Trung Quốc hay Ấn Độ, ai mới là người chiến thắng sau cùng?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ấn Độ nổi lên là đối thủ đáng gờm của Trung Quốc trong cuộc chiến cạnh tranh quyền lực ở Nam bán cầu.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Narendra Modi đang tranh giành quyền lãnh đạo Nam bán cầu. Nguồn: Nikkei Asia
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Narendra Modi đang tranh giành quyền lãnh đạo Nam bán cầu. Nguồn: Nikkei Asia

Khi nói về tầm ảnh hưởng ở Nam bán cầu, Trung Quốc dường như đang có những ưu thế nhất định. Vào đầu tháng 3/2023, Bắc Kinh đã làm trung gian hòa giải thành công cho Ả Rập và Iran. Không chỉ vậy, quốc gia tỷ dân này cũng đang cố gắng thúc đẩy một lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine.

Từ đầu, Bắc Kinh đã có ý định sử dụng các quốc gia ở khu vực này làm bàn đạp cho việc mở rộng tầm ảnh hưởng của mình. Trung Quốc đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp với G-77, một liên minh gồm 135 quốc gia đang phát triển, để kêu gọi tình đoàn kết. Hơn nữa, quốc gia này không ngại chi các gói hỗ trợ tài chính khổng lồ cho phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Á và châu Phi thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Tuy nhiên, nền kinh tế số 2 thế giới này hiện đang phải đối mặt với những khó khăn khi chính dự án này đã khiến Sri Lanka và một số quốc gia châu Phi phải vật lộn với những khoản nợ khổng lồ. Đồng thời, các dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở những nước đối tác của BRI cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Trong khi đó Ấn Độ đang vươn lên như là một đối thủ xứng tầm của Trung Quốc ở Nam bán cầu. Việc đang giữ chức chủ tịch luân phiên của G-20 trong năm nay đã mang lại cho quốc gia này những lợi thế không nhỏ.

Trong hội nghị “Đối thoại Raisina” được tổ chức tại New Delhi vào tháng Ba, quan chức Ấn Độ đã nhiều lần khẳng định tư cách chủ tịch G-20 của mình bằng việc sẽ giúp thu hút sự chú ý của phương Tây vào các nước đang phát triển, tạo tiền đề  cho họ giải quyết các vấn đề nội tại. Trước đó, vào tháng 1, chính phủ Ấn Độ đã tổ chức Hội nghị “Tiếng nói phương Nam” với sự tham gia của hơn 120 quốc gia, tuy nhiên lại không có Trung Quốc.

Trước Hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở Ấn Độ, quốc gia này sẽ tổ chức các cuộc thảo luận về nợ quá mức, lương thực, năng lượng và nhiều vấn đề cấp bách khác. Đồng thời các cuộc gặp riêng những nhà lãnh đạo Mỹ, châu Âu và Nhật Bản cho thấy Ấn Độ sẽ là đại diện cho các nước đang phát triển.

Từ những động thái trên, Ấn Độ đang sẵn sàng cạnh tranh với Trung Quốc để trở thành quốc gia đứng đầu ở Nam bán cầu, theo Nikkei Asia.

Mặc dù cho đến nay, Ấn Độ luôn ở “chiếu dưới” so với Trung Quốc trên mặt trận ngoại giao. Các chuyên gia cho rằng Ấn Độ đang bị bao vây về mặt địa chính trị khi Trung Quốc đang không ngừng đổ tiền vào cơ sở hạ tầng ở các nước láng giềng của Ấn Độ như Sri Lanka, Pakistan và Bangladesh.

Tuy nhiên, trong khi Trung Quốc đang khó khăn do Sáng kiến Vành đai và Con đường, Ấn Độ đã sẵn sàng trỗi dậy.

Shivshankar Menon, cựu cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ, cho biết: “Trung Quốc đang khiến cho các nước đang phát triển mắc kẹt trong các khoản nợ cũng như việc phương Tây đang tập trung cho cuộc chiến ở Ukraine sẽ là cơ hội lớn cho chúng tôi”.

Ai sẽ giành thắng lợi sau cùng?

Xét về sức mạnh kinh tế, rõ ràng Trung Quốc đang chiếm ưu thế. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2022 của Ấn Độ chỉ bằng khoảng 1/6 của Trung Quốc. Mặc dù dân số Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc, tuy nhiên điều này vẫn không thể khỏa lấp được khoảng cách lớn về quyền lực.

Tuy nhiên, Ấn Độ chiếm thế thượng phong vì hai lý do:

Thứ nhất, không phải Trung Quốc, Ấn Độ mới có thể liên kết chặt chẽ với phương Tây vì lợi ích của Nam bán cầu. Cùng với Nhật Bản, Mỹ và Australia, Ấn Độ đã tạo nên “Bộ tứ Quad” hùng mạnh. Không chỉ vậy, quốc gia này cũng có mối quan hệ tốt với châu Âu. Ngược lại, Trung Quốc đang mắc kẹt trong một cuộc “Chiến tranh Lạnh” với Mỹ, khiến việc hòa giải giữa phương Tây và các nước đang phát triển trở nên khó khăn.

Thứ hai, rắc rối đang nảy sinh giữa Trung Quốc và Nam bán cầu. Ngoài vấn đề nợ nần với một số nước đang phát triển, Trung Quốc còn bất hòa với một số quốc gia Đông Nam Á về vấn đề chủ quyền ở Biển Đông.

Không những vậy, theo một nguồn tin, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây đã không còn thúc ép Ấn Độ thực hiện các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Điều này là do Washington cho rằng Ấn Độ có thể đóng vai trò là cầu nối tốt hơn giữa Mỹ và Nam bán cầu nếu New Delhi giữ thái độ trung lập.

Bên cạnh đó, việc Nhật Bản giữ chức chủ tịch luân phiên của G-7 trong năm nay sẽ giúp cho Ấn Độ và quốc gia này tăng cường quan hệ đối tác cũng như hợp tác với các nước đang phát triển.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần