Trung Quốc thua trong cuộc chiến quyền lực mềm

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù Tòa trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague (Hà Lan) không có thẩm quyền buộc các bên thực thi phán quyết nhưng với cách hành xử ngang ngược, thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế, Trung Quốc đã tự thua trong cuộc chiến quyền lực mềm.

Trong mối quan hệ quốc tế, việc tạo dựng quyền lực mềm thông qua việc xây dựng hình ảnh một quốc gia trỗi dậy hòa bình là vô cùng quan trọng. Là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và lực lượng quân sự hùng hậu nhưng Bắc Kinh là minh chứng tiêu biểu cho sự thất bại của một cường quốc không có quyền lực mềm.

Kể từ khi Chính phủ Philippines đệ đơn kiện đối với yêu sách “Đường Chín Đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông lên tòa PCA, giới chức Bắc Kinh liên tục bác bỏ và tuyên bố không chấp hành phán quyết. Kết quả là, hình ảnh của Trung Quốc hiện lên trong mắt bạn bè quốc tế như một cường quốc “xấu xí”, ngang ngược, đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp, không tôn trọng luật pháp quốc tế...
Làn sóng phản đối Trung Quốc mạnh mẽ ở Philippines.
Làn sóng phản đối Trung Quốc mạnh mẽ ở Philippines.
Hôm 2/8, báo cáo quốc phòng thường niên của Nhật Bản đã bày tỏ thái độ quan ngại sâu sắc về những hành động của Trung Quốc mà nước này đánh giá là “bắt nạt” các quốc gia khác. Nhận định này thể hiện ở hành động bất chấp lời kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế của các quốc gia khác như Mỹ, Nhật và các nước trong khu vực, giới chức Trung Quốc vẫn ngang ngược yêu cầu Tokyo không nên can thiệp vào vấn đề Biển Đông. Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản cũng lưu ý Trung Quốc với kho vũ khí ngày càng tăng với các loại tên lửa và tốc độ xây dựng trái phép các tiền đồn quân sự ở khu vực Biển Đông có thể ảnh hưởng đến tuyến đường hàng hải trọng yếu của khu vực, nơi lưu thông lượng hàng hóa có giá trị lên đến 5 tỷ USD mỗi năm.

Không chỉ Nhật Bản, các nước trong khu vực Đông Nam Á là những quốc gia cảm nhận rõ rệt nhất mối đe dọa từ người láng giềng khổng lồ “xấu tính”. Hôm 2/8, Thủ tướng Malaysia Najib và Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã có cuộc gặp và chia sẻ quan điểm về vấn đề Biển Đông. Theo đó, Tổng thống Indonesia nhấn mạnh, ông không muốn Biển Đông trở thành “lãnh địa” của siêu cường. Theo Ngoại trưởng Indonesia, quan điểm này của Jakarta đã nhận được sự nhất trí của Thủ tướng Najib. Khác với Malaysia, Indonesia không có tranh chấp ở Biển Đông, tuy nhiên Jakarta công khai chỉ trích đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc qua “Đường Chín Đoạn” phi lý. Đây cũng được coi là phát biểu chính thức bày tỏ quan điểm của 2 nhà lãnh đạo trước phán quyết của tòa PCA.

Mặc dù về mặt kỹ thuật, tòa Trọng tài không có thẩm quyền buộc các bên thực thi phán quyết nhưng hậu quả mà Trung Quốc phải đối mặt dường như không còn xa. Trong bản báo cáo quốc phòng được chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe phê duyệt, Nhật Bản cảnh báo, Trung Quốc có thể gặp phải "những hậu quả ngoài ý muốn" cho hành vi coi thường quy tắc quốc tế. Bên cạnh đó, để đối phó với Trung Quốc, Nhật Bản đang nỗ lực cung cấp thiết bị và đào tạo quốc phòng cho các nước Đông Nam Á. Sự thống nhất trong quan điểm về vấn đề Biển Đông giữa các quốc gia trong khu vực cũng là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh không sớm thì muộn sẽ phải đối mặt với sự “quay lưng” của cộng đồng quốc tế.