Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tuần hàng Việt: Kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng

Lê Nam (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 khiến nhiều DN gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, do đó, Sở Công Thương Hà Nội liên tục tổ chức Tuần hàng Việt là để thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm. Đây là chia sẻ của Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.

 Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan 
Sau khi dịch Covid-19 lần 2 được kiểm soát, Sở Công Thương Hà Nội đã liên tục tổ chức Tuần hàng Việt tại ngoại thành, vậy, hiệu quả của hoạt động này như thế nào, thưa bà?

- Nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời hỗ trợ DN phát triển sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm, từ đầu tháng 10 đến nay Sở Công Thương Hà Nội chủ trì, phối hợp với thị xã Sơn Tây, huyện Thạch Thất tổ chức Tuần hàng Việt TP Hà Nội với quy mô 100 gian hàng. Tuần hàng đã thu hút một lượng lớn DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng Việt thuộc các nhóm ngành: Hàng tiêu dùng, sản phẩm công nghiệp, sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông lâm thủy sản, sản phẩm OCOP… TP Hà Nội và các tỉnh, thành tham gia.

Thông qua việc tổ chức Tuần hàng Việt, Sở Công Thương đã hỗ trợ DN quảng bá thương hiệu, kết nối giao thương, phát triển thị trường, đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng và xuất khẩu tại chỗ; đồng thời gắn với các hoạt động du lịch mua sắm, giải trí trên địa bàn TP Hà Nội. Ở chiều ngược lại, người tiêu dùng khu vực ngoại thành và du khách có cơ hội tham quan, mua sắm sản phẩm hàng Việt Nam đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Tuần hàng Việt TP Hà Nội đã mang lại những lợi ích như thế nào cho người tiêu dùng cũng như DN, thưa bà ?

- Việc tổ chức các Tuần hàng Việt tại các huyện đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, điều thấy rõ nhất là đã góp phần bình ổn thị trường, bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt, trong thời gian diễn ra Tuần hàng Việt, Sở Công Thương đã mời các DN bán lẻ, siêu thị, tới tham quan các gian hàng, tạo cơ hội cho DN sản xuất tiếp xúc trực tiếp với hệ thống phân phối, qua đó xây dựng mối liên kết trong đầu tư sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm.

Từ nay đến Tết Tân Sửu (2021), Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các tỉnh, TP tổ chức trên 30 chương trình, sự kiện kích cầu nội địa, khuyến công, sản xuất và tiêu dùng bền vững… Đây là những hoạt động hết sức cụ thể và là giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo đòn bẩy hỗ trợ các DN thực hiện có hiệu quả "mục tiêu kép" phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng tổng mức bán lẻ và cân đối cung cầu trên địa bàn TP Hà Nội.

Ngành công thương đã triển khai những giải pháp gì nhằm ngăn chặn việc DN, cơ sở sản xuất lợi dụng Tuần hàng Việt tiêu thụ hàng lậu, hàng kém chất lượng?

- Trong dịp cuối năm, sức tiêu thụ hàng hóa tăng mạnh, lợi dụng việc này một số cơ sở sản xuất, DN trà trộn hàng lậu, hàng kém chất lượng với hàng thật để tiêu thụ. Để ngăn chặn tình trạng này, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, Sở Công Thương Hà Nội đã yêu cầu các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh có hàng hóa tham gia Tuần hàng Việt phải đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
 Người tiêu dùng mua hàng tại Tuần hàng Việt tổ chức tại thị xã Sơn Tây ngày 6/10.
Tuyệt đối không kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và lợi ích của các DN. Riêng với sản phẩm do DN các tỉnh, thành tham gia Tuần hàng Việt đều phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc hàng hóa, có đầy đủ các loại giấy tờ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, các sản phẩm bán tại các hội chợ, triển lãm cũng như các hệ thống phân phối trên địa bàn TP Hà Nội đều được kiểm soát chặt chẽ bởi các nhà phân phối cũng như các lực lượng chức năng như Thanh tra của Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường, Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội.

Nhằm hỗ trợ cho các tỉnh, TP đưa hàng về TP Hà Nội tiêu thụ trong dịp Tết Tân Sửu 2021 và tạo cơ hội cho người tiêu dùng tiếp cận đặc sản vùng miền, Sở Công Thương đã có sự chuẩn bị như thế nào?

- Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP Hà Nội chuẩn bị cho công tác đảm bảo hàng hóa bình ổn thị trường trong dịp Tết Tân Sửu 2021, ngoài các chương trình kích cầu, bình ổn thị trường... UBND TP đã chỉ đạo ngành công thương bố trí các điểm bán hàng cố định để các tỉnh đưa hàng hóa tiêu thụ. Hiện, Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát các điểm kinh doanh trên địa bàn, qua đó đã giới thiệu tới các tỉnh 28 điểm bán hàng cố định. Hiện, Sở Công Thương Hà Nội đã thông tin đến 62 tỉnh, TP những điểm bán hàng này, từ đó DN các địa phương đăng ký bán hàng.

Xin cảm ơn bà!