Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Từ vụ học sinh ném dép vào cô giáo: “3 chữ lý” trong phòng chống bạo lực học đường

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ nữ giáo viên bị học sinh ném dép, lăng mạ xảy ra tại Tuyên Quang đang được các cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý. TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam chia sẻ cách nhìn và giải quyết sự việc dựa vào “3 chữ lý”.

Nhiều cơ quan chức năng vào cuộc

Công đoàn Giáo dục Việt Nam vừa có văn bản gửi Công đoàn Giáo dục các tỉnh/TP về việc tăng cường các biện pháp bảo vệ nhà giáo.

Cô giáo bị học sinh
Cô giáo bị học sinh "quây" trong lớp (Ảnh cắt từ clip)

Theo đó, sau khi nắm được thông tin liên quan vụ việc học sinh có hành vi vô lễ với giáo viên tại trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã chỉ đạo Công đoàn Giáo dục tỉnh Tuyên Quang phối hợp với LĐLĐ huyện Sơn Dương xử lý nghiêm vụ việc; trong đó, kiên quyết xử lý hành vi vi phạm đạo đức, lối sống, xúc phạm nhà giáo trong các cơ sở giáo dục.

Cùng với đó, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề nghị Công đoàn ngành các tỉnh, thành phố đề xuất, phối hợp với Sở GD&ĐT; các đơn vị, trường học tăng cường các biện pháp giáo dục học sinh, thực hiện kỷ cương trường học, kỷ luật học đường, có biện pháp bảo vệ danh dự, nhân phẩm, tính mạng của nhà giáo, người lao động; kịp thời phát hiện, phản ánh các vấn đề nảy sinh để nhận được sự hướng dẫn cụ thể…

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhận định, vụ việc bạo lực học đường (BLHĐ) xảy ra tại tỉnh Tuyên Quang là “rất nghiêm trọng, không chấp nhận được”. Theo Thứ trưởng, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi UBND tỉnh Tuyên Quang đề nghị, yêu cầu UBND tỉnh phải tiếp tục chỉ đạo để xác định rõ vụ việc.

Công văn yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo Sở GD&ĐT và nhà trường trước tiên làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm các bên liên quan một cách khách quan, thấu đáo. Trên cơ sở đó, phải có những biện pháp để xử lý nghiêm vấn đề thuộc trách nhiệm của giáo viên, nhà trường, lãnh đạo nhà trường, học sinh, phụ huynh. Phải xem xét tổng thể để có những biện pháp xử lý vướng mắc, cần thiết phải chấn chỉnh và rút kinh nghiệm sâu sắc việc này.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nêu, từ những nguyên nhân diễn ra vụ việc này cũng như những vụ việc khác, Bộ đã có nhiều biện pháp bao gồm giáo dục, quản lý và kỷ luật nhưng biện pháp căn cơ là giáo dục và quản lý. Dù rất tôn trọng nhà giáo nhưng trước hết, cần xem xét, nhìn nhận đội ngũ giáo viên từ đào tạo, bồi dưỡng đến quá trình sử dụng, tuyển dụng cũng như chuyên môn, phẩm chất, kỹ năng xử lý tình huống…

Tiếp đến là rà soát đánh giá công tác giáo dục tuyên truyền học sinh và công tác quản lý của nhà trường. Ngoài ra còn có vai trò của phụ huynh, mối quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường; cuối cùng là trách nhiệm của toàn xã hội bởi bạo lực xảy ra trong trường nhưng cũng là hiện tượng xã hội.

"Chúng tôi cho rằng các biện pháp cần toàn diện. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương, các cơ sở đào tạo làm tốt việc đào tạo đội ngũ giáo viên, rồi các chương trình giảng dạy và đặc biệt là tư tưởng đạo đức, quản lý nhà nước và việc phối hợp với phụ huynh"  – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.

Xem xét dựa trên “3 chữ lý”

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế và Đô thị, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết: Trong vụ việc học sinh ném dép, lăng mạ giáo viên xảy ra tại Tuyên Quang có hai vấn đề cần quan tâm, đó là công tác giáo dục học sinh và công tác bồi dưỡng giáo viên. Ở đây, hành vi của học trò là không thể chấp nhận được, nhưng xét toàn diện, chúng ta cũng thấy phần nào thiếu sót của giáo viên.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) (Ảnh: Nam Du)
TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) (Ảnh: Nam Du)

TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, giáo dục của ta hiện nay đang đi đúng hướng là bồi dưỡng, phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh nhưng vẫn nặng về tuyên truyền mà chưa có cơ chế kiểm tra, giám sát, đo đếm xem việc giáo dục đó đến được từng học sinh hay chưa.

Từ quan điểm trên, TS Tùng Lâm kiến nghị: công tác giáo dục nói chung, phòng chống BLHĐ nói riêng cần bám vào “3 chữ lý” gồm: Tâm lý, quản lý và pháp lý.

Thứ nhất, giáo dục cần phù hợp tâm sinh lý học sinh thuộc từng lứa tuổi, từng cấp học và phù hợp với từng nhà trường, từng địa phương. Các nhà trường cần đưa nội dung giáo dục giá trị sống (giá trị yêu thương, tôn trọng, tha thứ, rút kinh nghiệm chịu trách nhiệm…), kỹ năng sống (kỹ năng giao tiếp, thuyết phục, thương lượng, hòa giải…) vào chương trình chính khóa một cách nghiêm túc.

Các giờ dạy giá trị sống, kỹ năng sống có thể đặt ra nhiều tình huống để học sinh được trải nghiệm và biết cách giải quyết khi có vấn đề. Cùng với đó, học sinh cần được tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, khát vọng sống, xây dựng văn hóa phát triển bản thân.

Thứ hai, công tác quản lý của nhà trường phải đề cao tính kỷ luật, thầy ra thầy, trò ra trò, phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Trong vấn đề quản lý, cần đề cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm, lực lượng hỗ trợ, giám sát để kịp thời phát hiện và đảm bảo an ninh an toàn trường học.

Thứ ba là pháp lý, đây là yếu tố rất quan trọng. Trong các vụ BLHĐ nói chung là sự việc nảy ra tại Tuyên Quang nói riêng, học sinh không những sai về đạo đức (vô lễ, không tôn sư trọng đạo) mà còn vi phạm pháp luật. Nếu gây nên hành vi vi phạm pháp luật thì các em phải đối diện với người thi hành pháp luật (Công an, chính quyền).

Khi nhà trường xảy ra các vụ việc BLHĐ, cùng với thầy cô, lực lượng chức năng cần có mặt ngay để phối hợp giải quyết trên cơ sở giám sát của phụ huynh. Song song với hình thức xử lý, các nhà trường cần tiếp tục có kế hoạch giáo dục học sinh để các em nhận thức được lỗi và phải tìm cách chuộc lỗi.

Các thầy cô giáo cần tiếp tục nâng cao trình độ, năng lực sư phạm, kiến thức về tâm lý giáo dục cũng như kỹ năng quan sát học trò. Thầy cô cần dám nhận thiếu sót, xin lỗi học trò nếu sai, cần chia sẻ để học trò hiểu mình, khuyến khích động viên học trò và không dùng quyền làm thầy để áp chế học sinh.

Khi học sinh mắc lỗi mà chưa hiểu, người làm thầy cần kiên trì giải thích để học sinh thấu rõ, chia sẻ, như vậy mới không tạo bức xúc cho học sinh. Cùng với đó, thầy cô cũng nên trang bị các kỹ năng tự tháo gỡ, tự bảo vệ mình khỏi nguy hiểm và tìm kiếm người giúp đỡ trong trường hợp bị tấn công.

“Tập thể sư phạm nhà trường phải biết nhắc nhở, giúp đỡ lẫn nhau. Ngoài kiến thức, đạo lý, điều quan trọng của thầy cô là giáo dục, noi gương cho học sinh bằng chính nhân cách và đạo đức của mình. Muốn có môi trường giáo dục an toàn, tôn trọng, cần kiên trì giáo dục, có phương pháp giáo dục đúng và phương pháp quản lý đúng”, TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

 

Trước đó, mạng xã hội bức xúc trước clip một cô giáo bị nhiều học sinh trong lớp bao vậy, chửi bới… Sự việc được xác định xảy ra tại Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Theo đó, vào tiết 3 môn âm nhạc của lớp 7C, cô giáo P.T.H. nhắc nhở một số học sinh chưa chịu vào lớp thì bị các em phản ứng. Khi tiết học bắt đầu, một số học sinh xin ra ngoài nhưng cô H. không đồng ý. Một số học sinh đã chống đối cô giáo ngay tại lớp. 

Chưa dừng lại, sau giờ dạy tiết 3 của lớp 7C, cô H. sang dạy tiết 4 của lớp 6A, một số học sinh lớp 7C sang lớp 6A ném dép, lăng mạ cô giáo, quay video và đăng lên mạng xã hội. 

Ngày 30/11, Phòng GD&ĐT huyện Sơn Dương, Công an huyện và các cơ quan chức năng đã yêu cầu Trường THCS Văn Phú họp kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của giáo viên, học sinh.

Ngày 7/12, UBND huyện Sơn Dương ra quyết định tạm đình chỉ chức vụ và công tác 15 ngày đối với ông Nguyễn Duy Sáng, Hiệu trưởng Trường THCS Văn Phú để phục vụ cho công tác xác minh, làm rõ sự việc liên quan đến nội dung công tác quản lý giáo viên, học sinh của nhà trường.