Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết: Bộ trưởng Nội vụ đã ký ban hành quyết định tổ chức lớp tập huấn này dành cho các công chức, viên chức làm công tác văn thư lưu trữ (VTLT) và kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) áp dụng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn Việt Nam 9001:2008 của Bộ.
Báo cáo viên là các chuyên gia từ Tập đoàn Công nghiệp điện tử viễn thông quân đội, Viện Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam, Văn phòng Chính phủ..., sẽ tập trung trình bày khái quát việc ứng dụng hệ thống quản lý văn bản trên môi trường điện tử, hướng dẫn kỹ năng thao tác cần thiết để người làm VTLT sử dụng hệ thống quản lý văn bản tại Bộ, rà soát đơn giản hóa TTHC, áp dụng CNTT trong kiểm soát TTHC, hướng dẫn xây dựng quy trình ISO trong quản lý điều hành của Bộ trên quy trình điện tử…
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh: Mỗi ngày, Văn thư Bộ tiếp nhận xử lý trên 200 văn bản, cung cấp dịch vụ công với 32 TTHC, 8 quy trình liên thông. Khối lượng công việc rất lớn này đòi hỏi kịp thời, chính xác, linh hoạt phù hợp lịch công tác của lãnh đạo Bộ và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc.
Việc ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành tại Bộ đã đạt kết quả tích cực, song văn bản đến và đi của Bộ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ; tỷ lệ xử lý công việc điện tử chưa cao; hồ sơ trình lãnh đạo Bộ chưa được thực hiện trên môi trường mạng; văn bản điện tử của Bộ chưa đủ điều kiện pháp lý để xử lý khi gửi, nhận văn bản điện tử với Chính phủ, bộ, ngành, địa phương.
Trong khi, Nghị định 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018, Quyết định 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 quy định về thực hiện một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước đặt ra yêu cầu bắt buộc triển khai hệ thống quản lý văn bản và một cửa điện tử tại các bộ để kết nối, tích hợp dữ liệu với trục liên thông văn bản quốc gia đặt tại Văn phòng Chính phủ.
Trao đổi văn bản tại Bộ phận tiếp nhận và xử lý văn bản của Bộ Nội vụ |
Phấn đấu đến 1/1/2019, Bộ chính thức đưa vào sử dụng hoàn toàn văn bản điện tử hành chính có xác thực chữ ký số trên hệ thống; kết nối với trục liên thông văn bản của Chính phủ để gửi, nhận văn bản điện tử với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, với mục tiêu: 100% văn bản đi, đến của các đơn vị khối cơ quan Bộ được trao đổi trên phần mềm; 90% hồ sơ công việc, phiếu trình ký, trình xin ý kiến lãnh đạo Bộ được trình điện tử; 100% lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị khối cơ quan Bộ sử dụng thành thạo phần mềm phục vụ công việc.
“Khi hệ thống vào hoạt động, chức năng quản lý văn bản đi-đến, văn bản trình ký, quản lý lịch họp sẽ được tự động hóa, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ Nội vụ. Với CSDL tập trung, giải pháp lưu được toàn bộ trạng thái xử lý văn bản, giúp lãnh đạo Bộ và lãnh đạo các đơn vị nhìn bao quát và chi tiết tình trạng xử lý văn bản tại các đơn vị thông qua hệ thống báo cáo tổng hợp, như: Số văn bản chậm tiến độ xử lý, văn bản đang xử lý, văn bản đã xử lý..., từ đó đôn đốc đơn vị xử lý công việc tốt hơn”, Bộ trưởng khẳng định.