Trung Quốc không thể “độc diễn” tại Biển Đông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong lúc Trung Quốc lớn tiếng yêu cầu Mỹ không nên giải quyết bất đồng về vấn đề Biển...

Kinhtedothi - Trong lúc Trung Quốc lớn tiếng yêu cầu Mỹ không nên giải quyết bất đồng về vấn đề Biển Đông bằng phương thức “ngoại giao kiểu micro”, Washington và các đồng minh tiếp tục phát đi cảnh báo về hành động đơn phương sẽ làm tăng căng thẳng và gây ra nguy cơ xung đột trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Điều đáng nói, theo các chuyên gia của Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu quốc tế Mỹ, việc Bắc Kinh xây dựng các căn cứ quân sự quy mô lớn ở giữa Biển Đông đã được chuẩn bị từ hơn 30 năm trước.
Trung Quốc đơn phương cải tạo hiện trạng tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trung Quốc đơn phương cải tạo hiện trạng tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Khi thiết kế tàu ngầm tên lửa hạt nhân thế hệ thứ hai, Bắc Kinh quyết định rằng họ phải kiểm soát Biển Đông và biến đảo Hải Nam trở thành một căn cứ bảo đảm hoạt động cho các tàu ngầm mới. Động thái này một lần nữa cho thấy, sự coi thường của Trung Quốc trước những quan ngại của cộng đồng quốc tế về bảo đảm môi trường sinh thái, môi trường chính trị, ngoại giao và an ninh khu vực.
Ngày 11/6, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin ngày 6/6, tàu thăm dò dầu khí Tân Hải 517 của Trung Quốc trên đường đến Thái Lan đã đi qua lãnh hải của Việt Nam, cũng như đi qua nhiều lô dầu khí của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: “Các lực lượng chức năng của Việt Nam đã luôn theo dõi sát các hoạt động của tàu Tân Hải 517, và sau khi các lực lượng chức năng của Việt Nam tiến hành các biện pháp cần thiết thì tàu Tân Hải 517 đã ra khỏi vùng biển của Việt Nam từ ngày 8/6/2015”.

Nhờ vị trí địa lý trong vùng khí hậu nhiệt đới và vùng nước ấm nên Biển Đông được đánh giá là một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất thế giới. Tuy nhiên, những hành động mà Trung Quốc gọi là khai thác du lịch và sản xuất thủy sản một cách hợp lý, hợp pháp của mình đã vấp phải sự phản đối của Philippines vì làm hư hại hơn 300 mẫu san hô, gây thiệt hại khoảng 100 triệu USD/năm cho các nước láng giềng. Theo các nhà khoa học, khoảng 70% các rặng san hô ở Biển Đông đã chịu tác động tiêu cực từ các hành vi đánh bắt trái phép, ô nhiễm môi trường từ các tàu cá Trung Quốc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái và sinh kế của hàng chục triệu người dân trong vùng. Nguồn lợi hải sản đã bị suy giảm nghiêm trọng trong thời gian qua do khai thác quá mức bởi những tàu cá do ngư dân kiêm dân quân Trung Quốc, khiến một số loài có nguy cơ tuyệt chủng. Đó cũng là lý do mà Chính phủ Indonesia viện dẫn cho hành động khá quyết liệt là đánh chìm tàu cá Trung Quốc có hành vi đánh bắt trái phép trong khu vực lãnh hải của nước này.

Gia tăng căng thẳng Mỹ - Trung

Bất đồng quan điểm trong vấn đề Biển Đông giữa Trung Quốc và Mỹ đã kéo dài trong nhiều tuần qua, kéo theo sự tham gia của các đồng minh thân cận của Washington như Anh, Nhật Bản, Canada, Australia… Cần phải nói thêm rằng, dù đang tích cực triển khai chiến lược xoay trục tại châu Á như một dấu ấn ngoại giao trong nửa nhiệm kỳ cuối của Tổng thống Barack Obama, chính quyền Mỹ cũng thừa thông minh để hiểu rằng khiêu khích Bắc Kinh là điều không nên làm. Chính quyền Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo bất đồng về Biển Đông – vấn đề vốn không liên quan đến Mỹ sẽ “phủ bóng đen” lên mối quan hệ Mỹ - Trung và những lợi ích chung giữa hai nước, trong đó có kim ngạch thương mại hai chiều đạt 550 tỷ USD trong năm 2014.

Tuy nhiên, các hành động vi phạm trắng trợn lãnh hải Biển Đông của các quốc gia Đông Nam Á đe dọa an ninh hàng hải, hàng không tại khu vực mà Mỹ có nhiều lợi ích khiến giới chức quân sự ở Lầu Năm Góc và các chính trị gia đã kêu gọi Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ có bước đi phù hợp để bảo vệ lợi ích quốc gia. Thực ra, bất đồng giữa Bắc Kinh – Washington không chỉ có vấn đề Biển Đông mà còn là những cáo buộc từ giới chức Mỹ về hoạt động tấn công mạng xuất phát từ Trung Quốc, cũng như các cuộc đấu khẩu xung quanh những bất đồng trong lĩnh vực tài chính và kinh tế… Tuy nhiên, việc Bắc Kinh tuyên bố lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, vốn được coi là “ranh giới đỏ” trong quan hệ song phương càng khiến Mỹ không thể khoanh tay đứng nhìn Trung Quốc “độc diễn” tại sân chơi khu vực. Việc Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Mark Lippert hôm 11/6 một lần nữa yêu cầu chính quyền Seoul nêu rõ lập trường phản đối Trung Quốc áp đặt đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông, tổn hại đến sự ổn định trong khu vực cho thấy Washington không dễ dàng “bỏ qua” cho Bắc Kinh.

Điều này đã được ông Daniel Russel - trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á - Thái Bình Dương đưa ra hôm 3/6. Ông Russel cho rằng, với vai trò quan trọng trên trường quốc tế và không phải là quốc gia tranh chấp, nên Seoul cần phải lên tiếng phản đối hành động đơn phương leo thang căng thẳng của Bắc Kinh tại Biển Đông. Việc Seoul lên tiếng không phải là vì quyền lợi bản thân mà là để “ủng hộ các nguyên tắc phổ quát và nền pháp trị” quốc tế. Trong một tuyên bố mới nhất hôm 9/6, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, Seoul hy vọng các nước có liên quan sẽ thực hiện “đầy đủ và thật sự” bản Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) để duy trì hòa bình và ổn định cho Biển Đông.

G7 và Australia lên tiếng

Tương tự như Washington, bất chấp yêu cầu Australia “khôn ngoan tránh xa tranh chấp ở Biển Đông” từ Bắc Kinh, Canberra đã nhiều lần bày tỏ quan điểm bất cứ hành động đơn phương nào tại khu vực này cũng làm tăng căng thẳng và gây ra nguy cơ xung đột. Bà Julie Bishop - Ngoại trưởng Australia hôm 11/6 một lần nữa phát đi cảnh báo Bắc Kinh không được tuyên bố lập ADIZ trên Biển Đông. Còn nhớ năm 2013, bà Bishop khi đó đã phải hứng chịu cơn giận dữ của Trung Quốc khi phản đối Trung Quốc công bố ADIZ trên biển Hoa Đông. Nhắc lại diễn biến này, bà Bishop khẳng định Australia đã đúng đắn khi bày tỏ các quan ngại về ADIZ và sẽ tiếp tục làm vậy bất kể nguy cơ bị ảnh hưởng về mặt kinh tế khi làm găng với Trung Quốc. Ngoại trưởng Australia cũng kêu gọi tất cả các quốc gia có lợi ích từ tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông hãy bày tỏ rõ quan điểm với Bắc Kinh.

Đầu tuần qua, các quan chức Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã ra Tuyên bố chung, trong đó phản đối hành động cải tạo đảo mà Trung Quốc tiến hành tại Biển Đông thời gian qua. Tại cuộc họp báo thường niên của Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 11/6, Người phát ngôn Lê Hải Bình khẳng định, động thái này cho thấy “tình hình hiện nay tại Biển Đông đã gây lo ngại sâu sắc trong cộng đồng quốc tế và rõ ràng là không có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như ở Biển Đông. Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ mọi đóng góp mang tính xây dựng, tích cực và có trách nhiệm của các quốc gia trong và ngoài khu vực, vì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về tình hình Biển Đông, Bill Hayton - tác giả cuốn sách "Biển Đông: Cuộc đấu tranh quyền lực ở châu Á" cho rằng, các hành động của Bắc Kinh thời gian qua là sự cảnh báo với phần còn lại của khu vực. Đặc biệt, về những lo ngại Trung Quốc sẽ dùng sức mạnh kinh tế nhằm làm sao nhãng sự chú ý về tranh chấp trên Biển Đông, ông Bill Hayton cho rằng, các quốc gia trong khu vực đã nhanh chóng nhận ra các sáng kiến như “Con đường tơ lụa trên biển”, thành lập Quỹ hợp tác hàng hải không nằm ngoài chiến thuật 3 hướng của Bắc Kinh là: Hợp thức hóa “đường lưỡi bò” trên các diễn đàn quốc tế; triển khai các hoạt động thăm dò để áp đặt quyền sở hữu; thử thách quan điểm của cộng đồng quốc tế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần