70 năm giải phóng Thủ đô

Trung Quốc tiếp tục nới lỏng lãi suất kích cầu tiêu dùng

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm 15/5, Trung Quốc tiếp tục hạ lãi suất cho vay thế chấp đối với một số trường hợp mua nhà.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) và Ủy ban điều tiết ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) cho biết, đối với giao dịch mua nhà đầu tiên, các ngân hàng thương mại có thể giảm giới hạn lãi suất cho các khoản vay mua nhà là 20 điểm dựa trên kỳ hạn tương ứng của lãi suất cho vay cơ bản.

Trung Quốc tiếp tục hạ lãi suất cho vay thế chấp. Ảnh: Reuters
Trung Quốc tiếp tục hạ lãi suất cho vay thế chấp. Ảnh: Reuters

PBOC cho hay việc cắt giảm nhằm mục đích hỗ trợ nhu cầu, thúc đẩy sự phát triển ổn định và lành mạnh của thị trường bất động sản.

Trong tháng 4, PBOC đã giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm ở mức 3,7% 1 năm. Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm ổn định ở mức 4,6%, thường được dùng làm tham chiếu cho vay thế chấp.

Các ngân hàng ở nhiều thành phố tại Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất thế chấp trong quý đầu tiên sau khi cơ quan chức năng kêu gọi hỗ trợ tâm lý người tiêu dùng. Nguyên nhân là thị trường năm ngoái bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm thanh khoản khiến nhiều nhà phát triển gặp khó khăn, đồng thời do dịch Covid-19 bùng phát toàn quốc ở thời điểm hiện tại.

"Các chính sách bao gồm hạ lãi suất cho các khoản trả trước, giảm lãi suất thế chấp, nới lỏng các hạn chế đối với việc mua bán nhà cũ sẽ góp phần thúc đẩy giao dịch thị trường sôi động hơn từ bây giờ đến cuối tháng 5", ông Yan Yuejin - Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển E-house Trung Quốc có trụ sở tại Thượng Hải - cho biết.

Chính sách cho vay mới nhất được đưa ra sau khi PBOC công bố dữ liệu hôm 13/5. Cụ thể, các khoản vay ngân hàng của tháng 4 giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 4 năm qua, phần lớn bị ảnh hưởng bởi các quy định giãn cách xã hội ở nhiều thành phố trên toàn quốc khiến người dân không thể trực tiếp ký hợp đồng.

Ông Iris Pang, chuyên gia kinh tế cấp cao của Greater China tại ING, cho biết: “Trong thời gian giãn cách, các ngân hàng có xu hướng tránh rủi ro hơn. Đối với những trường hợp yêu cầu giữ các khoản cho vay quá hạn, họ đều không sẵn sàng tạo thêm các khoản vay mới vì điều đó đồng nghĩa với việc ngân hàng phải chịu nhiều rủi ro hơn. Thực trạng này sẽ liên tục lặp đi lặp lại nếu các thành phố tiếp tục phong toả."