Trường Đại học Thủ đô Hà Nội-65 năm tự hào truyền thống, kiến tạo tương lai - Ảnh 1

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội là trường đại học công lập duy nhất trực thuộc UBND TP Hà Nội. Trong lịch sử 70 hình thành và phát triển của ngành GD&ĐT Thủ đô, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và cả nước. Nhân 65 năm ngày truyền thống (6/1/1959 – 6/1/2024) và 10 năm thành lập Trường Đại học Thủ đô Hà Nội (2014 – 2024), PGS.TS Đỗ Hồng Cường, Hiệu trưởng nhà trường đã chia sẻ những dấu mốc đáng nhớ và chặng đường phát triển của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội-65 năm tự hào truyền thống, kiến tạo tương lai - Ảnh 2

 

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội-65 năm tự hào truyền thống, kiến tạo tương lai - Ảnh 3

- Sự ra đời của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội gắn với sứ mệnh đào tạo giáo viên và phát triển của ngành giáo dục Thủ đô. Ông có thể chia sẻ về những dấu mốc đáng nhớ trong lịch sử xây dựng và phát triển của nhà trường trong suốt 65 năm qua?

Ngày 10/10/1954, Nhân dân Hà Nội tưng bừng cờ hoa chào đón bộ đội tiến về tiếp quản Thủ đô. Để ổn định tình hình cũng như tạo đà đi lên cho Thủ đô sau giải phóng, Chính phủ đã đề ra nhiều chính sách phát triển kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội, trong đó đặc biệt quan tâm đến giáo dục. Do tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng nên trong suốt 3 tháng Hè năm học 1958 - 1959, Sở Giáo dục Hà Nội đã cho mở nhiều lớp sư phạm cấp tốc. Các lớp này góp phần giải toả sức ép của tình trạng thiếu giáo viên nhưng nhìn chung không bảo đảm chất lượng về chuyên môn và nghiệp vụ. Trước tình hình đó, việc thành lập một trường sư phạm chính quy, tập trung đã trở thành nhu cầu cấp thiết. Vì thế, ngày 6/1/1959, Trường Sư phạm trung, sơ cấp Hà Nội ra đời.

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội-65 năm tự hào truyền thống, kiến tạo tương lai - Ảnh 4

Với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra là “xây dựng Trường Sư phạm trung, sơ cấp Thủ đô mẫu mực và quyết tâm giành lá cờ đầu của các trường Sư phạm miền Bắc”, toàn thể cán bộ giáo viên cùng các lớp học sinh của trường đã vượt qua khó khăn, đoàn kết nhất trí, tạo dựng nền móng vững chắc, không ngừng phát triển phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Năm 1967, Ủy ban Hành chính TP Hà Nội ban hành quyết định tách Trường Sư phạm trung, sơ cấp Hà Nội thành 2 trường: Trường Trung học Sư phạm Hà Nội và Trường Sơ học Sư phạm Hà Nội. Trình độ và chất lượng đào tạo của Trường đã nâng dần theo thời gian; từ đào tạo giáo viên trình độ 7+1, 7+2, rồi lên 10+1, 10+2, 10+3. Trường đã đón đầu sự phát triển của xã hội, chủ động nâng cao trình độ đào tạo, không vì lý do chiến tranh mà hạ thấp yêu cầu đào tạo giáo viên và luôn nằm trong vị trí những Trường Sư phạm xuất sắc nhất của cả nước.

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội-65 năm tự hào truyền thống, kiến tạo tương lai - Ảnh 5

Năm 1969 – 1970: Trường Trung học Sư phạm Hà Nội chuyển thành Trường Sư phạm cấp II (10+3) Hà Nội. Sau thời gian thử nghiệm đào tạo giáo viên có trình độ cao đẳng, trường đã khẳng định năng lực đào tạo, hoàn toàn đáp ứng được nhiệm vụ đào tạo giáo viên hệ cao đẳng cho Hà Nội và một số địa phương lân cận. Năm 1978, Trường Sư phạm 10+3 Hà Nội được công nhận chính thức là Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, tạo nên bước phát triển nhảy vọt về chất, đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của nhà trường.

Năm 1993, để đáp ứng yêu cầu nâng chuẩn đội ngũ giáo viên cấp I đạt trình độ cao đẳng, UBND TP Hà Nội quyết định sáp nhập Trường Trung học Sư phạm Hà Nội vào Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Ngày 31/12/2014, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội được nâng cấp lên thành Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới. Tiếp nối truyền thống đào tạo ngành sư phạm, phát huy nguồn lực nội tại, tìm kiếm các nguồn lực bên ngoài, Trường đã viết tiếp những trang sử vàng trong vị thế và sứ mạng mới: sứ mạng đào tạo nhân lực đa ngành, đa lĩnh vực cho Thủ đô và đất nước.

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội-65 năm tự hào truyền thống, kiến tạo tương lai - Ảnh 6

Với việc sáp nhập trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật đa ngành Sóc Sơn (2016) và Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây (2023), Trường Đại học Thủ đô Hà Nội hiện có 4 cơ sở làm việc với tổng diện tích hơn 22 ha, đủ điều kiện về cơ sở vật chất để thực hiện mục tiêu, chiến lược phát triển đa ngành, theo định hướng ứng dụng của trường. Bằng việc tiếp nhận các cơ sở đào tạo mới, nhà trường đã có tương đối đầy đủ các phương tiện vật chất, kỹ thuật phục vụ đào tạo và từng bước đáp ứng được yêu cầu xây dựng một cơ sở đào tạo đại học hiện đại, đa ngành, chất lượng cao, có tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội-65 năm tự hào truyền thống, kiến tạo tương lai - Ảnh 7
Trường Đại học Thủ đô Hà Nội-65 năm tự hào truyền thống, kiến tạo tương lai - Ảnh 8

- Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã khẳng định được vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng, phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. Định hướng phát triển của Trường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ như thế nào, thưa ông?

Trong hành trình 65 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo TP. Sự phát triển của trường gắn với yêu cầu nhiệm vụ của TP theo từng giai đoạn. Trong giai đoạn tiếp theo, yêu cầu của TP đối với sự phát triển của trường được cụ thể hóa trong Đề án phát triển trường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được UBND TP  ban hành kèm theo Quyết định số 6473/QĐ-UBND ngày 31/12/2023.

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội-65 năm tự hào truyền thống, kiến tạo tương lai - Ảnh 9

Hiện trường có 28 mã ngành trình độ đại học chính quy được xây dựng và tổ chức đào tạo (các nhóm ngành: Sư phạm, Ngôn ngữ, Kinh tế - Du lịch – Văn hóa; Công nghệ - môi trường; Khoa học xã hội và nhân văn), 3 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ (Quản lý giáo dục, Ngôn ngữ Anh, Phương pháp Toán sơ cấp), 1 chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ (ngành Quản lý giáo dục). Bộ máy của trường gồm: Hội đồng trường, Ban giám hiệu, Hội đồng Khoa học và đào tạo, 8 khoa, 6 phòng ban, 6 trung tâm và 1 đơn vị chức năng. Tổng số cán bộ, viên chức, người lao động của trường là 460; tổng học sinh, sinh viên đang theo học là gần 10.000.

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội phát triển thành cơ sở đào tạo đa ngành; trong đó tiếp tục coi trọng công tác đào tạo giáo viên theo định hướng ứng dụng, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, các sản phẩm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội, vùng Thủ đô và cả nước.

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội-65 năm tự hào truyền thống, kiến tạo tương lai - Ảnh 10

Trường sẽ trở thành trung tâm giáo dục, văn hoá, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hợp tác quốc tế có uy tín, xứng tầm với sự phát triển của TP Hà Nội, được xếp hạng cao trong hệ thống các trường đại học Việt Nam và tham gia vào mạng lưới các trường đại học khu vực và quốc tế.

Trường xác định 4 giá trị cốt lõi: Nhân văn - Đổi mới - Động lực - Bản sắc. Giá trị nhân văn được thể hiện qua việc tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích tư duy sáng tạo, và nuôi dưỡng lòng nhân ái. Nhà trường khuyến khích các thành viên sáng tạo, năng động trong suy nghĩ và hành động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, cải tiến phương pháp làm việc để hiệu suất công việc cao hơn, đạt đến tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển. Mỗi thành viên nỗ lực để có năng lượng tích cực; suy nghĩ tích cực; hành động tích cực; tận tâm, tận lực, tận tình trong công việc, thúc đẩy mọi hoạt động hướng đến mục tiêu chung và vì sự phát triển của Nhà trường. Trường tôn trọng, đề cao những đóng góp có tính chất riêng, độc đáo của các thành viên vào nhận thức chung để xây dựng văn hoá nhà trường đa dạng, mang bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội-65 năm tự hào truyền thống, kiến tạo tương lai - Ảnh 11

Trường đào tạo nhân lực theo tinh thần khai phóng, cung cấp cho người học cơ hội tiếp cận nhiều lĩnh vực học thuật, trên nền tảng chương trình học tập chuyên sâu tập trung vào một lĩnh vực ngành nghề, trong môi trường mang đậm bản sắc văn hóa Hà Nội, giúp người học được phát triển toàn diện, có năng lực nghề nghiệp và ý thức phục vụ cộng đồng, có khát vọng sáng tạo, sẵn sàng thích ứng và hội nhập.

Mục tiêu đến năm 2030 của nhà trường là trở thành trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực với những chương trình đào tạo tiên tiến, đáp ứng nhu cầu xã hội và xu thế phát triển của thời đại, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước. Đến năm 2045, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội trở thành trường đại học thông minh có uy tín hàng đầu, được tổ chức theo mô hình Đại học gồm hệ thống các đơn vị thành viên là các trường đại học, viện nghiên cứu, trường thực hành có nhiều cấp học và các doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội-65 năm tự hào truyền thống, kiến tạo tương lai - Ảnh 12

Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển và tầm nhìn nêu trên, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã xây dựng một lộ trình phù hợp với những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện rõ ràng, thể hiện các lĩnh vực ưu tiên của nhà trường cũng như phương thức hành động cụ thể nhằm giải quyết những thách thức và tận dụng cơ hội phát triển, góp phần nâng cao vị thế của nhà trường.

Cụ thể là: đổi mới quản trị đại học, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên và bộ máy tổ chức; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Hà Nội, vùng Thủ đô và cả nước; thực hiện kiểm định chất lượng nhà trường và chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc gia và các trường đại học Đông Nam Á; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo; tích cực tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ của TP và các địa phương; đẩy mạnh công tác đối ngoại, liên kết đào tạo quốc tế; tăng cường hợp tác phát triển góp phần nâng cao vị thế và uy tín của nhà trường; quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, từng bước nâng cao năng lực tự chủ tài chính trong tất cả các hoạt động của trường; xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, hoàn thiện quy hoạch các cơ sở, đáp ứng yêu cầu phát triển nhà trường trong giai đoạn mới; kiện toàn cơ cấu tổ chức của trường.

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội-65 năm tự hào truyền thống, kiến tạo tương lai - Ảnh 13
Trường Đại học Thủ đô Hà Nội-65 năm tự hào truyền thống, kiến tạo tương lai - Ảnh 14

- Thưa ông, nhắc đến Trường Đại học Thủ đô Hà Nội là nhắc đến Hà Nội học. Vậy “Hà Nội học” là gì? Nhà trường đã có bước đi như thế nào để phát triển Hà Nội học?

Hà Nội học là môn học sưu tầm, tìm hiểu, nghiên cứu và phổ biến những tri thức mọi mặt và nhận thức tổng hợp về con người và mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên trên địa bàn hàng nghìn năm liên tục là trung tâm chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa hàng đầu của Việt Nam, phục vụ cho các chiến lược phát triển bền vững Thủ đô và đất nước.

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội-65 năm tự hào truyền thống, kiến tạo tương lai - Ảnh 15

Nhóm chuyên gia nghiên cứu về Hà Nội học đều thống nhất cho rằng, Hà Nội học có 8 nội dung chủ yếu, gồm: Vị thế địa lý và tài nguyên thiên nhiên; Dân cư và tính cách con người; Lịch sử Thăng Long - Hà Nội; văn hóa; kinh tế; đô thị Thăng Long- Hà Nội; nông thôn; quy hoạch và quản lý Thủ đô. Những nội dung cốt lõi trên có mối liên hệ mật thiết và hỗ trợ cho nhau, giúp người học có cái nhìn tổng thể về Hà Nội trên các lĩnh vực.

Nhận thấy vai trò cần thiết của việc tổ chức triển khai các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ yêu cầu phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội, tháng 10/2014, Thành ủy, UBND TP Hà Nội công bố quyết định thành lập Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô. Giáo trình Hà Nội học xuất bản năm 2018, được giảng dạy cho sinh viên Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.

Chương trình số 06-CTr/TU 2021 của Thành ủy có đặt ra nhiệm vụ “xây dựng và triển khai đề án đào tạo giáo viên môn học Hà Nội học trong hệ thống giáo dục phổ thông trên địa bàn TP Hà Nội”. Để thực hiện nhiệm vụ trên, UBND TP ban hành kế hoạch, giao Trường Đại học Thủ đô Hà Nội chủ trì việc triển khai đề án. Cuối năm 2022, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội được giao thực hiện Đề án “Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Kể từ đây, Hà Nội học thực sự được đẩy mạnh nghiên cứu và phổ biến, đi vào các nhà trường phổ thông, trước hết là đội ngũ giáo viên của Hà Nội.

Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, năm 2023 Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cùng các chuyên gia, nhà khoa học đã xây dựng Chương trình và tài liệu, tổ chức thẩm định để chuẩn bị cho việc bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông vào năm 2024.

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội-65 năm tự hào truyền thống, kiến tạo tương lai - Ảnh 16

Trước khi thực hiện chương trình bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức các hội thảo về chủ đề này. Trên cơ sở những vấn đề có tính khoa học và thực tiễn, Ban chuyên môn Đề án tiếp tục điều chỉnh nội dung tập huấn cho các đối tượng của Đề án và đưa môn Hà Nội học vào giảng dạy trong hệ thống các trường ở Thủ đô. Đây là chủ trương đúng đắn của Thành ủy Hà Nội, tiếp tục tạo điều kiện để Hà Nội học có điều kiện được nghiên cứu và phổ biến trong các tầng lớp Nhân dân Thủ đô, nhất là giáo viên và học sinh.

Từ tháng 7 - 10/2024, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tiến hành bồi dưỡng cho hơn 6.000 giáo viên phổ thông tại Hà Nội kiến thức về Hà Nội học bằng hình thức trực tiếp, gián tiếp và trải nghiệm thực tế tại di tích. Đặc biệt, tháng 10/2024, Viện Hà Nội học và Đào tạo quốc tế của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội chính thức được thành lập. Hiện Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tích cực phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội và các trường đại học trên địa bàn TP biên soạn tài liệu Giáo dục địa phương; trong đó có nội dung về Hà Nội học.

Kế thừa những thành tựu nghiên cứu ban đầu của các nhà khoa học, chuyên gia, học giả yêu Hà Nội, hiện nay Hà Nội học từ ý tưởng đang dần đi vào các trường học của Thủ đô. Hy vọng, trong thời gian tới, Hà Nội học thực sự góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, nghĩa tình và hào hoa, thúc đẩy sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước.

Trân trọng cảm ơn ông!

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội-65 năm tự hào truyền thống, kiến tạo tương lai - Ảnh 17
Trường Đại học Thủ đô Hà Nội-65 năm tự hào truyền thống, kiến tạo tương lai - Ảnh 18

10:43 11/12/2024