Dù những đề xuất và lập luận trong tờ trình khá thuyết phục, song điều mà dư luận mong chờ nhất vẫn là tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành xăng dầu để không xảy ra sự bất ổn thị trường như thời gian qua.
Kiểm soát nguồn cung, giá bán xăng dầu
Trong tờ trình gửi Văn Phòng Chính phủ mới đây về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương kiến nghị một số đề xuất đáng chú ý. Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất chọn phương án giữ nguyên cách điều hành giá như hiện nay để kiểm soát nguồn cung, giá bán trong nước. Tuy nhiên, thời gian rà soát các chi phí đưa vào giá xăng dầu được đề nghị rút ngắn từ 6 tháng xuống còn 3 tháng. Thời gian giữa hai chu kỳ điều hành giá cũng rút ngắn từ 10 ngày hiện tại xuống 7 ngày, cố định vào thứ Năm hàng tuần.
Lập luận trong văn bản đề xuất trên, Bộ Công Thương cho biết, trong giai đoạn vừa qua, thời gian điều hành giá xăng dầu đã liên tục được rút ngắn dần (từ 30 ngày xuống 15 ngày và hiện nay là 10 ngày). Thực tế cho thấy, có những thời điểm khi thị trường xăng dầu thế giới biến động liên tục với biên độ lớn, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng nhưng chưa được cập nhật kịp thời dẫn đến DN gặp khó khăn trong việc nhập khẩu. Do vậy, để giá xăng dầu trong nước theo sát và cập nhật kịp thời biến động của giá xăng dầu trên thế giới, Bộ đề xuất tiếp tục rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu xuống còn 7 ngày và xác định thời điểm công bố cố định vào ngày thứ Năm hàng tuần.
Điểm đáng lưu tâm nhất là Bộ Công Thương không quy định rõ mức chiết khấu trong công thức giá xăng dầu cơ sở. Sở dĩ đề xuất như vậy vì theo Bộ Công Thương, quy định tại Thông tư 104/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính đã nêu rõ: "Chi phí kinh doanh xăng dầu định mức là khoản chi phí tổng hợp tối đa chỉ có giá trị để tính giá cơ sở xăng dầu theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP.
Khoản chi phí kinh doanh xăng dầu định mức là chi phí lưu thông xăng dầu trong nước (chi phí bán buôn, chi phí bán lẻ ở nhiệt độ thực tế) của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (đã bao gồm chi phí dành cho thương nhân phân phối, thương nhân nhượng quyền bán lẻ, tổng đại lý, đại lý xăng dầu)".
Như vậy, mức chiết khấu cho đầy đủ các đối tượng có liên quan khi tham gia vào chuỗi cung ứng xăng dầu đã được tính trong chi phí kinh doanh xăng dầu định mức. Mức chiết khấu do các DN tự thỏa thuận sẽ là yếu tố cạnh tranh quan trọng giữa các thương nhân để mở rộng thị phần của mình.
Lý giải thêm về vấn đề này, Bộ Công Thương cho rằng, sẽ không cần phải quy định mức chiết khấu cụ thể tại công thức tính giá cơ sở xăng dầu. Bởi, nếu Nghị định cho phép đại lý bán lẻ xăng dầu được mua nhiều nguồn; điều chỉnh thời gian rà soát, công bố các chi phí giảm từ 6 tháng xuống 3 tháng; rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 7 ngày thì vấn đề chiết khấu cơ bản sẽ được giải quyết. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đồng tình với việc quy định cho phép đại lý bán lẻ xăng dầu được quyền mua xăng dầu từ nhiều nguồn (tối đa 3 nguồn) sẽ tạo ra cạnh tranh về chiết khấu trên thị trường xăng dầu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: “Tờ trình Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định kinh doanh xăng dầu được nghiên cứu kỹ lưỡng dựa trên cơ sở tiếp thu mức cao nhất những ý kiến góp ý của các bộ, ngành, các đối tượng chịu tác động và đáp ứng yêu cầu, phù hợp với tình hình thực tiễn; bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và DN theo đúng chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ”.
Quản lý, hoạt động theo cơ chế thị trường
Trở lại câu chuyện những xáo trộn từ thị trường xăng dầu trong nước năm 2022 và đầu năm 2023. Theo phản ánh của nhiều đại lý, DN bán lẻ, nhiều thời điểm thiếu hụt nguồn cung, giá xăng dầu trên thị trường biến động khó lường, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu giao hàng cho các đại lý với mức thù lao chiết khấu không đủ trang trải các chi phí kinh doanh, thậm chí còn bị thua lỗ khi các chi phí này biến động tăng. Họ kiến nghị cần có quy định chiết khấu tối thiểu 5 - 6% trong giá bán. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây chỉ là giải pháp tình thế, không phải là giải pháp căn cơ để đưa hoạt động kinh doanh xăng dầu vào quỹ đạo ổn định theo cơ chế thị trường.
Nêu quan điểm về quản lý điều hành giá xăng dầu, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo đồng tình với việc Bộ Công Thương đề nghị chọn phương án giữ nguyên công thức giá cơ sở như quy định hiện hành. Tuy nhiên, ông Bùi Ngọc Bảo đề xuất cần rà soát một số chi phí thực tế phát sinh của DN nhưng chưa được tính tại công thức hiện hành về giá cơ sở. Đồng thời sửa đổi quy định về phương thức và tần suất xác định các chi phí để bảo đảm tính đủ, kịp thời chi phí trong giá cơ sở do Nhà nước công bố.
Cho rằng những đề xuất của Bộ Công Thương là phù hợp trong bối cảnh hiện nay, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Học Viện Tài chính phân tích, thời gian rà soát các chi phí đưa vào giá xăng dầu được đề nghị rút ngắn từ 6 tháng xuống còn 3 tháng là rất hợp lý. Bởi, rõ ràng là chi phí bây giờ thay đổi liên tục hàng tháng. Đối với đề xuất rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 7 ngày, vị chuyên gia này cho rằng không có gì phải thảo luận nhiều. Bởi, thực tế, thời gian giữa 2 kỳ điều hành giá xăng dầu là 10 ngày hay 7 ngày cũng không phải là vấn đề quan trọng do không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh xăng dầu trong nước.
Riêng với đề xuất không quy định mức chiết khấu cụ thể tại công thức tính giá cơ sở xăng dầu, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đồng tình, nhất trí cao. Thực tế, việc các DN xăng dầu bán lẻ đòi hỏi phải có một mức chiết khấu cố định thì chỉ có quay lại kinh tế bao cấp. Nếu cơ quan quản lý Nhà nước quy định mức chiết khấu cố định thì toàn dân, người người, nhà nhà ai cũng có thể bán xăng dầu vì tư nhân đăng ký một mức lãi giống nhau. Điều này là không thể chấp nhận được.
Theo cơ chế thị trường, DN bán lẻ cần trao đổi mua bán với các đầu mối để từ đó có giá cả hợp lý, đồng thời DN bán lẻ phải tính toán giảm các chi phí để bảo đảm có lợi nhuận. Như vậy, kinh doanh xăng dầu trong nước mới thực sự hoạt động theo cơ chế thị trường, đúng với định hướng của nền kinh tế nước nhà.
Còn theo TS Vũ Đình Ánh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), thị trường xăng dầu trong nước hiện đã tương đối cạnh tranh với sự tham gia của ngày càng nhiều chủ thể kinh doanh xăng dầu. Việc Nhà nước không can thiệp vào những thỏa thuận dân sự, phù hợp với quy định của pháp luật giữa các DN, giúp lĩnh vực kinh doanh xăng dầu phát triển theo định hướng kinh tế thị trường.
Xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm, quan trọng, ảnh hưởng tới quốc kế dân sinh, là đầu vào quan trọng của nền kinh tế, một trong những cân đối lớn. Vì vậy, quản lý kinh doanh xăng dầu phải bảo đảm tính cạnh tranh. Đó là lý do Bộ giữ nguyên quan điểm không quy định về mức chiết khấu cho kinh doanh xăng dầu và việc điều hành giá xăng dầu theo nguyên tắc thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
Nhà nước chỉ quản lý và điều hành giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và điều hành kinh tế vĩ mô, không điều chỉnh mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu là phù hợp với thực tế. Bởi giá bán lẻ xăng dầu đã được Nhà nước điều hành và quy định mức giá trần, nên mức chiết khấu là yếu tố quan trọng để phản ánh tính thị trường.
Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả
(Bộ Tài chính),TS Vũ Đình Ánh