Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trung Quốc và Triều Tiên buôn bán gì ở biên giới?

Lan Hương (Theo CNN)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Mỹ muốn Trung Quốc sử dụng vai trò là đối tác thương mại chính để buộc Triều Tiên kiềm chế chương trình hạt nhân.

Vậy, quan hệ thương mại giữa 2 nước tại biên giới gồm những hoạt động gì và mang lại khoản lợi nào cho Triều Tiên?
Thành phố Hunchun (Trung Quốc) nằm không xa ngã 3 biên giới Triều Tiên, Trung Quốc, Nga. Khu vực này có nền văn hóa đa dạng với ngành công nghiệp chính: hải sản.
 Nơi biên giới 3 nước Trung Quốc, Nga, Triều Tiên giao nhau.
Cua, trai và các sản phẩm đánh bắt khác từ Triều Tiên đã được giao dịch tại thành phố này từ lâu, chủ yếu cho thương nhân Trung Quốc. Sau đó, vào ngày 15/8, Bắc Kinh cho biết, nước này đã thực hiện lệnh cấm nhập khẩu hải sản từ Triều Tiên theo quyết định của Liên Hợp quốc.
Bình Nhưỡng thu được khoảng 300 triệu USD một năm từ xuất khẩu hải sản, với khách hàng từ Trung Quốc là chủ yếu. Chính quyền Tổng thống Trump cho biết, các hoạt động thương mại này là nguồn tài chính cho chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Lệnh cấm vận của LHQ đã khiến những nơi như Hunchun lao đao. Các cơ sở chế biến hải sản lớn đóng cửa, việc làm ăn bị ảnh hưởng, một số thương nhân đã tổ chức các cuộc biểu tình nhỏ, các cư dân địa phương cho biết. Tuy nhiên, hải sản Triều Tiên vẫn được bày bán khá nhiều ở đây, có thể do đây là nguồn thu nhập chính.
Cua được giới thiệu là đưa về từ Triều Tiên tại nhà hàng ở Hunchun, Trung Quốc. 
Cua từ Triều Tiên được bày khắp các cửa hàng ở chợ Hunchun vào cuối tháng 9. Một người chủ cửa hàng cho biết, những con cua này được đưa đến từ Triều Tiên từ đêm qua, được bán với giá 180 Nhân dân tệ /kg, đắt hơn một chút so với trước đây.
Một chủ cửa hàng khác giải thích, những con cua được cho vào trong một túi nhựa và thả trôi theo sông Tumen, chạy dọc theo biên giới 2 nước. “Cả 2 bên đều phối hợp với nhau. Chúng tôi không lo lắng gì về việc làm thế nào để lấy được chúng”, một chủ cửa hàng nói.
Từ chợ Hunchun đi xe khoảng 10 phút là đến một nhà hàng hải sản quảng cáo có bán cua tươi vừa đánh bắt. Một nữ phục vụ thân thiện dẫn phóng viên CNN đến phía sau và giới thiệu cua từ Triều Tiên.
Hiện chưa rõ bao nhiêu hải sản Triều Tiên vẫn đang được xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là sau khi lệnh trừng phạt của LHQ khiến các hoạt động thương mại chuyển sang thị trường chợ đen nhiều hơn.
Món cua tuyết được phục vụ tại nhà hàng Trung Quốc. 
“Triều Tiên đã xuất khẩu chui rất nhiều hải sản ngay cả trước lệnh trừng phạt”, GS Justin Hastings, trường Đại học Sydney cho biết.
Ngành công nghiệp hải sản đã cho thấy việc áp dụng thiếu hiệu quả các biện pháp trừng phạt của LHQ lên nền kinh tế của Bình Nhưỡng.
Bình Nhưỡng đã kiếm được hàng trăm triệu USD từ việc xuất khẩu các mặt hàng bị cấm trong namw nay.
Một nhóm làm việc của LHQ ước tính, tháng trước, quốc gia này đã xuất khẩu ít nhất 270 triệu USD hàng hóa có trong danh sách bị cấm như đồng và bạc.
Ngoài ra, cũng theo CNN, từ Đan Đông (Trung Quốc) - một trung tâm thương mại lớn xa hơn về phía Nam biên giới - các xe tải vận chuyển hàng hoá như thực phẩm, nhiên liệu, thiết bị xây dựng, thậm chí là các tấm pin mặt trời từ Trung Quốc đến Triều Tiên.
Bắc Kinh vốn chỉ coi các lệnh trừng phạt như những động thái tạm thời để cảnh cáo Triều Tiên thay vì thực thi nghiêm ngặt vô thời hạn, GS Justin Hastings nhận định.
Tháng trước, Washington đã nỗ lực để Bắc Kinh và Moscow cắt đứt nguồn cung cấp dầu cho Bình Nhưỡng nhưng cuối cùng, lệnh trừng phạt chính thức chỉ đưa ra yêu cầu cắt giảm.
Trung Quốc cho rằng, việc cắt giảm nguồn dầu sẽ đẩy người dân Triều Tiên lâm vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Bất kỳ bất ổn chính trị ở biên giới nào cũng sẽ có ảnh hưởng đến nền kinh tế thứ 2 thế giới.