Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trung Quốc: Nền kinh tế phát triển hay đang phát triển?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có một vị thế kinh tế độc nhất trong lịch sử.

Hạ viện Mỹ gần đây đồng thuận coi Trung Quốc không còn là quốc gia đang phát triển. Động thái trên nhằm xóa bỏ những đối xử ưu đãi mà Bắc Kinh vốn được hưởng với tư cách là nước đang phát triển theo công nhận của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Điều này xuất phát từ việc nền kinh tế thứ hai thế giới đang ngày càng khẳng định tầm ảnh hưởng khắp các châu lục: Phi, Mỹ Latinh và thậm chí cả châu Âu.

Trung Quốc vẫn đang rất chật vật với tỷ lệ người nghèo đáng kể trong dân số nước này. Nguồn Foreign Policy
Trung Quốc vẫn đang rất chật vật với tỷ lệ người nghèo đáng kể trong dân số nước này. Nguồn Foreign Policy

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn còn nhiều đặc điểm của một quốc gia đang phát triển, đặc biệt trong ngành năng lượng. Khác xa vẻ hào nhoáng bên ngoài, Trung Quốc ẩn giấu rất nhiều điều phức tạp.  

Từ một quốc gia có thu nhập thấp vào những năm 1990, Trung Quốc đã chuyển mình thành một siêu cường với tiềm lực kinh tế lớn thứ hai thế giới. Bằng chứng là việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng như các nhà lãnh đạo châu Âu khác đã đến thăm Bắc Kinh vào đầu năm nay, nhằm tăng cường hợp tác kinh doanh cũng như thuyết phục quốc gia này làm trung gian hòa giải xung đột Nga-Ukraine. Không những vậy, quốc gia tỷ dân đang ngày càng khẳng định tầm ảnh hưởng trên toàn cầu, với số lượng bài đăng ở nước ngoài lớn nhất (vượt qua Mỹ) và liên tục thực hiện các động thái quân sự mỗi khi có xung đột nổ ra (thứ ba sau Mỹ và Nga).

Nhìn vào những ảnh hưởng trên, Trung Quốc không khác gì một siêu cường bậc nhất trên thế giới. Nhưng quốc gia này vẫn bộc lộ những hạn chế nhất định, tương tự các quốc gia đang phát triển, như ô nhiễm khắp nơi, hiện hơn 200 triệu người dân vẫn dùng những nguồn năng lượng phát thải cao, ô nhiễm. Không những vậy, chỉ số Phát triển Con người của Trung Quốc đứng thứ 79 trên 191 quốc gia (xếp hạng dưới cả Sri Lanka và Iran). Trong khi đó, nước này vẫn phụ thuộc vào than đá – một nhiên liệu gây ô nhiễm ít được sử dụng ở châu Âu và Mỹ.

Theo Ngân hàng Thế giới, dù Trung Quốc sắp chuyển từ nước có thu nhập trung bình thành thu nhập cao nhưng điều này vẫn không thể làm lu mờ các đặc điểm của một quốc gia đang phát triển ở nước này. Ví dụ, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã ước tính rằng phải đến năm 2030, Trung Quốc mới có thể đảm bảo khả năng tiếp cận nấu ăn bằng năng lượng sạch cho tất cả người dân. Hơn nữa, tính theo USD, Trung Quốc vẫn còn cách xa mức thu nhập tiêu chuẩn của các nền kinh tế phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Đáng chú hơn cả, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc hiện bằng một nửa so với Bồ Đào Nha và tương đương với thu nhập trung bình của thế giới.

Do vậy, chúng ta cần nhìn nhận Trung Quốc như là một trường hợp đặc biệt khi kết hợp các đặc điểm của nước phát triển và đang phát triển. Đó là “siêu cường lai” duy nhất của thế giới.

Năng lượng là một minh chứng cụ thể cho nhận định này. Tương tự với mức thu nhập, Trung Quốc vẫn đang ở giai đoạn phát triển khi mà nước này dựa vào việc sử dụng năng lượng ngày càng nhiều để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo IEA, Trung Quốc sẽ cần nhập thêm gần 20% năng lượng vào năm 2040. Điều này trái ngược với các nền kinh tế tiên tiến như Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu khi lượng tiêu thụ năng lượng của họ được dự báo sẽ giảm. Dù sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú như than đá, dầu mỏ và năng lượng tái tạo, Trung Quốc vẫn phải nhập phần lớn năng lượng, ảnh hưởng đến cách tiếp cận của nước này đối với Trung Đông và các nhà xuất khẩu năng lượng khác, trong đó có cả Nga. Những nỗ lực ngoại giao gần đây của Bắc Kinh như làm trung gian nối lại quan hệ giữa Arab Saudi và Iran được cho là liên quan đến nguồn cung dầu mỏ từ khu vực này.

Trái lại với hình ảnh những tòa nhà chọc trời ở Thượng Hải và nhiều tiến bộ khác, tình trạng nghèo đói vẫn đè nặng hàng triệu hộ gia đình Trung Quốc, nhất là khu vực nông thôn.  

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn gặp một số rào cản như bẫy thu nhập trung bình cũng như muôn vàn khó khăn khác cần phải vượt qua để khẳng định mình trên trường quốc tế.