Ngày hôm nay (17/6), Trung Quốc đã hạ thủy tàu sân bay thế hệ mới đầu tiên được thiết kế và đóng trong nước.
Các phương tiện truyền thông nhà nước cho biết, tàu sân bay Type 003 mang tên Phúc Kiến đã rời ụ tàu tại một xưởng đóng ở Thượng Hải sáng nay và neo tại một bến tàu gần đó.
Theo hãng tin AP, được trang bị vũ khí và công nghệ phóng máy bay mới nhất, khả năng của tàu Type 003 được cho là sánh ngang với các tàu sân bay phương Tây, trong bối cảnh Bắc Kinh đang nỗ lực cải cách lực lượng hải quân.
Ridzwan Rahmat, một nhà phân tích tại Singapore của cơ quan tình báo quốc phòng Janes cho biết: “Đây là một cột mốc quan trọng đối với tổ hợp công nghiệp-quân sự của Trung Quốc.
“Điều này cho thấy các kỹ sư Trung Quốc hiện có thể sản xuất trong nước đầy đủ các thiết bị tác chiến mặt nước liên quan đến chiến tranh hải quân hiện đại, bao gồm tàu hộ tống, tàu khu trục nhỏ, tàu khu trục, tàu tấn công đổ bộ và bây giờ là tàu sân bay," chuyên gia này khẳng định.
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc là một con tàu Liên Xô được sửa chữa lại và chiếc thứ hai của nó được đóng ở Trung Quốc nhưng dựa trên thiết kế của Liên Xô.
Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã nỗ lực hiện đại hóa trong hơn một thập kỷ qua với mục tiêu trở thành lực lượng có khả năng hoạt động trên toàn cầu thay vì bị hạn chế trong khu vực lục địa Trung Quốc.
Trong một diễn biến liên quan, Mỹ đang tăng cường tập trung vào khu vực, bao gồm cả Biển Đông. Khu vực hàng hải rộng lớn là nơi thông thương của khoảng 5 nghìn tỷ USD hàng hóa thương mại toàn cầu mỗi năm và chứa trữ lượng đánh bắt phong phú.
Trung Quốc ngày càng khẳng định yêu sách đối với hầu như toàn bộ khu vực Biển Đông.
Hải quân Mỹ đã điều tàu chiến đi qua các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở vùng biển và khẳng định sứ mệnh của họ là đảm bảo dòng chảy tự do của thương mại quốc tế.
Trong báo cáo trước Quốc hội năm ngoái về khả năng quân sự của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết chương trình phát triển tàu sân bay rất quan trọng đối với sự phát triển liên tục của hải quân Trung Quốc trong mục tiêu toàn cầu hóa, “dần mở rộng phạm vi hoạt động ra ngoài Đông Á thành một khả năng bền vững để hoạt động ở phạm vi ngày càng dài hơn. ”