[Từ làng ra phố] Kiêng tên bố và đặt tên con

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo phong tục ở một số vùng quê, khi có con thì bố mẹ được anh em, làng nước gọi theo tên con, khi sinh cháu, lại gọi theo tên cháu… Lần hồi như thế, nhiều người vô tình bị thiên hạ quên đi tên mẹ đẻ. Không ít gia đình, con cháu không biết tên thật của ông bà, cụ kỵ. Và trong sinh hoạt thường ngày, việc gọi tên cúng cơm các bậc cao niên được xem là đại kỵ.

Nhưng trẻ con ở quê (đôi lúc người lớn cũng vậy), mỗi khi gọi nhau, thường vẫn “réo” luôn tên bố, mẹ. Hồi còn nhỏ, nhóm chúng tôi có đứa bạn tên Đông (bố tên Đềm), vậy nên mỗi lần rủ nó đi học, cứ ông ổng ở đầu ngõ: "Đông Đềm ơi đi học" và cách gọi này dần dà trở nên quen mồm.

Một hôm (không biết rằng bạn đã đi học trước), đến cổng nhà ,chúng tôi vẫn tiện mồm réo tên nó như mọi khi. Sau mấy hồi, chả thấy bạn lên tiếng, sốt ruột - một đứa trong nhóm lấy hết sức réo thật to. Sau tiếng réo có phần quá đà đó, một giọng ồm ồm trong nhà cất lên: Đông đi học rồi, chỉ còn Đềm ở nhà thôi… Nghe vậy, cả đám sợ xanh mặt. Từ đó mỗi khi gọi bạn, chúng tôi không dám réo tên “ông cụ thân sinh ra nó” nữa. Nhưng đây là chuyện trong đám bạn thân với nhau thôi, còn với đám trẻ khác làng, vô phúc mà réo tên ông bà, bố mẹ chúng nó ra thì thập phần rắc rối!

Ngày trước, các bậc cha mẹ, ông bà cứ tiện vần mà đặt tên cho con cháu; vậy nên nếu bố tên Ngần, thì con ắt sẽ là Ngừ. Nhà nào đứa đầu là Gạo, kiểu gì đứa sau cũng là Nước, đứa anh tên Mắm, thì em sẽ là Muối… Nghe tên anh, chị, người tinh ý sẽ “suy” ra tên đứa em!

Nhưng nay, cái tên trẻ con ở nơi thôn dã cũng đã “thời trang” hơn trước nhiều. Ở trường nơi mấy đứa con tôi theo học, riêng những cái tên có đuôi “anh” trong mỗi lớp đã suýt soát con số 10. Nào là Ngọc Anh, Minh Anh, Hải Anh, Thế Anh, Xuân Anh, Tuấn Anh, Hà Anh… và gần như thói gọi tên bạn “cạp dằng” với tên bố mẹ cũng bị bỏ. Tuy nhiên, sẽ là rất mệt cho giáo viên, khi trong một lớp mà có đến năm sáu đứa trùng tên, vì lúc điểm danh, đàng sau những Ngọc Anh, Tuấn Anh, lại phải gắn thêm thứ tự a,b,c,d,e… nghe chừng cũng phức tạp.

Tục ngữ có câu “xem mặt, đặt tên”, tức phải dựa vào đặc điểm, giới tính, quê hương đứa trẻ, gia cảnh, ước vọng đấng sinh thành… mà lựa tên cho kỹ càng. Việc đặt tên con lại là quyền của các bậc cha mẹ, bất kể sang hèn, ít chữ hay trí thức. Ngoài những cái tên được chọn theo kiểu “thời trang”, hiện nay xã hội đang có xu hướng lấy tên các danh nhân, nghệ sĩ, nhân vật trong văn chương, nghệ thuật để đặt cho con, cháu. Chẳng hạn họ Nguyễn thì nhiều người muốn con họ sẽ là Nguyễn Tuân, Nguyễn Ánh, họ Quách thì muốn là Quách Thành Danh… Cũng có gia đình chọn các thành ngữ để đặt tên cho con như An, Khanh, Thịnh, Vượng, Vinh, Hoa, Phú, Quý. Âu đó cũng là cái kỳ vọng của đấng sinh thành vào những điều tốt đẹp với con mình trong tương lai.

Nhưng tục ngữ vẫn có những câu như : “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, “giàu sang tại số”; theo chúng tôi - đã là con người thì giáo dục vẫn là cái gốc. Dẫu có đặt tên con Hiền, nhưng không giáo dục, uốn nắn từ nhỏ, lớn lên biết đâu lại trở thành cướp. Rồi ở những chợ người nơi phố xá, vẫn đầy người trùng tên với những thánh tướng; nhưng cuộc sống vẫn lần hồi mưu sinh. Việc kiêng tên ông bà, âu cũng là nét văn hóa, nó thể hiện lòng thành kính của lớp trẻ với người già; nhưng sự đặt tên cho con cái, thiết nghĩ cũng nên hết sức cân nhắc; bởi cái tên cha mẹ đặt cho mỗi người lúc lọt lòng, sẽ gắn với chúng ta đến lúc… nhắm mắt xuôi tay!