Dùng thuốc điều trị Covid-19 trôi nổi: Đừng để “tiền mất, tật mang”

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nắm bắt được tâm lý lo lắng của người dân, nhiều người đã nhập lậu các loại thuốc điều trị Covid-19, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng vào thị trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần cảnh giác với các loại thuốc điều trị Covid-19 trôi nổi để tránh “tiền mất, tật mang”.
Thu giữ hàng trăm hộp thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc
Những ngày qua, lực lượng chức năng TP Hà Nội đã liên tục phát hiện, bắt và thu giữ hàng chục nghìn viên thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ. Mới đây, tổ công tác Y26A Công an TP Hà Nội làm nhiệm vụ trên phố Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên đã phát hiện xe ô tô du lịch 16 chỗ do lái xe Lê Đình Nguyên (sinh năm 1987, ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên) chở thuốc chữa Covid-19 cho một người ở phường Quảng An, quận Tây Hồ. Tài xế không xuất trình được hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc số thuốc trên. Lực lượng chức năng kiểm đếm có khoảng 200 hộp thuốc các loại in chữ nước ngoài.
 Phát hiện hàng nghìn viên thuốc điều trị Covid - 19 nhập lậu tại quận Bắc Từ Liêm.
Cũng vài ngày trước, Công an quận Bắc Từ đã phát hiện và thu giữ 1.000 viên thuốc phòng, điều trị Covid 19 của Nga không có hóa đơn chứng từ. Qua công tác nắm tình hình, từ đầu tháng 8/2021, trinh sát Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Bắc Từ Liêm phát hiện một số đối tượng thường xuyên giao dịch mua bán các mặt hàng thiết bị y tế và thuốc chữa bệnh, đặc biệt là các loại thuốc liên quan đến phòng, điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc. Cảnh sát phát hiện các đối tượng thường giao dịch, mua bán và giao hàng qua shipper giao hàng, không trực tiếp lộ diện để tránh sự kiểm tra và xử lý của các cơ quan chức năng. Đối tượng khai nhận thuốc điều trị Covid-19 trên được thu gom từ các nguồn trên mạng để bán kiếm lời. Nếu bán trót lọt có thể thu lợi khoảng 100 triệu đồng.
Đầu tháng 9, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an TP Hà Nội đã phối hợp cùng Cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện và thu giữ gần 500 hộp thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tại thời điểm kiểm tra, chủ xe là Nguyễn Thu Huyền (sinh năm 1979, ở quận Cầu Giấy) chưa xuất trình được hóa đơn, chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số thuốc trên. Và trên bao bì các sản phẩm đều in chữ do nước ngoài sản xuất, không có tem nhãn phụ tiếng Việt. Được biết, hiện nay, mỗi hộp thuốc đang được các đối tượng giao dịch với giá dao động từ 3 - 3,5 triệu đồng tùy loại.
Trung tá Ngô Anh Thuấn - Phó Đội trưởng Đội 5, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an TP Hà Nội cho biết, toàn bộ số thuốc này đều chưa được kiểm định chất lượng, không bảo đảm các yêu cầu cấp phép của Bộ Y tế, nếu tiêu thụ ra thị trường sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Theo đại diện Cục quản lý thị trường Hà Nôi, để qua mắt lực lượng chức năng, các đối tượng thường lợi dụng mạng xã hội làm nơi buôn bán, sau đó, tìm những địa điểm đang xây dựng, địa hình đi lại khó khăn, sâu trong các ngõ nhỏ để làm nơi cất giấu hàng hóa. Do đó, người dân cần cảnh tỉnh trước những lời quảng cáo môi trường mạng internet về thuốc điều trị Covid-19. Bởi hiện nay, phương án phòng chống Covid-19 tối ưu nhất chính là 5K vaccine phòng Covid-19.
Không nên tự ý mua thuốc điều trị
Đề cập đến vấn đề thuốc điều trị Covid-19, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà - Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho rằng, khi dịch Covid-19 xảy ra, đặc biệt, ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam, lượng bệnh nhân mắc Covid-19, ca tử vong tăng lên hàng ngày khiến người dân lo lắng. Tuy nhiên, với các thuốc điều trị Covid-19 phải có sự theo dõi của bác sĩ để được chỉ định đúng lúc, đúng chỗ. Rõ ràng, nếu nước ta có nguồn cung cấp đầy đủ thì đã cung cấp cho các bệnh viện, khi đó, các bác sĩ chỉ định sẽ phù hợp và đúng hơn. Còn người dân tự ý mua, tích trữ, nếu không biết cách dùng, dùng sai thời điểm có khi còn nguy hại tới tính mạng. Nếu cần thiết, người dân liên hệ với các cơ sở y tế để có sự hỗ trợ kịp thời.
Đồng quan điểm, bác sĩ Trần Tuấn Dũng - Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, người dân không nên săn lùng các loại thuốc điều trị Covid-19 dẫn đến tiền mất tật mang. Mỗi người có một cơ địa, bệnh lý mức độ khác nhau, do đó, người dân cần có sự chỉ định về liều lượng của bác sĩ. Với các ca bệnh nặng (viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết) hoặc ca bệnh nhẹ ở người có bệnh mạn tính, người cao tuổi cần được điều trị ở buồng bệnh hồi sức tích cực. Ca bệnh nặng, nguy kịch (suy hô hấp nặng, ARDS, sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan) cần được hồi sức tích cực. “Dịch Covid-19 không chỉ điều trị bằng thuốc là khỏi. Một số ca nặng cần can thiệp như lọc máu, đặt nội khí quản, thở máy, trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO)… Điều trị không chỉ là dùng thuốc mà cần phải nghỉ ngơi, vệ sinh mũi họng, uống đủ nước, dinh dưỡng, vận động hợp lý, tinh thần lạc quan. Do đó, để phòng chống dịch bệnh, người dân cần tuân thủ nghiêm việc đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách, tiêm vaccine đầy đủ” - bác sĩ Dũng khuyến cáo.
Theo các chuyên gia y tế, để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, người bệnh và người nhà bệnh nhân nên thận trọng, tỉnh táo trước những lời quảng cáo, giới thiệu về các phương pháp chữa bệnh, cũng như thuốc điều trị Covid-19 chưa được kiểm chứng, thiếu cơ sở khoa học. Khi phát hiện các triệu chứng bệnh, người dân cần đến các cơ sở chuyên khoa để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị đúng cách.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần