95 năm ngày thành lập đảng

Trung Quốc, Hàn Quốc thúc đẩy đầu tư công

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

aKinhtedothi - Đầu tư công là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều nước khác đã triển khai các chính sách đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng, giao thông và công nghệ nhằm tạo nền tảng cho tăng trưởng dài hạn.

Trung Quốc xem đầu tư công là mấu chốt để tăng trưởng kinh tế

Trung Quốc là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng đáng chú ý, chủ yếu nhờ vào chiến lược đầu tư công quy mô lớn. Chính sách này tập trung vào việc mở rộng cơ sở hạ tầng, nâng cao hiệu quả quản lý và khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào sự phát triển kinh tế.

Nhờ cải cách đầu tư công, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã xây dựng được một hệ thống giao thông hiện đại, tăng cường liên kết kinh tế giữa các khu vực và thúc đẩy công nghiệp hóa.

Những năm qua, Trung Quốc ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng như giao thông, năng lượng, khu công nghiệp và nhà ở xã hội. Quốc gia này đã triển khai hàng loạt dự án quy mô lớn, bao gồm mạng lưới đường sắt cao tốc, hệ thống cảng biển và các khu công nghệ cao. Năm 2022, chính quyền địa phương đã phát hành hơn 448,4 tỷ nhân dân tệ (tương đương 70,5 tỷ USD) để tài trợ cho các dự án đầu tư công.

Một trong những công cụ chủ chốt thúc đẩy đầu tư công là phát hành trái phiếu mục đích đặc biệt (SPB). Khi chính phủ Trung Quốc thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt để kiểm soát nợ công, các địa phương đã huy động vốn thông qua SPB.

Năm 2021, Trung Quốc đã phân bổ 3,65 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 573 tỷ USD) SPB để tài trợ cho các dự án quan trọng, trong đó 50% dành cho cơ sở hạ tầng giao thông và khu công nghiệp, 30% cho y tế, giáo dục và nhà ở xã hội, còn lại 20% hỗ trợ nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy lợi.

Công trường xây dựng Đường chính Baogong, một dự án giao thông đô thị quan trọng ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: China Daily
Công trường xây dựng Đường chính Baogong, một dự án giao thông đô thị quan trọng ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: China Daily

Chính phủ Trung Quốc cũng đã xây dựng hệ thống quản lý đầu tư công chặt chẽ, với sự giám sát của nhiều cơ quan kiểm toán và thẩm định. Các dự án phải trải qua nhiều vòng đánh giá nhằm bảo đảm minh bạch. Đồng thời, chính phủ yêu cầu kiểm soát chặt chẽ chi tiêu công nhằm hạn chế lãng phí và thất thoát tài chính.

Trước sự chững lại của nền kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Trung Quốc tiếp tục sử dụng đầu tư công như một công cụ kích thích tăng trưởng. Theo Bloomberg, năm 2023, khoảng 2/3 các khu vực kinh tế Trung Quốc đã công bố kế hoạch đầu tư vào cơ sở hạ tầng với tổng vốn 12,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,8 nghìn tỷ USD), tăng 17% so với năm 2022.

Ông Louis Kujis, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của S&P Global Ratings, nhận định: "Đầu tư công không chỉ củng cố niềm tin của DN và người dân mà còn thúc đẩy phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, Trung Quốc cần bảo đảm triển khai các chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp để tránh nguy cơ gia tăng nợ công".

Theo Cục Thống kê Trung Quốc, trong quý I/2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 3% của chính phủ. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu dùng nội địa chưa mạnh, đòi hỏi chính phủ tiếp tục đầu tư để duy trì đà tăng trưởng kinh tế.

Ngày 5/3/2024, tại kỳ họp "hai phiên" (của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc và Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc), Trung Quốc công bố ngân sách mới với tổng thu ngân sách công 24,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 3,4 nghìn tỷ USD), tăng 4,8% so với năm trước.

Trong khi đó, chi tiêu đạt 28,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 4 nghìn tỷ USD), tăng 1%, dẫn đến thâm hụt ngân sách khoảng 4,1 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 564,9 tỷ USD), giảm 16,8% so với năm 2023. Điều này cho thấy Trung Quốc đang nỗ lực cân bằng giữa thúc đẩy đầu tư công và kiểm soát nợ công.

Hàn Quốc gắn đầu tư công với phát triển kinh tế bền vững

Đầu tư công đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững tại Hàn Quốc. Những nỗ lực nâng cao hiệu quả đầu tư công đã giúp quốc gia này không chỉ vượt qua các cuộc khủng hoảng kinh tế mà còn đạt được những thành tựu đáng kể về kinh tế - xã hội.

Tương tự, nhiều quốc gia châu Á, Hàn Quốc tập trung nguồn vốn đầu tư công vào phát triển cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong giai đoạn 2020 - 2023, chính phủ nước này dành trung bình 8.000 tỷ KRW (khoảng 6,72 tỷ USD) mỗi năm cho cơ sở hạ tầng xã hội. Bên cạnh đó, từ năm 2019 đến 2023, 490,8 tỷ KRW (tương đương khoảng 412 triệu USD) đã được phân bổ để thay thế các đường ống dẫn khí và dầu, tăng gấp bốn lần so với giai đoạn trước.

Cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 đã bộc lộ những hạn chế trong quản lý đầu tư công của Hàn Quốc, như thiếu minh bạch trong nghiên cứu khả thi và giám sát dự án. Để khắc phục, chính phủ đã thành lập Nhóm đặc trách liên bộ nhằm xây dựng kế hoạch nâng cao hiệu quả và tính minh bạch của đầu tư công. Hệ thống quản lý đầu tư công thống nhất được triển khai, bao gồm quy trình đánh giá trước, trong và sau khi thực hiện dự án.

Việc thành lập các bộ phận chuyên trách đánh giá dự án ở nhiều giai đoạn và áp dụng hệ thống đánh giá chéo đã giúp kiểm soát chặt chẽ hiệu quả đầu tư công. Hàn Quốc cũng xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá và quy định quản lý đầu tư công nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch của các dự án.

Năm 2017, Hàn Quốc đã chi 378.561 tỷ KRW (334,9 tỷ USD) cho đầu tư công, với mức tăng trưởng bình quân 7,08%/năm. Từ sau khủng hoảng kinh tế, tỷ lệ đầu tư công chiếm trung bình khoảng 21% GDP; năm 2017 đạt mức cao nhất với 22,04% GDP, trong khi năm 2010 là thấp nhất với 19,85%. Từ năm 2010, Hàn Quốc triển khai kế hoạch 5 năm về tăng trưởng kinh tế xanh nhằm phát triển bền vững và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Nguồn vốn đầu tư công của Hàn Quốc tập trung vào an sinh xã hội (22,2 - 27,8%), kinh tế (16,8 -19%), giáo dục và đào tạo (11,5 - 16,3%), và an ninh quốc phòng (10 - 14%). Đặc biệt, Hàn Quốc chú trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng dịch vụ công, nhất là mạng lưới công nghệ thông tin phục vụ cho chính phủ điện tử. Nhờ đó, quốc gia này đã trở thành nước đứng đầu thế giới về chính phủ điện tử vào năm 2010 và xếp thứ ba vào năm 2016.

Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI), thành lập năm 1971, đóng vai trò quan trọng trong thẩm định các dự án đầu tư công. Năm 2000, Trung tâm Quản lý Đầu tư Công (PIMA) được thành lập trực thuộc KDI, và đến năm 2005 đổi tên thành Trung tâm Quản lý Đầu tư Cơ sở hạ tầng Công và Tư (PIMAC). PIMAC có ba chức năng chính: nghiên cứu, tư vấn/hướng dẫn đánh giá các dự án tiền khả thi và đánh giá lại các dự án đầu tư; hỗ trợ các cơ quan chính phủ trong quản lý dự án; và xúc tiến thị trường đầu tư PPP trong nước. Đây là chìa khóa giúp gia tăng hiệu quả quản lý đầu tư công của Hàn Quốc.

Bộ Chiến lược và Tài chính chịu trách nhiệm thẩm định và quyết định thực hiện hoặc loại bỏ các dự án. Chỉ những dự án được thẩm định kỹ lưỡng và xem xét độc lập mới được lựa chọn để tài trợ trong ngân sách.

Sau khi thẩm định, các báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ được trình lên Quốc hội xem xét và quyết định. Nhờ quy trình công khai, minh bạch và kiểm tra chéo này, Hàn Quốc đã loại bỏ các dự án không khả thi, tiết kiệm được 120.000 tỷ KRW (106,19 tỷ USD­) từ năm 1999 đến 2014.

Những cải cách và biện pháp trên đã giúp Hàn Quốc nâng cao hiệu quả đầu tư công, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước.