Trung Quốc tuyên bố "chiến đấu đến cùng" trước tối hậu thư thuế quan của Mỹ
Kinhtedothi - Trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang chưa từng thấy, Trung Quốc đã phát đi thông điệp cứng rắn, tuyên bố sẽ "chiến đấu đến cùng" để bảo vệ lợi ích quốc gia trước lời đe dọa áp thuế mới từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Chỉ một ngày sau tối hậu thư của Tổng thống Trump về việc tăng thuế bổ sung 50% lên hàng hóa Trung Quốc, Bộ Thương mại Trung Quốc đã lên tiếng mạnh mẽ, gọi các động thái của Mỹ là "tống tiền" và khẳng định Bắc Kinh sẽ không khuất phục trước áp lực.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 8/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm nhấn mạnh: "Người dân Trung Quốc không gây rắc rối, nhưng cũng không sợ rắc rối. Quyền phát triển hợp pháp của chúng tôi không thể bị tước đoạt".
Ông Lâm Kiếm cáo buộc Mỹ "phạm sai lầm chồng chất sai lầm", và cho rằng các mức thuế của Tổng thống Trump không chỉ là "biểu hiện điển hình của chủ nghĩa đơn phương, bảo hộ kinh tế và hành vi bắt nạt kinh tế", mà còn đe dọa trật tự thương mại toàn cầu và vấp phải sự phản đối rộng rãi từ cộng đồng quốc tế.
"Nếu Mỹ tiếp tục gây chiến tranh thương mại và chiến tranh thuế quan, Trung Quốc sẽ chiến đấu đến cùng", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, đồng thời ám chỉ khả năng triển khai thêm các biện pháp đối phó.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm. Ảnh: EPA
Cuộc đối đầu thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bước vào giai đoạn cao trào khi ông Trump đe dọa nâng tổng mức thuế áp lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên tới 104% , nếu Bắc Kinh không rút lại các khoản thuế trả đũa 34% áp lên hàng Mỹ trước ngày 9/4. Động thái này là đòn đáp trả trực tiếp sau khi Trung Quốc phản ứng trước mức thuế 20% và 34% mà tồng thống Mỹ công bố gần đây nhằm trừng phạt các hành vi thương mại mà ông gọi là "lạm dụng lâu dài".
Các nhà phân tích nhận định, Trung Quốc xem cuộc đối đầu này là không thể tránh khỏi, đặc biệt khi Tổng thống Trump mở rộng thuế quan sang cả các nước có quan hệ thương mại chặt chẽ với Bắc Kinh ở khu vực Đông Nam Á.
"Từ góc nhìn của Bắc Kinh, nhượng bộ trước yêu cầu của ông Trump không mang lại lợi ích gì, bởi nó không giải quyết được thách thức cơ bản từ Mỹ – một Washington quyết tâm kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc", Ryan Hass, Giám đốc Trung tâm Trung Quốc John L. Thornton tại Viện Brookings, cho biết.
Cũng theo giới chuyên gia, Trung Quốc không thiếu lựa chọn để đáp trả, từ đình chỉ hợp tác chống buôn bán fentanyl, áp hạn ngạch cao hơn với nông sản Mỹ, cho đến nhắm vào các công ty dịch vụ Mỹ tại Trung Quốc như tài chính và luật. Tổng kim ngạch thương mại hàng hóa giữa hai nước năm 2024 ước tính đạt 582 tỷ USD, với thâm hụt nghiêng hẳn về phía Mỹ (440 tỷ USD nhập từ Trung Quốc so với 144 tỷ USD xuất sang).
Điều này khiến giới chức quốc gia tỷ dân tự tin rằng họ có lợi thế trong cuộc chiến dài hơi, như Wang Wen, Hiệu trưởng Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương (Trung Quốc), khẳng định: "Nếu là ai chịu đau giỏi hơn, Trung Quốc sẽ không thua. Mỹ cần chúng tôi nhiều hơn chúng tôi cần họ".
Dù vậy, các nhà kinh tế cảnh báo nếu thuế quan bổ sung 50% của Tổng thống Trump được áp dụng, nền kinh tế Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại nặng nề, dù đã mở rộng thị trường sang các khu vực ngoài Mỹ và đầu tư mạnh vào tự chủ các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo. Citibank đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 của Trung Quốc xuống còn 4,2% từ 4,7%, phản ánh những rủi ro ngày càng gia tăng.
Nhiều quốc gia nỗ lực đàm phàn với Mỹ sau khi thuế quan được công bố
Kinhtedothi - Hơn 50 quốc gia đã liên hệ với Nhà Trắng để đàm phán thương mại kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế quan toàn diện mới.

Thị trường toàn cầu tiếp tục hỗn loạn vì "liều thuốc" thuế quan của ông Trump
Kinhtedothi - Thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục chao đảo trong cơn sóng gió kinh tế chưa từng thấy trong ngày 7/4, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ rõ kiên định với các biện pháp thuế đối ứng toàn diện mà ông gọi là "liều thuốc" để sửa chữa cán cân thương mại.