KTĐT - Ngân hàng trung ương Trung Quốc thông báo tăng lãi suất hôm 19/10 nhằm kiềm chế lạm phát và giá bất động sản. Quyết định tăng lãi suất đầu tiên của Ngân hàng trung ương Trung Quốc trong gần ba năm qua khiến tất cả các thị trường chứng khoán châu Á lao dốc.
Đa số chỉ số chứng khoán tại châu Á mất điểm hôm qua sau khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc tăng lãi suất lần đầu tiên sau gần ba năm. Ngược lại, các thị trường chứng khoán tại Mỹ, châu Âu vẫn đi lên.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc thông báo tăng lãi suất hôm 19/10 nhằm kiềm chế lạm phát và giá bất động sản. Quyết định tăng lãi suất đầu tiên của Ngân hàng trung ương Trung Quốc trong gần ba năm qua khiến tất cả các thị trường chứng khoán châu Á lao dốc trong phiên giao dịch sáng qua do giới đầu tư lo ngại Bắc Kinh bắt đầu thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ. Mặc dù sau đó giá cổ phiếu phục hồi do giới đầu tư lấy lại niềm tin, song phần lớn các chỉ số chủ chốt mất điểm. Nikkei 225 của Nhật Bản và S&P/ASX 200 của Australia mất 1,7% và 0,7% số điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong cũng chịu chung số phận với mức giảm 0,9%. Chỉ có chỉ số Shanghai Composite tăng thêm 0,1%.
Tranh cãi về tiền tệ trên phạm vi quốc tế có thể sẽ là chủ đề chính trong cuộc họp của G20 tại Hàn Quốc vào cuối tuần này. Kế hoạch bơm thêm tiền vào nền kinh tế của Fed khiến đồng USD liên tục giảm giá trong tháng qua và gây nên tâm lý lo ngại ở những nền kinh tế mới nổi. Nhiều nước có thị trường mới nổi đã thực hiện các biện pháp để kìm hãm đà tăng giá của đồng nội tệ do lo ngại tình trạng đó sẽ ảnh hưởng xấu tới hoạt động xuất khẩu.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hôm qua công bố một báo cáo cho thấy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng nhẹ trong vài tuần gần đây do các doanh nghiệp cố gắng tăng giá hàng hóa, thuê thêm nhân công và đầu tư nhiều hơn. Mặc dù vậy, người tiêu dùng Mỹ chỉ mua những hàng hóa thiết yếu. Thị trường nhà đất vẫn chưa thoát khỏi trạng thái trì trệ dù giá nhà đã trở nên ổn định. Tỷ lệ thất nghiệp 9,6% sẽ khó có khả năng thay đổi trong thời gian tới.
Báo cáo của Fed hầu như không tác động tới thị trường chứng khoán Mỹ. Chỉ số chứng khoán Phố Wall tăng do sự suy yếu của đồng USD và thông tin khả quan về lợi nhuận của các doanh nghiệp. Giới đầu tư tăng cường gom cổ phiếu của các công ty công nghiệp và sản xuất hàng hóa.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones và chỉ số Standard & Poor's 500 lần lượt tăng 1,2% và 1,1%, còn chỉ số Nasdaq lấy thêm 0,84%, chốt ở mức 2.457,39 điểm.
Phó Thủ tướng Nga Igor Shuvalov thông báo nước này sẽ bán toàn bộ hoặc một phần cổ phần trong khoảng 900 công ty lớn – như tập đoàn dầu khí Rosneft, các ngân hàng Sberbank và VTB – để thu về 60 tỷ USD cho ngân sách. Thông báo của ông Shuvalov được đưa ra trong bối cảnh một cố vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ khẳng định Nga sẽ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới trong 12 tháng tới.
Chính phủ Anh công bố kế hoạch cắt giảm chi tiêu công lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai, bao gồm việc giảm các loại trợ cắp và số nhân viên chính phủ. Mục tiêu của kế hoạch là ngăn chặn đà tăng của khoản nợ công đang ở mức cao kỷ lục.
Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne xác nhận ngân sách nước này đang thâm hụt 109 tỷ bảng (172 tỷ USD) và mức giảm chi tiêu công sẽ là 81 tỷ bảng (128 tỷ USD) trong khoảng thời gian từ nay tới năm 2015. Ngoài ra chính phủ sẽ tăng một số loại thuế và sa thải khoảng nửa triệu nhân viên. Tuổi nghỉ hưu cũng sẽ tăng lên 66 trước năm 2020, sớm hơn so với kế hoạch trước đây.
Tin "động trời" tại Anh không tác động tới thị trường chứng khoán châu Âu. Các cổ phiếu tại cựu lục địa vẫn đồng loạt tăng giá trong phiên giao dịch cuối cùng hôm qua do những thông tin tốt về lợi nhuận của các doanh nghiệp làm tăng lòng tin của giới đầu tư. Chỉ số FTSE 100 tăng 0,44%, đạt 5.728,93 điểm. Hai chỉ số DAX của Đức và CAC-40 của Pháp lần lượt nhích thêm 0,5% và 0,6%.
Đồng USD tiếp tục hạ giá so với hàng loạt tiền tệ chủ chốt hôm qua sau khi một tổ chức tư vấn có uy tín thông báo Fed sẽ chi 500 tỷ USD để mua trái phiếu của Bộ Tài chính Mỹ trong vòng 6 tháng tới nhằm kích thích kinh tế. Chỉ số của USD giảm 0,4% sau khi tăng 1,6% trong hôm trước.Tính ra giá của USD giảm gần tới mức thấp nhất so với đồng yen trong vòng 15 năm qua. Đồng bảng tăng giá so với USD song giảm giá so với đồng euro.
Trên các thị trường hàng hóa, giá vàng vẫn giữ nguyên mức 1.343,30 USD/ounce, còn giá dầu tăng gần 3% lên mức 81,85 USD/thùng.