế quan cao, Trung Quốc đang đẩy mạnh một chiến lược lâu dài: quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Động thái này diễn ra đồng thời với chuyến công du Đông Nam Á trong tháng này của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm củng cố quan hệ khu vực và phản ứng trước những thách thức từ chính sách thương mại của Mỹ.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã tận dụng thời điểm hỗn loạn trên thị trường toàn cầu để mở rộng phạm vi sử dụng đồng nhân dân tệ, với mục tiêu rõ ràng: giảm sự phụ thuộc vào đồng USD và thiết lập một cấu trúc tài chính độc lập hơn. Theo dữ liệu mới nhất, thanh toán xuyên biên giới bằng đồng nhân dân tệ đã đạt mức kỷ lục vào tháng 3, phản ánh nhu cầu toàn cầu gia tăng đối với đồng tiền này.

Trong tháng 4, China UnionPay, một công ty tài chính lớn do PBOC kiểm soát, đã mở rộng hệ thống thanh toán tại nhiều quốc gia Đông Nam Á. Hình thức thanh toán bằng mã QR mà UnionPay đang thúc đẩy không chỉ hỗ trợ du khách Trung Quốc mà còn giúp các doanh nghiệp địa phương tiếp cận thanh toán số dễ dàng hơn. Đây là một phần trong chiến lược xây dựng mạng lưới sử dụng đồng nhân dân tệ cho chi tiêu và đầu tư quốc tế, hiện đã phủ khắp hơn 30 quốc gia.

Một động thái song song đáng chú ý khác là sự gia tăng các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ giữa Trung Quốc và các ngân hàng trung ương trên thế giới, với giá trị đạt 4,3 nghìn tỷ nhân dân tệ tính đến tháng 2. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang thử nghiệm các giao dịch hàng hóa xuyên biên giới bằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, và thúc đẩy định giá các mặt hàng chiến lược như dầu mỏ và vàng bằng đồng tiền nội địa.

Trung Quốc đẩy mạnh quốc tế hóa đồng nhân dân tệ trong bối cảnh bất ổn thương mại toàn cầu. Ảnh: Xinhua

Theo ông E. Yongjian từ Ngân hàng Truyền thông, việc Mỹ sử dụng thuế quan như một công cụ chính sách khiến nhiều quốc gia đặt câu hỏi về tính ổn định và an toàn của các tài sản định danh bằng đồng đô la. Ông cho rằng điều này đang làm suy giảm niềm tin vào đồng bạc xanh, đồng thời khiến tài sản bằng đồng nhân dân tệ trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.

PBOC cũng vừa triển khai một loạt sáng kiến nhằm thúc đẩy thanh toán xuyên biên giới tại Thượng Hải, trọng tâm là khuyến khích các doanh nghiệp ưu tiên sử dụng đồng nhân dân tệ trong các giao dịch quốc tế. Song song với đó, PBOC đang đẩy nhanh việc nâng cấp hệ thống thanh toán xuyên biên giới CIPS, đồng thời thúc đẩy ứng dụng công nghệ blockchain, nền tảng cốt lõi cho đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, nhằm tăng tính minh bạch, hiệu quả và độ tin cậy trong các giao dịch tài chính toàn cầu.

Phó Thống đốc PBOC, ông Lu Lei, nhấn mạnh các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng đầu tư ra nước ngoài đang ngày càng đòi hỏi một hệ thống tài chính linh hoạt và hiệu quả hơn, nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và căng thẳng thương mại leo thang trên toàn cầu.

Trung Quốc từ lâu đã ấp ủ tham vọng nâng tầm đồng nhân dân tệ trở thành một loại tiền tệ toàn cầu, sánh ngang với euro hay USD, phản ánh quy mô và tầm ảnh hưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất vẫn là việc quốc gia này chưa mở tài khoản vốn hoàn toàn, khiến đồng nhân dân tệ chưa thể lưu chuyển tự do trên toàn cầu - một rào cản lớn đối với quá trình quốc tế hóa.

Dẫu vậy, các chuyên gia nhận định tiến trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ vẫn đang ghi nhận những bước tiến rõ rệt trên nhiều mặt trận. Gần đây, Argentina đã gia hạn một phần hạn mức hoán đổi nhân dân tệ trị giá 5 tỷ USD, trong khi Pakistan cũng đang tích cực vận động để mở rộng thỏa thuận tương tự. Theo ông Pan Gongsheng, Thống đốc PBOC, các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương không chỉ hỗ trợ thúc đẩy thương mại và đầu tư mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu.

Bà Alicia Garcia Herrero, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis, cho rằng mặc dù đồng nhân dân tệ đã suy yếu trong vài năm qua, Trung Quốc vẫn sở hữu tiềm năng đáng kể để thúc đẩy việc sử dụng đồng tiền này tại các thị trường mới nổi, nhờ vào mối quan hệ ngày càng sâu sắc với các quốc gia thuộc "Nam bán cầu".

Đọc thêm: Trung Quốc thử nghiệm thành công hệ thống vũ khí vi sóng mới

Tuy nhiên, thực tế là đồng USD vẫn đang chiếm ưu thế áp đảo trên thị trường thanh toán quốc tế. Theo hệ thống SWIFT, đồng tiền này chiếm gần 50% tổng giá trị thanh toán toàn cầu và hơn 80% hoạt động tài trợ thương mại. Dù đồng nhân dân tệ đã vươn lên vị trí thứ tư, thị phần hiện tại chỉ ở mức 4% - một khoảng cách còn khá xa để có thể thay thế vai trò thống trị hiện tại.

Tại một hội thảo gần đây, ông Qu Fengjie, nhà nghiên cứu thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, nhận định nếu Mỹ rơi vào suy thoái và Trung Quốc biết tận dụng cơ hội từ sự dịch chuyển cán cân quyền lực toàn cầu, đồng nhân dân tệ sẽ có cơ hội gia tăng vai trò trong dài hạn. Theo ông, Trung Quốc cần chủ động "phá vỡ trật tự cũ" của hệ thống tiền tệ quốc tế để mở ra không gian mới cho việc khẳng định vị thế tài chính toàn cầu.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ