Chảy dịch, mủ trong khoang miệng sau tiêm filler
Thời gian gần đây, Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận nhiều trường hợp biến chứng sau tiêm filler, đặc biệt là dịp gần Tết Nguyên đán.
Trong đó, có một bệnh nhân nữ, 36 tuổi, được tiêm filler vùng cằm cách ngày đến khám khoảng 2 tuần tại 1 spa ở TP Hồ Chí Minh và bệnh nhân không biết mình được tiêm sản phẩm filler gì.
Sau tiêm 1 ngày, bệnh nhân xuất hiện khối sưng, nóng, đỏ, đau vùng cằm, kèm các dấu hiệu nhiễm trùng như sốt. Bệnh nhân tự sử dụng thuốc kháng sinh nhưng tổn thương không hết. Sau đó, khi bắt đầu có dấu hiệu chảy dịch, mủ trong khoang miệng thì bệnh nhân đã đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương.
Bệnh nhân khám ở khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương được chẩn đoán áp xe cằm sau tiêm filler. Bệnh nhân được chỉ định chích rạch lấy khối filler nhiễm trùng ở vùng cằm, điều trị thuốc toàn thân kết hợp với chăm sóc tại chỗ, các triệu chứng sưng nóng đỏ đau vùng cằm giảm dần.
Tuy nhiên bệnh nhân vẫn có nguy cơ tái phát do không thể lấy bỏ toàn bộ filler ra khỏi vùng tổn thương và vùng cằm để lại sẹo.
Bác sĩ Vũ Nguyên Bình, Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, tiêm filler là thủ thuật phải được tiến hành bởi bác sĩ được đào tạo chuẩn.
Tuy nhiên với tâm lý ngại đến bệnh viện, ngại phải chờ đợi, thích giá rẻ, nhiều người lựa chọn điều trị tại các cơ sở thẩm mỹ “chui”, bởi những người không có tay nghề, những “bác sĩ tay ngang”. Nhiều cơ sở thẩm mỹ sử dụng sản phẩm filler không rõ nguồn gốc, kém chất lượng hoặc đã bị cấm sử dụng.
Điều này có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như tắc mạch, hoại tử tổ chức, có thể gây mù vĩnh viễn nếu khối filler làm tắc động mạch mắt. Ngoài ra, nếu sử dụng filler kém chất lượng hoặc bị cấm sử dụng sẽ hình thành nên các dị vật trong da, u hạt, khối sưng viêm, gây nên tình trạng nhiễm trùng tái phát nhiều đợt, khó có thể điều trị dứt điểm.
“Vì vậy, những người có nhu cầu làm đẹp nên thực hiện thủ thuật tiêm filler tại các cơ sở y tế uy tín, các bệnh viện được cấp phép hoạt động. Cần hỏi kỹ các thông tin về loại filler sắp sử dụng, người sẽ thực hiện thủ thuật tiêm filler, để tránh các biến chứng không mong muốn có thể xảy ra” - bác sĩ Vũ Nguyên Bình khuyến cáo.
Tránh các biến chứng không mong muốn
Trước đó, cũng tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, vào thời điểm cuối năm giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, lượng người dân đến bệnh viện để làm đẹp thường tăng khoảng 20% – 30% so với các tháng trước đó.
Đây cũng là khoảng thời gian, các ca biến chứng do thẩm mỹ sai cách có xu hướng tăng mạnh hơn, trong đó có những trường hợp biến chứng sau tiêm meso, filler, botox.
Đơn cử như nữ bệnh nhân N.T.H., 22 tuổi ở Hà Nội đến Bệnh viện Da liễu Trung ương trong tình trạng tím toàn bộ phần cánh mũi, rãnh mũi và môi trên bên trái kèm theo mụn mủ, sưng nề do tiêm filler làm đầy rãnh mũi môi (rãnh cười).
May mắn, bệnh nhân chỉ tắc động mạch bên mũi và môi trên, đến viện kịp thời tiêm thuốc giải nên chỉ một ngày sau, các mụn đã xẹp đi, hồi phục da. Các bác sĩ cho biết, nếu bệnh nhân không điều trị kịp thời, sẽ bị hoại tử toàn bộ da ở môi, mũi, thậm chí dễ gặp phải biến chứng mất thị lực hoàn toàn do bị tiêm sai kỹ thuật.
Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Quang Minh - Phó trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay, một số biến chứng có thể điều trị trong 3 - 4 tuần, nhưng có những biến chứng 3 - 6 tháng sau mới ổn định, như với các trường hợp bị u hạt thì ít nhất 6 tháng mới hoàn thành được kỳ điều trị.
Đặc điểm chung những bệnh nhân gặp biến chứng, đa số là do tiêm ở spa không có bác sĩ có chuyên môn, kiến thức về thành phần và phương pháp làm đẹp.
Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Đình Minh - Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ và Hàm mặt, Bệnh viện E cho biết, tiêm filler – tiêm chất làm đầy da là một trong những thủ thuật được thực hiện phổ biến nhất trong da liễu thẩm mỹ.
Hiện nay, chất làm đầy không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường rất nhiều, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Các bác sĩ đã cảnh báo nhiều về nguy cơ tiêm sillcon lỏng vào ngực, tuy nhiên, điều này vẫn còn hiện hữu.
Cho dù, phương pháp làm đẹp đơn giản đến mấy như tiêm chất làm đầy vào mũi, xung quanh vùng mắt gây nguy cơ tắc mạch, có thể gây mù, (thực tế đã xảy ra) hoặc hoại tử đến vùng lân cận, vùng đầu mũi, sống mũi, hoại tử môi (tiêm môi) khi không phải là bác sĩ.
Để tránh tiền mất tật mang, chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần lưu ý mỗi người sẽ có tình trạng sức khỏe, đặc điểm làn da khác nhau.
Một phương pháp làm đẹp có thể hiệu quả với người này nhưng chưa chắc hiệu quả với người kia. Do đó, trước khi thực hiện bất cứ phương pháp kỹ thuật làm đẹp nào, người dân nên đến các cơ sở y tế uy tín được cấp phép để các bác sĩ chuyên khoa da liễu khám, tư vấn, từ đó lựa chọn phương pháp thích hợp.
Theo các chuyên gia y tế, làm đẹp thường phải cần thời gian. Tuy rằng có một số phương pháp chúng ta có thể thấy hiệu quả khá nhanh, nhưng nên biết rằng, các phương pháp đó phải có chỉ định, phải được bác sĩ chuyên khoa đánh giá có phù hợp hay không lựa chọn thành phần phù hợp nhất, an toàn nhất. Bác sĩ sẽ là người tư vấn cho bệnh nhân, làm gì thì làm nhưng an toàn phải đặt lên hàng đầu.
Hiện nay, nhu cầu làm đẹp tăng cao khiến tỷ lệ biến chứng cũng có xu hướng gia tăng theo. Các cơ sở làm đẹp không ngại quảng cáo với những lời lẽ hấp dẫn và thực hiện nhiều thủ thuật không đúng với phạm vi hành nghề đã đăng ký với cơ quan chức năng.
TS Nguyễn Hồng Sơn - Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương