KTĐT - Tốc độ tăng trưởng nóng cùng bong bóng tài sản là những tín hiệu sớm cảnh báo nguy cơ một cuộc khủng hoảng tài chính có thể xảy ra trong vòng 5 năm tới, theo kết quả thăm dò mới công bố của Bloomberg.
1.000 khách hàng của hãng tin tài chính uy tín hàng đầu thế giới này đã tham gia vào cuộc thăm dò diễn ra 21-24/1. Họ là các nhà đầu tư, kinh doanh hoặc chuyên gia phân tích khắp nơi trên thế giới. 45% người tham gia tin rằng cuộc khủng hoảng tài chính sẽ nổ ra trong vòng 5 năm, từ nay tới 2016. 40% khác phán đoán chuyện này chỉ xảy ra sau 2016. 7% quả quyết rằng Trung Quốc sẽ không lâm vào những rắc rối như vậy.
"Không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc đang diễn ra bong bóng tài sản khó có khả năng chống đỡ, mà nguyên nhân là tình trạng đầu cơ tín dụng", chiến lược gia về tiền tệ Stanislav Panis đến từ hãng môi giới TRIM Broker ở Bratislava, Slovakia nói. Cũng tham gia cuộc thăm dò ý kiến nói trên của Bloomberg, Panis lo ngại cuộc khủng hoảng ở Trung Quốc sẽ không khác gì cú sụp đổ của hệ thống tài chính Mỹ vừa qua.
53% người tham gia cuộc thăm dò ý kiến của Bloomberg tin rằng Trung Quốc đang trong bong bóng tài sản, 42% khác phản đối lập luận này. Phần lớn các ý kiến đồng tình chủ yếu đến từ các nước láng giềng, khoảng 60% các phản hồi ở châu Á tin Trung Quốc đang xảy ra hiện tượng bong bóng.
Hôm 20/1, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết kinh tế nước này năm 2010 tăng trưởng 10,3%, nhanh nhất trong vòng ba năm qua và cao hơn tốc độ 9,2% của năm 2009. Xét về giá trị tuyệt đối, tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc đã vượt Nhật Bản, đạt 39,8 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 6.000 tỷ USD).
Khủng hoảng tài chính với Trung Quốc là điều không ai mong muốn, bởi nó sẽ gây chấn động toàn cầu. Trung Quốc ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng với toàn thế giới. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước này năm ngoái đạt 3.000 tỷ USD, trong đó riêng kim ngạch với Mỹ chiếm 13%. Tính tới cuối 11/2010, Trung Quốc nắm giữ 896 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ.
Jonathan Sadowsky, Giám đốc đầu tư của quỹ Vaca Creek Asset Management ở San Francisco, cho rằng ông đặc biệt lo ngại nguy cơ đổ vỡ trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc.
Trong quý tư 2010, cơ quan chức năng Trung Quốc đã hai lần tăng lãi suất cơ bản nhằm kiềm chế lạm phát bùng lên sau những đợt tăng giá tiêu dùng ngoài tầm kiểm soát. Riêng giá thực phẩm năm 2010 tăng tới 7,2%.
Haroon Shaikh, một giám đốc đầu tư của GAM London chỉ ra rằng lạm phát lương (giá tăng do lương) và sốt giá bất động sản là những mối quan tâm lớn nhất ở thị trường tài chính Trugn Quốc. Trao đổi với báo chí bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới đang diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ), ông Li Daokui, chuyên gia tư vấn cho Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nói đà leo thang giá nhà cửa là mối nguy hại lớn nhất với nền kinh tế.
Sau khi chạm đỉnh 3.159,51 điểm vào 8/11/2010, chỉ số chứng khoán Thượng Hải hiện giảm gần 14%. "Thị trường bắt đầu lo lắng", Michael Pettis, giáo sư tài chính của Đại học Bắc Kinh phát biểu hôm 26/1.
Một vài nhà đầu tư tỏ ra lạc quan hơn số đông. "Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng trên 10% trong 5 năm tới", Ardavan Mobasheri, người đứng dầu bộ phận Kinh tế toàn cầu của AIG tại New York nói.
Cùng quan điểm này, Michael Martin, Phó chủ tịch cấp cao của công ty bảo hiểm MDAvantage ở New Jersey, cho rằng Chính phủ Trung Quốc quản lý nền kinh tế rất tài tình và khả năng này sẽ tiếp tục được chứng minh trong thời gian tới, khi kinh tế tiếp tục tăng trưởng mạnh và trở nên năng động hơn.
Quan chức Trung Quốc cho biết sẽ tìm cách "cai sữa" cho nền kinh tế vốn quá lệ thuộc vào xuất khẩu, thay vào đó sẽ kích thích tiêu dùng nội địa nhiều hơn.
Cuộc thăm dò ý kiến về nguy cơ khủng hoảng tài chính tại Trung Quốc được hãng Selzer & Co có trụ sở tại Des Moines, Iowa tiến hành theo yêu cầu của Bloomberg. Bloomberg cho biết sai số thăm dò có thể vào khoảng 3,1 điểm phần trăm.