Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trưởng giả...

Ái Châu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chẳng biết từ lúc nào, lúc sau lưng, người trong làng thường tếu táo gọi ông Chuyên là "trưởng giả", mặc dù ông đường đường đứng đầu một dòng họ có số trai đinh nhiều nhất nhì ở cái làng có tới nghìn nóc nhà.

Từ khi ngụ cư đường nhà vợ, tôi xin vào sinh hoạt cùng gia tộc phía ngoại, gọi là cho có đoàn thể. Bởi người quê có câu “Đi họp làng bênh anh em họ. Đi họp họ bênh anh em nhà”.

Mình là người xứ khác đến, có thêm vây cánh phía nhà vợ thì khi tắt lửa tối đèn còn có chỗ mà nương nhờ. Từ ngày sinh hoạt cùng dòng họ bên vợ, đôi lúc tôi vẫn nghe người trong làng rỉ tai nhau chuyện ông Chuyên không phải dòng máu họ Nguyễn (?).

Theo mấy người thạo chuyện trong làng, điều đồn đại kia là có cơ sở. Sự thể là như thế này: cách đây hơn nửa thế kỷ, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông Ấm phải để lại người vợ trẻ cùng mấy đứa con thơ để lên mạn Tây Bắc kiếm sống. Theo người trong họ kể lại, trước lúc lên đường, ông Ấm dặn dò vợ đủ kiểu, nào những là chăm sóc con thơ, phụng dưỡng bố mẹ, thủ tiết chờ chồng…

Chả hiểu thế nào mà từ khi ông Ấm cất bước, một năm sau, bà vợ ở nhà lại có mang và “nứt” ra ông Chuyên. Biết tin vợ sinh con trai, ông Ấm tức tốc từ Tây Bắc trở về. Sau khi nghe bà mẹ tính toán ngày giờ con trai lên Tây Bắc, bấm đốt ngón tay, gia đình nghi ngờ đứa bé sinh ra không mang dòng máu của ông Ấm.

Đôi bên thông gia triệu tập một cuộc họp, sau khi tra khảo một hồi, vợ ông Ấm thừa nhận là sau khi chồng đi làm ăn xa được mấy tháng, bà đã không giữ được mình nên trót dại với một ông hàng xóm!

Để giữ thể diện cho con cái và thanh danh cho dòng họ, gia đình ông Ấm đành ngậm bồ hòn làm ngọt, chấp nhận “cá vào ao ta là cá nhà ta”. Vậy là ông Chuyên lớn lên trong sự nuôi nấng, bế ẵm của gia đình và dòng họ Nguyễn. Nhưng thói đời “giỏ nhà ai, quai nhà đấy”, càng lớn lên khuôn mặt của Chuyên lại khác xa mấy đứa con trong gia đình, và đương nhiên không thể giống ông Ấm.

Càng về già, ông Ấm càng cay đắng với quyết định “tha bổng” cho vợ ngày nào của mình, bởi mỗi khi say rượu, gã hàng xóm nọ lại bóng gió chuyện ai đó phải nuôi con vịt trời.

Theo quy định của dòng họ, khi người cha lên lão (60 tuổi), mọi chuyện liên quan đến thờ cúng tổ tiên, dòng họ sẽ được bàn giao lại cho con trai trưởng. Dù biết mười mươi rằng trai cả không phải con ruột, nhưng theo phép tắc, người kế tục chức danh trưởng họ vẫn phải là ông Chuyên - dù ông cụ Ấm có đến 3 người con trai…

Chuyện trên đây đã xảy ra cách nay hơn nửa thế kỷ và từ đó cũng ít người moi móc lại, bởi trong cuộc sống ai cũng phải lo cơm áo gạo tiền và quan trọng là cả hai ông bà cụ Ấm cũng đã quy tiên từ lâu.

Từ khi được giao chức trưởng, người ta thấy ông Chuyên là người rất lo toan công việc chung của dòng họ. Ở cái làng ngay sát nách Hà Nội này, người ta vẫn giữ nghiêm lề lối của các cụ xưa, hễ trong gia đình có việc buồn hay vui, nhất nhất đều phải thông qua dòng họ.

Khi đấy, trưởng họ là người thay mặt đứng ra cất đặt, điều phối mọi công việc lớn nhỏ. Vì vậy, dù ít hay nhiều tuổi, tiếng nói của trưởng họ không mấy ai dám trái ý.

Nhưng mấy năm gần đây, do tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, đất đai ngoại thành ngày một có giá. Trước khi chết, dù gia đình đông con, nhưng cụ Ấm lại không để lại di chúc, đất cát lại chia cho con trưởng phần nhiều, thế là trong gia đình, dòng họ bắt đầu có lời ong tiếng ve về lai lịch của ông Chuyên.

Sau những cuộc rượu, anh em trong dòng họ bắt đầu “soi” lại chuyện cũ, dè bĩu xuất thân của ông trưởng họ. Một số coi ông Chuyên là “trưởng giả”, đâu đó sau lưng có kẻ còn nói “cái họ gần ngàn suất đinh hết người rồi hay sao mà để đứa khác máu tanh lòng đè đầu…”, và đã có “âm mưu phế truất”…

Biết sau lưng có nhiều ý kiến nhận xét không hay, nhân dịp họp họ vừa rồi ông Chuyên đề cập đến việc xin thôi làm trưởng họ. Đứng trước một vấn đề tế nhị, chẳng ai dám có ý kiến, bởi lâu nay trong cái họ này (nếu không một tay ông Chuyên lèo lái) - chưa chắc đông mà đã mạnh. Về phần mình, xin rút mà chả xong nên ông Chuyên vẫn phải đảm nhận chức danh trưởng họ.

Tuy nhiên kể từ đận ấy, nếu có ai nhắc đến cụm từ trưởng họ, bao giờ ông Chuyên cũng “mát mẻ” mà rằng, ờ thì cũng trưởng đấy, nhưng tôi chỉ là… trưởng giả thôi!