Từ Liên hoan tiếng hát đến Lễ hội Làng Sen

Giao Hưởng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khởi tự lòng dân nơi cố hương của các làn điệu Phường Vải, Ví Giặm, Liên hoan tiếng hát Làng Sen (LHTHLS) từ lần thứ Nhất 5/1982 đến Lễ hội Làng Sen 5/2022, qua hàng chục lần tổ chức quy mô cấp tỉnh và cấp toàn quốc, đến nay tròn 40 năm.

Bốn chục năm qua người dân xứ Nghệ cùng với đồng bào cả nước đã tôn đắp thành công loại hình sân khấu không chuyên hát về Hồ Chí Minh. Lễ hội Làng Sen đã thu hút tới hơn 400 lượt đoàn của 20 huyện, thành tỉnh Nghệ An, 13 huyện, thành tỉnh Hà Tĩnh hào hứng đua tài.

Mong muốn ngân mãi những khúc ca về Bác

Trong lần gặp ông Nguyễn Hữu Thuông (1928 - 2021), nguyên cán bộ ngành văn hóa tỉnh Nghệ An đã nghỉ hưu, người làng Thu Hồ, sau này là làng Xuân Hồ thuộc xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), tôi được ông chia sẻ: Tháng 5/1976 khi cả nước vừa bước ra từ chiến tranh, cái ăn chưa no cái mặc chưa ấm, song từ sâu thẳm cõi lòng mỗi người dân nước Việt luôn vang lên ca khúc “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.

Chương trình văn nghệ khai mạc Lễ hội Làng Sen năm 2022. Ảnh: Thế An
Chương trình văn nghệ khai mạc Lễ hội Làng Sen năm 2022. Ảnh: Thế An

Nắm bắt nguyện vọng của người dân quê Bác, với tư cách cán bộ chuyên về phong trào văn hóa quần chúng của Ty văn hóa tỉnh Nghệ Tĩnh, ông Thuông chủ động đề xuất ý tưởng hàng năm vào dịp kỷ niệm ngày sinh của Bác - dịp mùa Sen nở, ngành văn hóa tỉnh nhà nên tổ chức Liên hoan tiếng hát Làng Sen quy mô cấp tỉnh. Được lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền, MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ Tĩnh lúc đó nhiệt thành ủng hộ, Ty văn hóa Nghệ Tĩnh tin tưởng giao mọi công việc chuẩn bị cho ông Thuông.

Sau 5 năm chuẩn bị về mọi mặt, ngành Văn hóa tỉnh Nghệ Tĩnh phối hợp cùng Nhà văn hóa Trung ương tổ chức LHTHLS lần thứ Nhất vào ngày 19/5/1982, có 4 đoàn Nghệ thuật quần chúng tham gia gồm: Nhà văn hóa Trung ương, Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ Tĩnh.

Từ LHTHLS lần thứ Nhất đến LHTHLS lần thứ 20 (năm 2001) đều tiến hành tại TP Vinh, trong đó có nhiều thành viên sáng tác bằng thứ tiếng dân tộc mình. Đó là Y Mai (dân tộc Thái - Quế Phong) tự tin thể hiện ca khúc “Thư Bác về với bản làng”; Giọng ca lắng đọng của Lầu Y Tổng (dân tộc Mông) với bài “Bác Hồ đến với Nhân dân” dựa theo làn điệu cự xia của dân ca Mông. Hùn Phi Khăm (dân tộc Khơmú - Kỳ Sơn) say sưa bài “Nhớ Bác” phỏng theo điệu Tơm dân ca Khơmú.

Trương Thị Hiền (dân tộc thổ - Quỳ Hợp) trầm lắng bài “Người vùng cao ơn Bác” theo điệu dân ca Thổ. Những giọng ca uyển chuyển, thướt tha như dòng Ngàn Phố, Ngàn Sâu đưa về Liên hoan những ca khúc về Bác đằm chất dân ca xứ Nghệ quê hương.

Theo cảm nhận của nhiều người, LHTHLS năm sau xuất hiện nhiều hơn những sáng tác mới về chủ đề Bác Hồ so với lần trước dựa theo nguyên gốc dân ca. Cũng có khá nhiều tác phẩm phát triển từ chất liệu dân ca, dân nhạc, dân vũ đậm bản sắc vùng miền như hát Then của đoàn Cao Bằng, Cải lương và các điệu lý của các đoàn Đồng Tháp, Minh Hải, Cần Thơ; hát bài Chòi của đoàn Quảng Ngãi, hát Xoan của đoàn Vĩnh Phúc, Quan họ của đoàn Bắc Ninh...

Những viên ngọc nghệ thuật ấy toát ra tư tưởng tối thượng của Bác vì Dân vì Nước, được mài dũa trong môi trường văn nghệ dân gian để rồi neo chặt trong tâm tưởng khán giả tới giờ.

Trong những năm qua, Ban tổ chức đặc cách cho các huyện, thành, thị trực thuộc tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh được lập các đoàn nghệ thuật quần chúng đến thi tài cùng các đoàn nghệ thuật quần chúng cấp tỉnh, thế nên lần đầu lên sân khấu rất nhiều các diễn viên không chuyên biểu diễn mà như không diễn. Người dân xứ Nghệ tự nguyện lập thành "đoàn gia đình", "đoàn làng" "đoàn xóm" đến đăng ký tham gia để được thi hát về Hồ Chí Minh.

Tháng 5 - trẩy hội Làng Sen

Tháng Năm mùa Sen nở, dòng người trẩy hội Làng Sen và hát về Người! Hàng nghìn diễn viên không chuyên hòa trong cái chung lớn nhất như chim gọi đàn tụ về xứ Nghệ để hát Hồ Chí Minh. Họ tham gia thi tài không vì mục đích cao nhất giải Vàng, giải Bạc như các hội thi khác, mà trước hết để góp phần làm nên thành công của Liên hoan tiếng lòng người dân Việt Nam với Bác. Những người dân ở ngoài đời và trên sân khấu tiếng nói và cách ăn mặc không giống nhau, song họ tương đồng với nguyện vọng lớn là được lên sân khấu giữa lòng TP Vinh để hát về Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người.

Còn nhớ năm 1985 tại Liên hoan toàn quốc lần 2, Nhạc sĩ Phạm Tuyên - người vinh dự được làm Chủ tịch Hội đồng giám khảo chặng đầu 20 năm các cuộc LHTHLS toàn quốc. Hôm khai mạc Hội diễn, trước khi Nhạc sĩ ngồi vào bàn Chủ tịch Hội đồng để cân đo từng tiết mục, Ban tổ chức giới thiệu ông lên phát biểu.

Ông vừa đứng lên chào mọi người, bất ngờ không ai bảo ai, hàng nghìn khán giả nêm cối trong Rạp 12/9 bên đại lộ Quang Trung, TP Vinh, đồng loạt đứng dậy vỗ tay hát vang “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Tác giả ca khúc đứng lặng trong giây phút, ánh mắt ông rưng rưng xúc động xen niềm tự hào.

Mới hay, khi sản phẩm tinh thần được Nhân dân chấp nhận tới mức trở thành máu thịt, đã thành tài sản vô giá thì chính Nhân dân tự cho mình cái quyền đồng nhất tác giả với tác phẩm để đời.

Nhiều tên tuổi của giới sáng tác nhạc Việt Nam hiện đại đã có mặt ngay từ cuộc mở đầu LHTHLS. Nhạc sĩ Trần Long Ẩn dẫn đầu đoàn nghệ thuật quần chúng TP Hồ Chí Minh với Ban nhạc Nhà thờ đã tham gia cuộc hội diễn ra mắt tháng 5/1982. Các nhạc sĩ: Trần Hoàn, Thuận Yến, Văn An, Văn Dũng, Đặng Nhất Mai, Nguyễn Cường, Trương Vĩnh Tòng... có tác phẩm tham gia tại các cuộc Liên hoan đầu tiên và những năm tiếp đó.

Tháng 5 hàng năm, trong ống kính của tôi và các phóng viên báo chí nhiếp ảnh từ muôn nẻo đổ về Làng Sen, luôn đầy ắp màu áo bà ba Nam Bộ, màu tím Huế thướt tha, màu núi rừng Tây Nguyên sặc sỡ, nâu chàm Tây Bắc dân dã, tha thướt dịu dàng áo tứ thân cổ kính đất Thăng Long… của hàng nghìn diễn viên không chuyên mang về LHTHLS. Đó là những đặc sản văn hóa nhiều màu sắc, cung bậc âm thanh của nhiều tiếng nói - di sản truyền đời của tổ tiên người Bana, Êđê, Chăm, KhơMe, HMông, Tày, Thái, Dao, Khơmú, Kinh, Thái, Striêg, Hoa, Gialai…

Với vài thế hệ diễn viên không chuyên, LHTHLS đã thành nơi hội ngộ giao lưu, lễ hội của lòng người. Thông qua tiếng đàn, tiếng hát, họ lại được thổn thức trước hình ảnh Bác, trước mái nhà tranh nơi Làng Sen quê nội, Làng Chùa quê ngoại của một vĩ nhân, hoàn toàn không còn ranh giới giữa nghệ thuật với đời thường.

Từ nền tảng của ba yếu tố cơ bản: Văn hóa truyền thống của 54 dân tộc anh em; Đạo lý Uống nước nhớ nguồn của người Việt dân tộc Việt; Hào quang từ tấm gương đạo đức, tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho đội ngũ sáng tác và lực lượng biểu diễn hùng hậu, làm nên thành công LHTHLS - Lễ hội Làng Sen - Lễ hội tôn vinh Hồ Chí Minh để lại những dư âm lắng đọng trong tâm thức người dân nước Việt.