Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trường đại học được thành lập doanh nghiệp: Gắn nghiên cứu với thực tiễn

Oanh Trần (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục Đại học (ĐH) mà Bộ GD&ĐT đang đưa ra lấy ý kiến quy định các trường được thành lập DN. TS Nguyễn Trung Dũng – Tổng giám đốc Hệ thống DN, ĐH Bách khoa Hà Nội (BK-Holdings) khẳng định, thực hiện mô hình này giống như nhà trường khởi nghiệp.

Ông có thể chia sẻ về những trở ngại khi BK-Holdings thực hiện mô hình trường học có DN?
- Hệ thống luật là trở ngại đầu tiên. Năm 2008 khi luật chưa quy định trường học có DN, lãnh đạo nhà trường đã xin Chính phủ cho cơ chế đặc thù. Bách khoa là trường ĐH khoa học công nghệ hàng đầu có nhiều công trình nghiên cứu, không có hệ thống DN sẽ rất khó chuyển giao, ứng dụng. Khi hệ thống DN được thành lập đã trở thành cầu nối giúp đưa các kiến thức nghiên cứu chuyển giao ra xã hội để sử dụng.

Trở ngại nữa mà Bách khoa gặp phải là vấn đề tài chính. Nhà trường không được phép sử dụng công sản để góp vốn liên doanh liên kết. Vì thế, dù nắm tới 100% cổ phần, nhưng trường không “bơm” được vốn cho DN. Ở các nước tiên tiến, hệ thống DN trong trường ĐH hết sức phổ biến, tuy nhiên, cổ phần của trường trong DN tối đa 10%, phần còn lại có thể huy động từ nhà nước, DN, cá nhân.

DN trong trường ĐH thực hiện các hoạt động phục vụ GD&ĐT, chuyển giao công nghệ của nhà khoa học có được miễn giảm thuế?

- Hệ thống BK-Holdings không có bất kỳ ưu đãi thuế nào, mà hoạt động theo Luật DN. Việc này giống hệt câu chuyện Bộ KH&CN quy định các DN khoa học công nghệ được giảm thuế, nhưng thực tế thì không. Lý do bởi hệ thống luật không đồng bộ giữa các bộ. Đó cũng là điều khiến các đơn vị thành viên của BK-Holdings không mặn mà đăng ký DN khoa học công nghệ. Tôi cho rằng, khi trường có DN được đưa vào Luật Giáo dục ĐH sẽ gỡ vướng cho các đơn vị, nhưng Bộ GD&ĐT nên cùng các bên liên quan thống nhất các quy định về ưu đãi để DN hoạt động thuận lợi. Và rất cần có nghị định, hướng dẫn khả thi áp dụng vào cuộc sống, để các trường muốn thành lập DN không phải “xé rào”.

Việc chuyển giao công nghệ của các nhà khoa học được BK-Holdings thực hiện mang lại kết quả thế nào?

- Giữa nghiên cứu hàn lâm và sản phẩm thương mại vẫn còn khoảng cách, rất cần hoàn thiện công nghệ. Hiện Nhà nước đang đầu tư vào nghiên cứu để ra được phát minh sáng chế, giải pháp hữu ích, sản phẩm khoa học công nghệ. Nhưng những sản phẩm đó mới dừng lại ở mức sản phẩm mẫu, muốn ra tới thị trường phải qua khâu hoàn thiện và kiểm thử. Hiện nay chưa có nguồn lực đưa vào để thu hẹp khoảng cách, nên hiện tượng nhiều đề tài nghiên cứu khoa học bị xếp vào ngăn kéo không có gì lạ.

Bên cạnh đó, tư duy các nhà khoa học và DN đang có sự khác biệt không nhỏ. Trong khi đó, tại ở các trường danh tiếng châu Âu, việc gắn kết giữa hàn lâm và DN rất chặt chẽ. Và đề tài nghiên cứu luôn gắn chặt với nhu cầu xã hội. Một trong những nguyên nhân là giáo dục của ta thiếu tính gắn kết giữa các bậc học (từ cử nhân đến tiến sĩ), giữa nghiên cứu và DN. Đây cũng là cản trở khi thành lập DN trong nhà trường.

Khi Luật Giáo dục ĐH cho phép nhà trường được mở DN, sẽ cởi trói cho BK- Holdings và các trường thế nào?

- Chúng tôi thấy rất vui vì đã và đang đi theo đúng xu hướng của luật. Đây cũng là cơ hội để các trường khác đang ấp ủ dự định, mạnh dạn mở DN trong nhà trường. Tuy nhiên, tôi không khuyến khích việc nhà trường mở DN trở thành trào lưu. ĐH mở DN chính là khởi nghiệp trong nhà trường, vì thế, khi các trường hội tụ đủ điều kiện thì mới nên thực hiện. Tôi nghĩ, các ĐH lớn có công nghệ, sản phẩm, nguồn lực, đội ngũ đủ mạnh, nên thành lập DN để chuyển giao khoa học công nghệ ứng dụng vào đời sống. Những trường đơn ngành chưa hội tụ đủ nguồn lực, nên hợp tác cùng các đối tác khác.

Xin cảm ơn ông!

Hệ thống BK-Holdings của ĐH Bách khoa Hà Nội được thành lập từ năm 2009, bao gồm 10 đơn vị thành viên hoạt động ở 3 lĩnh vực: Đào tạo, chuyển giao công nghệ, ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp