Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Truy xuất nguồn gốc nông sản: Hiệu quả chưa như kỳ vọng

Phương Nga - Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc triển khai hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông sản không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, mà còn giúp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và sức khỏe của người tiêu dùng. Dù vậy, việc triển khai hệ thống tiện ích trên thực tế còn không ít khó khăn.

Cấp 5 triệu tem truy xuất nguồn gốc
Đánh giá vai trò và ý nghĩa mang tính xu thế của hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản, thời gian qua Hà Nội đã tích cực hỗ trợ cấp mã tài khoản quản trị cho các DN, cơ sở sản xuất nông sản trên địa bàn.
Từ đầu năm 2018, UBND TP Hà Nội đã có Kế hoạch số 02/KH-UBND về duy trì, phát triển Hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2018 – 2020. Khi tham gia Hệ thống truy xuất nguồn gốc, các DN được quyền công khai các nội dung liên quan đến quá trình hình thành sản phẩm, giá sản phẩm, thông tin liên hệ, địa chỉ, điện thoại, xuất xứ nguồn gốc, cơ sở pháp lý…
Khách hàng thường đọc thông tin được in sẵn trên bao bì sản phẩm. Ảnh: Trọng Tùng
Đây được coi là giải pháp hữu hiệu trong việc truy xuất nguồn gốc nông sản với các chức năng kiểm soát, quản trị dòng sản phẩm, thống kê nghiên cứu thị trường, phát triển thương mại điện tử kết nối cung cầu. Đồng thời bảo vệ người tiêu dùng thông qua ứng dụng công nghệ quét mã sản phẩm.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Sở đã hỗ trợ 12 quận triển khai Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của Hà Nội”. Đến nay, gần 81% các cửa hàng kinh doanh trái cây đã sử dụng mã QR code truy xuất nguồn gốc.
Đáng chú ý, đã cấp hỗ trợ hơn 5 triệu tem mã QR truy xuất nguồn gốc cho nông sản lần đầu tham gia hệ thống trên toàn TP. Ngoài ra, Hà Nội còn phối hợp với một số tỉnh, thành khu vực phía Bắc, đặc biệt các tỉnh trong Ban điều phối cung ứng chuỗi rau thịt cho Thủ đô tham gia hệ thống truy xuất cho các sản phẩm đặc sản, vùng sản xuất lớn nông sản đang cung ứng về thị trường Hà Nội. Đến nay, có 117 cơ sở với hơn 600 mã sản phẩm có nguồn gốc của 30 tỉnh, thành tham gia hệ thống truy xuất.
Cùng với tích cực triển khai cấp mã truy xuất nguồn gốc cho nông sản, Sở NN&PTNT Hà Nội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền các ứng dụng, lợi ích khi tham gia Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm của TP.
Đồng thời, tổ chức 30 lớp tập huấn cho các đối tượng quản lý; người sản xuất, kinh doanh tại các chợ đầu mối và đặc biệt là người tiêu dùng trên địa bàn TP, nhằm tuyên truyền, vận động người sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản.
Cả người tiêu dùng và nhà sản xuất chưa mặn mà
Mặc dù TP đã có nhiều chính sách hỗ trợ việc triển khai dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nông sản, tuy nhiên hiện nay hoạt động này vẫn chưa được người tiêu dùng và nhà sản xuất quan tâm. HTX Dịch vụ tổng hợp Hòa Bình (Yên Nghĩa, Hà Đông) hiện đang canh tác gần 12ha rau an toàn, trung bình mỗi ngày xuất ra thị trường 1,5 tấn rau, củ quả các loại.
Ngoài xuất cho các bếp ăn tập thể, trường học, HTX còn có một cửa hàng trưng bày bán sản phẩm. Năm 2018, HTX đã triển khai dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nhưng chỉ kéo dài được 3 tháng. Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Hòa Bình Trịnh Văn Vĩnh cho biết: Việc triển khai dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm hiện nay còn khá nhiều bất cập. Việc khó nhất là buộc người nông dân thực hiện ghi nhật ký sản xuất, đầu tiên ghi bằng giấy, sau đó mới về nhập lại lên hệ thống. Trung bình để thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, người dân phải tốn công gấp 3 – 4 lần so với việc dán tem nhận diện sản phẩm thông thường.
“Sau một thời gian thử nghiệm, chúng tôi nhận thấy khách hàng không mấy quan tâm đến việc quét mã QR code. Theo thống kê, cứ 10 khách vào thì chỉ có 1 - 2 người thực hiện thao tác này. Do đó, tôi dừng lại không triển khai nữa” - ông Vĩnh giải thích.
Trong khi nhà sản xuất còn gặp nhiều khó khăn trong việc gắn tem truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng cũng không mấy mặn mà với việc này. Chị Nguyễn Tú Linh, khách mua hàng tại siêu thị PTMart (Hà Đông) cho biết: “Dù ưu tiên lựa chọn sản phẩm sạch nhưng tôi thường mua hàng theo cảm tính chứ không quét mã QR code. Vì mỗi lần lựa chọn sản phẩm lại rút điện thoại ra quét mất rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, mỗi sản phẩm lại có quá nhiều loại tem mác, khác nhau về hình dạng, kích thước nên không thể phân biệt đâu là tem tích hợp thông tin chính xác nhất”.
Cũng chung quan điểm với chị Linh, chị Trần Thu Hồng ở Long Biên lại tỏ ra băn khoăn về tính trung thực của thông tin trên tem truy xuất. “Đúng là quét mã QR code có thể hiện một số thông tin cơ bản từ nhà sản xuất. Tuy nhiên, tất cả những thông tin này đều là một chiều từ phía DN, mà không thể hiện bất cứ sự giám sát của cơ quan hay đơn vị nào. Vì vậy, tôi thường đọc luôn thông tin đã được in trên mác sản phẩm” – chị Hồng bày tỏ.
Làm gì để nâng cao hiệu quả? 
Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng thừa nhận: Hệ thống quy định pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn về cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về truy xuất nguồn gốc hiện chưa cụ thể.
Mặt khác, công tác tuyên truyền, phổ biến cho các cơ sở sản xuất về hệ thống còn gặp khó khăn do các đơn vị chưa nhận thức được những lợi ích và hiệu quả. Ứng dụng công nghệ thông tin còn chậm… Một trong những điểm hạn chế nhất ở nước ta hiện nay là việc truy xuất nguồn gốc vẫn bằng hình thức nhập thủ công, vừa tốn nhiều công lao động vừa băn khoăn về tính trung thực của dữ liệu, dễ phát sinh nhầm lẫn.
Đặc biệt, một số lượng lớn nông sản được bán tại các chợ truyền thống, cửa hàng kinh doanh được lấy từ những hộ kinh doanh tại chợ đầu mối. Tuy nhiên, Ban quản lý chợ đầu mối còn hạn chế trong việc kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm của các hộ, cơ sở kinh doanh, nhất là kiểm soát nguồn gốc xuất xứ nông sản kinh doanh tại chợ (các hộ chưa quan tâm tới việc lưu giữ hóa đơn, chứng từ để chứng minh được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm).
Theo bà Hằng, TP cần sớm ban hành các quy định, hướng dẫn việc đăng ký sử dụng mã truy xuất đảm bảo khả năng định danh đơn nhất cho đối tượng truy xuất từ các cơ sở, vùng sản xuất. Xác định nhóm sản phẩm, hàng hóa cần ưu tiên thực hiện truy xuất nguồn gốc; nhu cầu truy xuất nguồn gốc của DN, cơ sở sản xuất.
Đồng thời, có cơ chế khuyến khích hỗ trợ liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn có truy xuất, nhằm tăng cường khả năng phân phối hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và hướng tới xuất khẩu. Song song với đó, cần tăng cường tuyên truyền về lợi ích của việc dán tem truy xuất nguồn gốc đến nhà sản xuất và người tiêu dùng.

"Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN cần ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về hệ thống truy xuất nguồn gốc, các quy định, hướng dẫn việc ứng dụng thông tin điện tử trong truy xuất nguồn gốc bằng mã QR cho nông sản. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc. Triển khai, tiến tới bắt buộc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với một số nhóm sản phẩm hàng hóa trong nước." - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường


Sau gần 2 năm triển khai, đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã cấp mã tài khoản quản trị cho 2.077 cơ sở, HTX, DN, cửa hàng sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn; cấp mã QR code truy xuất minh bạch thông tin cho 236 DN, với tổng bộ mã truy xuất được quản lý hơn 4.000 mã sản phẩm.