Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Từ 1/1/2025 tăng nặng mức xử phạt: vi phạm giao thông sẽ giảm

Mai Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị định 168/2024/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, tăng nặng mức xử phạt từ vài lần đến vài chục lần với nhiều lỗi vi phạm giao thông so với quy định hiện hành.

Xung quanh vấn đề này, dư luận thể hiện sự đồng tình và cho rằng mức phạt nặng đối với nhóm hành vi là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng là hợp lý, trở thành cơ sở để lực lượng chức năng mạnh tay xử lý vi phạm trên đường.

Buộc phải lưu tâm

Ngay sau khi Cục CSGT, Bộ Công an thông tin về Nghị định 168/2024/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Trong đó, tăng nặng xử phạt một số hành vi và nhóm hành vi là nguyên nhân chính gây tai nạn, ngay lập tức thông tin đã được người dân chia sẻ, bàn luận sôi nổi.

Anh Nguyễn Công Hòa (quận Cầu Giấy) cho biết, khá bất ngờ vì mức xử phạt vi phạm hành chính tăng rất cao, cá biệt có hành vi tăng gấp vài chục lần so với quy định hiện hành nhưng anh rất đồng tình với quy định mới.

Dẫn chứng về việc hôm 23/12 đã đọc được tin vụ xe đầu kéo đánh rơi 4 cuộn thép mỗi cuộn nặng hàng tấn và 1 bó thép to xuống đường tại gần ngã tư thị trấn Trạm Trôi, thuộc quốc lộ 32, huyện Hoài Đức vì đứt dây chằng buộc, anh Nguyễn Công Hòa cho rằng, hành vi này theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP chỉ phạt từ 600.000đ – 800.000 đồng là quá nhẹ, chưa tương xứng mức nguy hiểm của hành vi.

Tuy nhiên, theo Nghị định mới từ ngày 1/1/2025 tới đây, hành vi này bị xử phạt từ 18.000.000 – 22.000.000 đồng (gấp 27 – 30 lần so với hiện hành). Như vậy sẽ tăng sức răn đe hơn, giúp tài xế và DN vận tải buộc phải lưu tâm và cẩn trọng khi vận chuyển hàng hóa nặng, cồng kềnh. Từ đó giảm thiểu nguy cơ mất an toàn khi lưu thông trên đường.

Bàn luận về hành vi không chấp hành đèn tín hiệu giao thông cũng bị tăng nặng mức xử phạt đối với cả ô tô và xe máy, anh Nguyễn Công Hòa cho biết, bản thân cũng có lúc đi nhanh để cố vượt qua một vài giây đèn đỏ, nhưng khi quy định xử phạt nặng hơn, với xe máy từ 4.000.000  – 6.000.000 đồng, với ô tô 18.000.000 – 20.000.000 đồng, anh cũng phải xem lại. "Một là để đảm bảo an toàn giao thông cho chính mình và người cùng tham gia giao thông trên đường. Hai là để tránh ảnh hưởng đến túi tiền vì những lí do không đáng có" - anh Hòa nói.

Chị Nguyễn Thị Phương (quận Nam Từ Liêm) cũng cho biết, chị rất đồng tình, ủng hộ việc tăng nặng với hành vi điều khiển phương tiện mà trong máu có nồng độ cồn, bởi nhiều khi vì vài cốc rượu mà gây nên hậu họa khó lường. "Vì vậy, tốt nhất đã rượu bia thì không lái xe. Thay vì nộp hàng chục triệu tiền phạt mà vẫn đối diện với nguy cơ tai nạn giao thông thì người uống rượu xác định ngay từ đầu dùng tiền đó thuê xe di chuyển sẽ an toàn hơn. Cứ phạt thật nặng để ngăn chặn từ sớm việc “ma men” có thể gây họa trên đường" - chị Phương cho hay.

Còn theo tài xế taxi Nguyễn Đức Cường, quy định về hành vi mở cửa xe không đảm bảo an toàn giao thông hiện hành phạt từ 400.000 – 600.000 đồng nhưng nay tăng lên 20.000.000 – 22.000.000 đồng (gấp 36 – 50 lần) khiến anh rất lưu tâm. Bởi thực tế, có những trường hợp người đi taxi bước xuống xe không quan sát khi mở cửa sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn.

“Với mức phạt này, các tài xế xe dịch vụ như chúng tôi sẽ phải cẩn thận hơn đối với việc dừng đỗ đón trả khách trên đường, nhắc nhở khách hàng không tùy tiện mở cửa xe để tránh gây ảnh hưởng giao thông và xảy ra các sự cố nguy hiểm” – anh Nguyễn Đức Cường cho biết.

Tạo thay đổi lớn

Theo Đại diện Cục CSGT, Nghị định 168/2024/NĐ-CP được xây dựng trong bối cảnh tình hình trật tự an toàn giao thông có chuyển biến tích cực, tai nạn được kiềm chế. Tuy nhiên, về tổng thể tình hình giao thông còn nhiều vấn đề như: tổ chức giao thông còn nhiều bất cập, lượng phương tiện tăng cao mỗi năm, ý thức của một bộ phận tài xế chưa cao, tình trạng vi phạm vẫn diễn ra phổ biến trên nhiều tuyến đường…

Thời gian gần đây, có nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên cao tốc liên quan đến đến tốc độ, dừng đỗ xe không đúng nơi quy định… Bên cạnh đó, nhiều tài xế còn vô tư thực hiện các hành vi quay đầu xe, đi lùi trên cao tốc bất chấp nguy hiểm tiềm ẩn. Đây là những hành vi cần xử lý nghiêm.

Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, việc bổ sung chế tài mạnh mẽ để lực lượng chức năng mạnh tay xử lý các hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn như nồng độ cồn, chở hàng cồng kềnh, vượt quá tốc độ, lùi xe, quay đầu xe trên đường cao tốc…là cần thiết. Từ đó tạo chuyển biến lớn về ý thức và hình thành nên văn hóa tuân thủ luật lệ với người tham gia giao thông.

Theo thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thi Thu Phương, việc tăng mức xử phạt vừa có tính răn đe, vừa đánh mạnh vào túi tiền của người dân buộc họ phải tuân thủ quy định.

Riêng với DN vận tải, nếu họ để lái xe vi phạm và bị phạt nhiều lần sẽ bị thất thu nhiều hơn. Thậm chí, một số lỗi còn có khả năng bị thu hồi giấy phép sẽ khiến DN thiệt đơn, thiệt kép, buộc họ phải cân nhắc và giám sát chặt chẽ tài xế khi tham gia lưu thông trên đường. Bản thân tài xế muốn giữ miếng cơm manh áo cũng phải thay đổi nhận thức, ý thức, và tuân thủ luật lệ khi tham gia giao thông.

Luật sư Phạm Thanh Hải – Văn phòng Luật sư Hải Thanh nhìn nhận, trước đây một bộ phận người dân và DN vận tải cố tình vi phạm giao thông một phần vì chủ quan, một phần vì mức phạt chưa đủ tính răn đe, chưa khiến họ phải “chùn”. Nhưng từ ngày 1/1/2025, khi mức phạt tăng từ vài lần lên đến vài chục lần chắc chắn sẽ tác động mạnh mẽ đến ý chí thực hiện của người điều khiển phương tiện.

“Việc có một chế tài đủ mạnh sẽ là tiền đề để người tham gia giao thông chủ động thực hiện các quy định của pháp luật, cũng là căn cứ để lực lượng chức năng mạnh tay xử lý nghiêm với những người, những hành vi cố tình vi phạm luật giao thông, từ đó tai nạn chắc chắn sẽ giảm rõ rệt” - luật sư Phạm Thanh Hải nêu ý kiến.