TS Nguyễn Viết Chức |
Điều tôi ấn tượng nhất là tình cảm, khát vọng, niềm tin của người đứng đầu Đảng, Nhà nước đã thể hiện qua bài viết. Từ đó, truyền tải thông điệp đến tất cả mọi người về niềm tin vào Đảng, vào lịch sử, truyền thống của Việt Nam; toát lên tinh thần, sự tin tưởng vào tương lai của đất nước. Đồng thời khẳng định, Đại hội XIII sẽ là dấu ấn quan trọng trong lịch sử phát triển của Đảng, của cả dân tộc Việt Nam.
Trong bài viết có nói đến thành tựu đạt được với cách đánh giá khiêm nhường và nhắc đến bối cảnh, hoàn cảnh chung để chỉ ra vị thế đất nước, đồng thời nhìn rõ những khuyết điểm, tồn tại. Để từ đó, đưa ra bức tranh tổng thể, lộ trình cho sự phát triển, trong đó bao quát được mọi vấn đề, từ chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh; từ những việc đã làm đến cần làm; việc trước mắt, cũng như chiến lược lâu dài.
Đồng thời, chỉ rõ những điều Đảng cần làm gì, mỗi cán bộ, đảng viên cần cho đất nước phát triển hơn nữa, nâng lên đời sống vật chất, tinh thần của dân. Tôi nhắc lại, bài viết không dài, rất dung dị, nhưng thực sự đã truyền đến người đọc niềm tin rằng, dù còn nhiều khó khăn, bộn bề công việc, nhưng tương lai của Đảng, dân tộc rất tươi sáng. Qua đó cũng thể hiện ý chí, quyết tâm, niềm tin vào Nhân dân vào truyền thống của Đảng, ý chí, quyết tâm xây dựng đất nước hùng cường, dân chủ và giàu mạnh.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc |
Tôi rất ấn tượng với bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, bài viết rất súc tích, đã nêu bật được những thành tựu quan trọng của nhiệm kỳ Đại hội XII, như trong bài viết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định: "Tôi đã nhiều lần nói rằng, với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đồng thời nhấn mạnh đến ý nghĩa trọng đại của Đại hội XIII của Đảng, không chỉ mở ra sự phát triển của một nhiệm kỳ, mà có tính chiến lược lâu dài.
Bài viết cũng cho thấy sự trăn trở của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đối với vận mệnh đất nước trong giai đoạn hiện nay và những suy tính có tính chiến lược lâu dài để đưa đất nước phát triển hùng mạnh, đời sống người dân ngày càng tốt đẹp hơn. Như đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Cùng với phát triển kinh tế, hội nhập thế nào, phát triển văn hóa, xã hội, giải quyết các vấn đề thực tiễn ra sao cũng là những vấn đề đặt ra. Đặc biệt, với những bài học kinh nghiệm được đúc rút từ nhiệm kỳ trước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai toàn diện, đồng bộ, thường xuyên. Trong đó, “công tác tổ chức, cán bộ phải là điểm đột phá, là "then chốt" của nhiệm vụ "then chốt", có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ; sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”. “Phải phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”...
PGS.TS Bùi Thị An |
Ðây là lần thứ 3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có bài viết quan trọng, truyền đạt cô đọng, súc tích, đầy đủ, toàn diện, sâu sắc định hướng, chỉ đạo của Ðảng đối với công tác chuẩn bị và tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Ðại hội XIII của Ðảng. Với 5 bài học kinh nghiệm quý báu được đúc rút từ thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nêu rất rõ ràng, cụ thể nhiệm vụ trọng tâm trước mắt và lâu dài mà toàn Ðảng, toàn dân phải đồng lòng, nỗ lực thực hiện. Trong rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp được nêu ra, tôi tâm đắc với luận điểm mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh, lấy "dân là gốc".
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng phải coi Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân… Động lực và nguồn lực cho phát triển đất nước trong giai đoạn mới là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam... Lịch sử dân tộc đã chứng minh, khi có được lòng dân thì mọi gian khó đều có thể vượt qua.
Trong giai đoạn mới, khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, đã ký nhiều hiệp định, hiệp ước quốc tế, nghĩa là chúng ta đã bước ra những sân chơi lớn, bình đẳng, buộc chúng ta phải thay đổi tư duy mạnh mẽ để vừa hòa nhập và phát triển, vừa bảo đảm chủ quyền, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong bối cảnh ấy, tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường dân tộc, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị càng trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Bà Bùi Thị Thu Trang |
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XIII, đặc biệt là sau những dấu mốc trong sự phát triển của đất nước trong thời gian qua đã cho chúng ta thấy được các vấn đề trọng tâm, cốt lõi cần phải nắm vững, hiểu sâu nhưng cũng bao quát để định hướng những bước đi vững chắc của Việt Nam trước bối cảnh trong nước và quốc tế ngày càng biến động khó lường.
Trong 5 bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh đến công tác cán bộ và việc coi trọng Nhân dân - trung tâm, chủ thể của công cuộc đổi mới. Bài viết cũng đề cập đến từng mốc thời gian cụ thể, với những mục tiêu từng bước phấn đấu và các giải pháp để đến năm 2045, khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước.
Tôi tin tưởng rằng, với những định hướng của người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Việt Nam trong thập kỷ mới sẽ tiến những bước dài, tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong khu vực và vươn tầm thế giới.