[Từ nhà ra phố] Đừng để “quýt làm, cam chịu”

Trực Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau một thời gian tạm lắng, vào những tháng cuối năm, điệp khúc đào đường lại có dấu hiệu tái phát. Lượn một vòng trong TP, người ta dễ dàng nhận ra những điểm nóng về đào đường. Đó là các tuyến phố Hoàng Tích Trí, Hàng Bông, Hàng Gai, Trương Định, Thụy Khuê…

Đào đường đương nhiên phải được cơ quan chức năng cho phép, nó phải phục vụ một công việc, một tổ chức, cá nhân nào đó. Sau khi hoàn thành công việc, nếu các đơn vị hoàn trả mặt đường một cách phẳng phiu thì chẳng có gì để nói. Nhưng thực tế, sau khi đã xong việc, nhiều trường hợp đường phố chỉ được san lấp, tráng lên một lớp nhựa sơ sài. Do đó, mặt đường trở nên méo mó, sống trâu, sống lươn bắt đầu xuất hiện, gây cản trở, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.
Lấy đường Hoàng Tích Trí làm một ví dụ, không rõ đặt đường điện ngầm hay cáp viễn thông, nhưng khi hoàn trả lại mặt đường, đơn vị thi công chỉ làm qua loa. Nhìn con đường bị cày xới, thảm lại cẩu thả khiến nhiều người đi đường xót xa. Lòng đường xuất hiện vệt trám vá, gồ ghề chạy suốt tuyến, dễ gây trượt ngã đối với những người đi xe máy, xe đạp. Không chỉ vậy, đơn vị thi công còn để lại đất cát, bụi bẩn khiến người dân bức xúc. Sau khi đào lên, lấp xuống đơn vị thi công không dọn đất cát mang đi, dù tưới nước liên tục nhưng bụi vẫn bay mù mịt trên cả tuyến phố…
Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện trong câu chuyện đào đường, ngành chức năng nên tăng cường giám sát và hậu kiểm với các dự án đào đường, đừng để kéo dài tình trạng “quýt làm”, nhưng “cam” phải chịu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần