70 năm giải phóng Thủ đô

Trung Quốc quyết liệt cải cách các tập đoàn quốc doanh

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, Chính phủ Trung Quốc hiện đang đẩy mạnh tốc độ cải cách các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), hướng tới việc tạo ra những tập đoàn lớn có vị thế trên sân chơi toàn cầu.

Chương trình cải cách các DNNN đã được Chính phủ Trung Quốc đưa ra từ cuối năm 2013 với cam kết sẽ “nâng cao hiệu quả hoạt động” và đảm bảo “trách nhiệm xã hội” của các DNNN. Từ năm 2015, Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ tiến hành cổ phần hóa hoặc thậm chí đóng cửa những DNNN hoạt động kém hiệu quả.
Theo Tạp chí chứng khoán Trung Quốc, kể từ đầu năm đến nay, nước này đã hoàn thành 48 hợp đồng cho phép thành phần tư nhân tham gia đầu tư vào các DNNN như một phần trong chương trình cải cách “sở hữu hỗn hợp”. Dữ liệu từ Sàn Chứng khoán Bắc Kinh cho biết, các thỏa thuận trên có trị giá khoảng 1,62 tỷ USD, tăng gấp 9 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
 Một nhà máy sản xuất của tập đoàn than Shenhua (Trung Quốc).
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, xu hướng sáp nhập đã trở thành chính sách chủ chốt trong nỗ lực cải cách hệ thống DNNN của Trung Quốc. Theo Financial Times, nước này đang chuẩn bị đón nhận một "làn sóng" các vụ sáp nhập lớn giữa các tập đoàn quốc doanh đang hoạt động trong các ngành năng lượng, máy móc công nghiệp và sắt thép. Trong đó, đáng chú ý tập đoàn than Shenhua đang đàm phán về khả năng sáp nhập với tập đoàn Guodian, nếu được thông qua, sẽ tạo ra tập đoàn mới với tổng tài sản lên tới 262 tỷ USD. Trước đó, đại diện Tổng công ty Hạt nhân quốc gia và Công ty Xây dựng - Cơ khí hạt nhân cho biết sẽ sáp nhập để hình thành tập đoàn quốc doanh mới trị giá 80 tỷ USD.
Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc đã đồng ý sáp nhập tập đoàn Công nghiệp Cơ khí quốc gia với tập đoàn Sản xuất máy móc công nghệ cao để tạo thành công ty mới có tài sản 52 tỷ USD. Theo Li Jin, chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu doanh nghiệp Trung Quốc, các vụ sáp nhập này có thể tạo thành những tập đoàn "siêu cường", góp phần hiện thực hóa các dự án liên quan đến sáng kiến “Một vành đai - Một con đường” của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Các quan chức cao cấp của Chính phủ Trung Quốc cho biết, nước này sẽ tập trung thực hiện tiến trình cổ phần hóa trong ngành công nghiệp quốc phòng, viễn thông, hàng không dân dụng, đường sắt, gas tự nhiên, dầu mỏ và điện trong năm nay. Theo Wendy Leutert, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại ĐH Cornell với luận án về chủ đề cải cách DNNN, với "làn sóng" sáp nhập sắp tới, Trung Quốc đang hướng đến 2 mục tiêu: cắt giảm năng suất dư thừa và gia tăng sức mạnh định giá ở trong nước, đồng thời gia tăng thị phần ở các thị trường nước ngoài và xóa bỏ chiến tranh về giá.
Hiện Trung Quốc chỉ còn 101 tập đoàn quốc doanh, giảm đáng kể so với con số 189 tập đoàn vào năm 2003. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh việc sáp nhập để giải quyết triệt để những vấn đề còn tồn tại ở các DNNN, Chính phủ Trung Quốc nên tăng tính cạnh tranh bằng cách giảm bớt rào cản để tư nhân có thể đầu tư vào những ngành như năng lượng, viễn thông hay sản xuất máy móc công nghiệp. Đồng thời, nước này cũng cần chấm dứt tình trạng các DNNN hoạt động kém hiệu quả nhưng vẫn có thể dễ dàng tiếp cận vốn vay ngân hàng